Thổ Nhĩ Kỳ muốn trả các tù nhân IS về nguyên quán các nước châu Âu; Nga lo ngại vợ con các chiến binh thánh chiến hồi hương tiếp tục hoạt động

VietTimes -- Đài truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ TRT Haber ngày 11/11 đưa tin,  chính quyền Ankara đã bắt đầu cho hồi hương các công dân nước ngoài của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (Islamic State, IS) bị họ bắt giữ bất chấp các nước mà họ là công dân có muốn nhận hay không.
Tổ chức khủng bố IS ở Syria đã bị phá vỡ, nhưng vấn đề hồi hương các thành viên có quốc tịch châu Âu đang gây tranh cãi
Tổ chức khủng bố IS ở Syria đã bị phá vỡ, nhưng vấn đề hồi hương các thành viên có quốc tịch châu Âu đang gây tranh cãi

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu hồi tuần trước lên tiếng cảnh báo, mặc dù những người nước ngoài bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ, phần lớn là các chiến binh Nhà nước Hồi giáo công dân các nước châu Âu đã bị đất nước họ xóa bỏ quốc tịch, chính quyền Ankara vẫn sẽ gửi trả họ về “nơi sản xuất”.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn trả về “nơi sản xuất” các chiến binh IS và thân nhân

Bản tin của TRT Haber nói, hiện vẫn còn không thể biết ngay có bao nhiêu chiến binh IS người nước ngoài sẽ được hồi hương. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết vào ngày 8/11, hiện có tất cả 1.201 tù nhân IS đang bị giam giữ trong các nhà tù của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 287 người được binh lính Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ khi tấn công vào Lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Đông Bắc Syria trong chiến dịch mang tên “Suối nguồn Hòa Bình” hồi tháng 10. Những người này là các chiến binh người nước ngoài thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS bị bắt giữ.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang giam giữ 1.200 người là chiến binh IS và vợ, con họ.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang giam giữ 1.200 người là chiến binh IS và vợ, con họ.

Trước đó, mặc dù chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liên tục kêu gọi các nước châu Âu mang về nước các chiến binh Nhà nước Hồi giáo có quốc tịch của họ, nhưng nhiều nước châu Âu vẫn chần chừ do dự, sợ rằng những chiến binh IS này sau khi trở lại đất nước sẽ gây nên sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng và trở thành mối nguy hiểm cho an ninh xã hội.  

Ngoài ra, theo Công ước New York 1961 (New York Convention of 1961), việc biến ai đó trở thành người không quốc tịch là bất hợp pháp, nhưng nhiều quốc gia, trong đó có Vương quốc Anh và Pháp, đều chưa phê chuẩn công ước này. Vì vậy gần đây đã gây ra một cuộc tranh luận pháp lý liên quan đến vấn đề hồi hương về quê nhà những phần tử thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở nước ngoài.

Cô sinh viên người Anh Shamima Begum bỏ sang Syria lấy chồng là chiến binh IS rồi sinh con đã bị chính phủ Anh hủy bỏ quốc tịch.
Cô sinh viên người Anh Shamima Begum bỏ sang Syria lấy chồng là chiến binh IS rồi sinh con đã bị chính phủ Anh hủy bỏ quốc tịch.

Vương quốc Anh tuyên bố đã tước bỏ quốc tịch Anh của hơn 100 công dân, những người được cho là đã gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS. Trong đó điển hình là việc chính phủ Anh hủy bỏ quốc tịch của cô sinh viên người Anh Shamima Begum và Jack Letts – người có hai quốc tịch Canada và Vương quốc Anh. Các trường hợp bị tước quốc tịch Vương quốc Anh này đã khiến cộng đồng quốc tế quan tâm và làm nổ ra cuộc chiến kịch liệt ở tòa án và cuộc tranh luận chính trị căng thẳng ở Anh.

Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/11 cho biết, cùng ngày nước này đã trục xuất một chiến binh thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo (IS) mang quốc tịch Mỹ và sẽ tiếp tục trục xuất 7 chiến binh IS mang quốc tịch Đức vào cuối tuần này.

Theo hãng thông tấn Anadolu Agency của Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ismail Catakli nói: “Sau khi hoàn tất các thủ tục, một chiến binh khủng bố IS quốc tịch nước ngoài sinh ra ở Mỹ đã bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ”. Ông cũng cho biết: “Kế hoạch hồi hương cho 7 chiến binh khủng bố nước ngoài đến từ Đức của trung tâm hồi hương đã hoàn thành và họ sẽ bị trục xuất vào ngày 14/11 tới”.

Thổ Nhĩ Kỳ từng phê phán các nước phương Tây từ chối hồi hương các công dân của họ đã rời bỏ quê hương đến Syria và Iraq để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo, lại còn hủy bỏ quốc tịch của một bộ phận những người này.

ông Alexander Bortnikov, Cục trưởng An ninh Liên bang Nga (FSB) lo ngại thân nhân của các chiến binh IS có thể sẽ quay trở về nước Nga và tiến hành các cuộc tấn công.
ông Alexander Bortnikov, Cục trưởng An ninh Liên bang Nga (FSB) lo ngại thân nhân của các chiến binh IS có thể sẽ quay trở về nước Nga và tiến hành các cuộc tấn công.

Nga lo ngại 2000 thân nhân chiến binh IS về nước sẽ tiếp tục hoạt động

Hôm 7/11, ông Alexander Bortnikov, Cục trưởng An ninh Liên bang Nga (FSB) cảnh báo rằng khoảng 2.000 phụ nữ và trẻ em là thân nhân của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo IS có thể sẽ quay trở về nước Nga và tiến hành các cuộc tấn công.

Hãng tin TASS đưa tin, ông  Bortnikov hôm 7/11 đã phát biểu tại Diễn đàn an ninh khu vực ở Tashkent, thủ đô Uzbekistan: “Theo thông tin chúng tôi có trong tay, hiện có khoảng 2.000 phụ nữ và trẻ em là thân nhân của các chiến binh IS có quốc tịch Nga”.

Ông Bortnikov nói rằng những người này bao gồm gia đình của các chiến binh IS vẫn còn ở Trung Đông hoặc đã rời khỏi khu vực này. Ông cũng cảnh báo rằng trong số các thân nhân của những chiến binh Hồi giáo quốc tịch Nga này, một số người vẫn giữ quan điểm cực đoan, e rằng sau khi trở về Nga, họ sẽ tiến hành các cuộc tấn công khủng bố.

Ông Bortnikov nói: “Những người hồi hương này thường mang về theo những tư tưởng cực đoan”. Ông tiếp tục chỉ ra rằng “những người đứng đầu các tổ chức chống khủng bố quốc tế gọi những người này là những kẻ đánh bom tự sát của các mạng lưới khủng bố ngầm, tán phát các luận điệu kích động, tuyển mộ nhân viên và đặc vụ”.

Không giống như một số quốc gia châu Âu từ chối nhận trở về nước các chiến binh IS và thân nhân của họ, Nga đã nhận và đưa các phụ nữ và trẻ em của các chiến binh Hồi giáo người Nga đến các vùng khác nhau của đất nước, đặc biệt là vùng Kavkaz.

Theo RTI, MSN