Thiên văn học nghiên cứu điều “trên trời” để ứng dụng vào thực tiễn

VietTimes – Các chuyên gia cho rằng thiên văn học không đem lại lợi ích trong thời gian ngắn nhưnng thực tế các nước muốn phát triển đều phải đầu tư và có nền khoa học cơ bản phát triển (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,...). 
Một trạm thiên văn trên thế giới. Ảnh: Internet
Một trạm thiên văn trên thế giới. Ảnh: Internet

Vai trò của thiên văn học

Với sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, kiến thức của nhân loại về bầu trời ngày càng rộng hơn và các lợi ích nhận được cũng nhiều hơn. Thiên văn học, với tư cách là một ngành khoa học cơ bản, đã trở thành tiền đề cho những ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ một cách hiệu quả các nhu cầu của con người.

Theo Wikipedia, đài thiên văn (đài quan sát, đài quan sát thiên văn, trạm quan sát thiên văn) là công trình trang bị các loại kính thiên văn cùng các thiết bị để thực hiện quan sát, theo dõi các thiên thể trên bầu trời, hoặc các hiện tượng trong tự nhiên trên Trái Đất như khí tượng.

Nhờ kính thiên văn mà con người khám phá ra nhiều điều mới lạ: các vì sao, thiên thạch tồn tại trong vũ trụ, thiên thạch gần Trái đất. Các đài thiên văn nổi tiếng trên thế gới: Gemini Observatory, ESO (đài thiên văn miền nam châu Âu), NRAD (đài quan sát thiên văn vô tuyến quốc gia), Mount Wilson, Palomar,... đóng góp rất lớn vào nền khoa học vũ trụ và ứng dụng trong cuộc sống.

Đài thiên văn Gemini Observatory. Ảnh: Internet
Đài thiên văn Gemini Observatory. Ảnh: Internet

Từ thập niên 50 của thế kỷ XX, nghiên cứu thiên văn học đã giúp các nước phát triển đưa được các phương tiện truyền dẫn, quan trắc lên quỹ đạo Trái Đất. Đến nay, có hơn 5.000 vệ tinh nhân tạo của con người có mặt trên quỹ đạo. Sức mạnh của các nước phát triển cũng đã được xác lập trên khoảng không vũ trụ.

Đồng thời, sự cạn kiệt những nguồn năng lượng truyền thống trên Trái Đất cũng đặt ra bài toán đi tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, trong đó có năng lượng từ vũ trụ, với giải pháp hấp thụ nguồn năng lượng Mặt trời từ vũ trụ và truyền về Trái Đất thông qua các vệ tinh đặc biệt.

Thiên văn học tại Việt Nam xa xỉ nhưng cần thiết

Thiên văn học là môn khoa học cơ bản, nghiên cứu những thứ "trên trời", chi phí đầu tư lại cao. Do đó, tại Việt Nam - nước đang phát triển, môn khoa học này vẫn luôn được đặt câu hỏi có cần thiết với cuộc sống hay không.

Theo thông tin từ tờ tạp chí Tia sáng, nơi nhiều đài thiên văn được tài trợ bởi nguồn tài chính tư nhân, ở Việt Nam, nghiên cứu khoa học nói chung và khoa học cơ bản nói riêng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. Do phải phân bổ nguồn lực cho nhiều lĩnh vực khác nhau nên thiên văn học - ngành khá tốn kém, sẽ bị xếp hàng sau và không được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, thiên văn học lại có những giá trị rất thiết thực.

GS. Trịnh Xuân Thuận – nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt tại ĐH Virginia, cho biết thiên văn học rất gần gũi và có sức lay động mạnh mẽ đến khát khao khám phá của con người. Thiên văn học, không đem lại lợi ích trong thời gian ngắn nhưnng thực tế các nước muốn phát triển đều phải đầu tư và có nền khoa học cơ bản phát triển (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,...). 

Theo tờ Tuổi Trẻ, ở nước ta, việc làm chủ công nghệ vệ tinh còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Hằng năm, Việt Nam đối mặt với nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất. Ước tính thiên tai có thể gây thiệt hại 1,5% GDP, tương đương khoảng 3,2 tỉ USD mỗi năm.

Theo báo cáo của NASA, việc sử dụng dữ liệu vệ tinh có thể giảm tới 5-10% tổng thiệt hại do thiên tai gây ra (khoảng 0,05% GDP). Việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là trong các tình huống cấp bách khi thiên tai, thảm họa xảy đến.

Hơn nữa, Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng quay đi tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, trong đó có năng lượng từ vũ trụ. Giải pháp hấp thụ nguồn năng lượng Mặt trời từ vũ trụ và truyền về Trái Đất thông qua các vệ tinh đặc biệt là điều mà các quốc gia đều hướng tới.

Đài thiên văn Nha Trang (đặt tại Hòn Chồng, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Internet
Đài thiên văn Nha Trang (đặt tại Hòn Chồng, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Internet

Trong những năm gần đây, hiểu được vai trò quan trọng của nghiên cứu thiên văn học, Việt Nam đã có những động thái mạnh mẽ hơn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển của đất nước.

Năm 2008, vệ tinh thương mại đầu tiên của Việt Nam Vinasat-1 đã được phóng thành công lên quỹ đạo. Đây là sự kiện lịch sử của ngành viễn thông, đánh dấu việc Việt Nam có chủ quyền trên quỹ đạo không gian. Năm 2012, vệ tinh Vinasat-2 tiếp tục được phóng lên quỹ đạo.

Năm 2015, Việt Nam khởi công xây dựng 2 đài thiên văn Nha Trang (đặt tại Hòn Chồng, tỉnh Khánh Hòa) và đài thiên văn Hòa Lạc (Hà Nội). Đến năm 2017, đài thiên văn Nha Trang đi vào hoạt động, thúc đẩy các hoạt động phổ biến kiến thức về khoa học và công nghệ vũ trụ phục vụ cộng đồng.

Đài thiên văn Hòa Lạc (Hà Nội) có nhiệm vụ nghiên cứu về Vật lý thiên văn và phổ biến kiến thức về khoa học vũ trụ tới cộng đồng; Hỗ trợ đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực vật lý thiên văn và vũ trụ; Hợp tác nghiên cứu với các nhóm nghiên cứu cùng lĩnh vực trong và ngoài nước; Phổ biến kiến thức cho cộng đồng, khởi dậy niềm đam mê khoa học, yêu thích thiên văn học và vũ trụ cho các bạn trẻ.

Đài thiên văn này đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục cần thiết, chuẩn bị cho việc đi vào vận hành chính thức. Nơi đây được xây dựng thành nhiều phòng với chức năng riêng.

Tại phòng công nghệ các em học sinh được làm quen với các kiến thức về công nghệ vũ trụ, được thực hành làm các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực này với các dụng cụ được chuẩn bị sẵn dưới sự hướng dẫn của các cán bộ trẻ của Trung tâm. Tại phòng thiên văn, học sinh sẽ được cung cấp các kiến thức liên quan đến vũ trụ và bầu trời cùng các bài tập thực hành nhận biết các chòm sao trong hệ mặt trời.