"Thi thể ở khắp mọi nơi": Cảnh tượng kinh hoàng ở Beirut

VietTimes – Toàn bộ một khu vực cảng chìm trong ngọn lửa dữ, nhiều con tàu bốc cháy trên biển cùng những tòa nhà nghiêng ngả: đó là khung cảnh kinh hoàng sau vụ nổ kép xảy ra ở Beirut, thủ đô của Lebanon.
Cảnh tượng như "ngày tận thế" sau vụ nổ kinh hoàng ở thủ đô Beirut, Lebanon (Ảnh: AFP)
Cảnh tượng như "ngày tận thế" sau vụ nổ kinh hoàng ở thủ đô Beirut, Lebanon (Ảnh: AFP)

Quân đội Lebanon đã phong tỏa khu vực rộng lớn đầy những mảnh kính vỡ và đống đổ nát sau khi vụ nổ xảy ra. Giới chức nước này cho rằng nguyên nhân vụ nổ là hỏa hoạn ở một nhà kho nơi tích trữ hàng trăm tấn ammonium nitrate.

Một người phụ nữ trong độ tuổi 20 khóc thét lên trước các lực lượng an ninh, liên tục hỏi về số phận người anh trai của mình - một nhân viên làm việc tại khu cảng.

"Tên anh ấy là Jad, mắt anh ấy màu xanh" - cô cầu cứu lực lượng an ninh, nhưng không thể đi vào hiện trường vụ nổ.

Gần đó, một người phụ nữ khác gần như kiệt sức sau khi liên tục hỏi thông tin về người em của mình, cũng làm việc tại cảng này.

Tiếng còi hú của xe cứu thương liên tục vang lên khắp khu vực. Trong suốt 3 giờ đồng hồ, nhiều loại phương tiện khác nhau liên tục chở thi thể người chết ra khỏi hiện trường, trong khi các xe cứu hỏa ra vào liên tục.

Bên trong khu vực cảng, các khu nhà kho co rúm, méo mó, nhìn không khác gì những cái lon bị bóp nát, mọi thứ bị hủy hoại đến mức không thể nhận ra...bên trên đầu, nhiều trực thăng cứu hỏa làm việc hối hả.

Những chiếc vali, đồ đạc nằm rải rác khắp khu vực xảy ra vụ nổ. Nằm kế một chiếc túi là một thi thể người chưa được đem ra khỏi hiện trường.

Mọi phương tiện giao thông nằm trong bán kính vài trăm mét xung quanh tâm nổ đều bị hư hại nặng. Vụ nổ lớn đến mức người dân trên đảo Cyprus, cách đó 240 km, cũng có thể cảm nhận được.

Những chiếc xe hơi ở gần tâm nổ nhất giờ chỉ còn là những đống sắt vụn, còi báo động và đèn pha của chúng nháy liên tục, càng tạo cảm giác hỗn loạn.

Những người lính cứu hỏa mệt mỏi liên tục đổ tới hiện trường, một số ra sức tìm kiếm thi thể những người đồng nghiệp trước đó được cử tới dập đám cháy trước khi vụ nổ lớn làm rung chuyển toàn thành phố.

Với sự hỗ trợ của các lực lượng an ninh, nhiều đội phòng vệ dân sự lùng sục khắp khu vực này để tìm kiếm thi thể nạn nhân; trong khi các quan chức có mặt tại hiện trường la hét trước các phóng viên đang cố ghi hình lại thảm họa.

"Các anh đang chụp cái gì vậy? Thi thể ở khắp mọi nơi" - một quan chức hét lên.

Một người đàn ông cứu giúp người bị thương sau vụ nổ ở Beirut (Ảnh: AP)
Một người đàn ông cứu giúp người bị thương sau vụ nổ ở Beirut (Ảnh: AP)

Tính đến thời điểm hiện tại, con số người chết chính thức là 78 người, trong khi số người bị thương là 3.000 người. Các bệnh viện trong thành phố vốn đã phải đương đầu với khủng hoảng do dịch COVID-19, nay phải tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân. Con số thương vong dự kiến tiếp tục tăng.

Một số thành viên của lực lượng an ninh bật khóc khi chứng kiến thi thể một đồng nghiệp được đưa ra bằng cáng.

Một con tàu neo đậu gần khu vực cảng Beirut cũng dính lửa từ đám cháy, khiến chính quyền lo ngại rằng lượng xăng dầu mà con tàu này đang chở sẽ gây thêm một thảm họa khác.

Ngồi trên vỉa hè ở khu vực gần hiện trường vụ nổ, ít nhất 10 thành viên thủy thủ đoàn của 2 con tàu chở hàng bị thiệt hại trong vụ nổ đang chờ được các bác sĩ trị thương.

"Con tàu đang chìm dần xuống biển, vụ nổ đã làm nó thủng một lỗ lớn, và có rất nhiều người bị thương nặng trên tàu" - một thủy thủ người Ai Cập trên tàu Mero Star, nói.

Khói bốc lên từ một kho chứa gạo ở Beirut (Ảnh: EPA)
Khói bốc lên từ một kho chứa gạo ở Beirut (Ảnh: EPA)

"Chúng tôi nghe thấy tiếng pháo nổ và nhìn thấy cột khói bốc lên từ một nhà kho...và chỉ vài phút sau, vụ nổ xảy ra" - một thủy thủ khác, yêu cầu được giấu tên, kể lại.

Các thủy thu người Syria và Ai Cập đã cập cảng này trong hôm thứ Ba vừa qua. Tàu của họ chở hàng và khởi hành từ Ukraine, rất nhiều thành viên thủy thủ đoàn mong được trở về nhà trong ngày hôm qua.

"Chúng tôi đã khởi hành từ cách đây 6 tháng, và rất mong tới ngày được trở về nhà" - một thủy thủ người Syria nói.

Một thủy thủ khác, người Ai Cập, nói rằng anh có kế hoạch trở về nhà vào ngày 4/8 sau nhiều tháng lênh đênh trên biển.

"Nhưng giờ tôi không thể" - anh nói - "Giờ tôi không biết phải làm gì".

Theo AFP