Thí điểm giám sát tự động hàng hóa qua đường hàng không Nội Bài từ 16/10

VietTimes -- Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Trần Quốc Định cho biết, việc triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không sẽ giảm thiểu được thời gian, chi phí, giấy tờ, hồ sơ trong quá trình làm thủ tục của doanh nghiệp.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài giám sát hoạt động xuất nhập cảnh. Ảnh: Hải Quan.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài giám sát hoạt động xuất nhập cảnh. Ảnh: Hải Quan.

Nếu như trước đây, doanh nghiệp kinh doanh phải gửi thông tin giấy để cơ quan Hải quan xác nhận vừa mất thời gian, có thể làm giả thì nay hệ thống quản lý giám sát sẽ tự động gửi dữ liệu điện tử cho kho hàng để lấy hàng với những lô hàng đã thông quan hoặc được phép đưa ra khỏi khu vực giám sát giúp kho hàng chủ động trả hàng, tiết kiệm thời gian, thông tin chính xác kịp thời và chống việc làm giả chứng từ để lấy hàng.

Theo kế hoạch kể từ ngày 16/10/2017, Cục Hải quan Hà Nội triển khai thí điểm quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, kho hàng không là NCTS là đơn vị đầu tiên thực hiện, đối với các kho hàng không ALSC, ACSV sẽ hoàn thành việc triển khai trong tháng 11/2017, đảm bảo toàn bộ hàng hoá tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài thực hiện trên hệ thống.

Theo ông Định, với mục tiêu phát triển logistics tại Thủ đô, hệ thống quản lý giám sát hàng hoá và các ứng dụng CNTT sẽ là công cụ hữu hiện giúp cơ quan hải quan và các hãng hàng không nhanh chóng lưu thông hàng hoá, quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. 

Nội hàm việc triển khai đề án quản lý giám sát hàng hóa đường hàng không là dựa trên thông tin trước chuyến bay, hàng hóa được cấp số định danh. Số định danh này gắn với tờ khai xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp kinh doanh kho phải gửi thông tin hàng nhập kho, xuất kho, danh sách hàng sai khác... kèm theo số định danh cho cơ quan Hải quan trong quá trình khai thác hàng hóa.

Lợi ích của hoạt động này là giúp cơ quan Hải quan quản lý được hàng tồn kho và trạng thái của mỗi lô hàng tại thời điểm bất kỳ. Đồng thời, có thể thực hiện đánh giá rủi ro và lập danh sách cần soi chiếu trước đối với hàng hóa xếp dỡ, lưu giữ tại kho hàng không. Hệ thống cũng cho phép kết nối tờ khai xuất nhập khẩu để phân luồng khi hàng đến, giúp hạn chế trình trạng hủy tờ khai.

Việc triển khai vận đơn điện tử (eAWB) đáp ứng chuẩn mực của công ước Montreal 1999 (MC99) cho phép các hãng hàng không thay thế hồ sơ giấy bằng chứng từ điện tử, rút ngắn thời gian và chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.