Thép Việt liên tục bị điều tra chống bán phá giá

VietTimes -- Các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam liên tục bị các nước điều tra chống bán phá giá, mới đây nhất là Indonesia điều tra sản phẩm tôn màu của Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Bước chân ra ngoài là bị kiện

Mới đây nhât, ngày 26/12, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương vừa cho biết Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Việt Nam theo đơn kiện của công ty PT NS BlueScope Indonesia.

Cuộc điều tra này dự kiến sẽ được tiến hành trong vòng 12 tháng tới, có thể gia hạn thành 18 tháng nếu cần thiết. Thời gian điều tra là từ tháng 7/2015 đến tháng 6/2016.

Theo số liệu của KADI đưa ra, tổng lượng nhập khẩu tôn mạ màu vào Indonesia trong giai đoạn điều tra, ước khoảng 224.120 tấn, trong đó lượng nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc chiếm gần 87,5%, tương ứng xấp xỉ 196.200 tấn.

Trước đó, cơ quan chức năng Thái Lan cũng đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ của Việt Nam, xuất phát từ đơn kiện của Công ty NS Bluescope tại Thái Lan, và tôn mạ Việt Nam đang có nguy cơ bị áp thuế CBPG từ 4,51% đến 60,26%.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm thép khác của Việt Nam cũng bị một số nước ASEAN kiện áp dụng thuế chống bán phá giá, như ống thép không gỉ (tại Thái Lan), tôn lạnh (Thái Lan), thép cuộn cán nguội (Malaysia), thép không gỉ cuộn nguội (Malaysia),…

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, tính đến hết tháng 5-2016, có tổng cộng 25 vụ kiện phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép của Việt Nam (trong đó có đến 18 vụ kiện chống bán phá giá. Đặc biệt, các nước ASEAN  đang nhắm thép Việt để thực hiện các vụ kiện chống bán phá giá.

Nhập siêu nhiều, Bộ Công thương phải vào cuộc điều tra

Ở chiều hướng ngược lại, theo số liệu mới nhất của Tổng Cục hải quan, sắt thép đứng thứ 5 trong top 10 mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất 11 tháng năm 2016.

Cụ thể, cả nước đã chi hơn 7,6 tỷ USD nhập khẩu 17,65 triệu tấn sắt, thép các loại. Trong đó, phôi thép chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, khoảng hơn 1 triệu tấn, đạt giá trị 320 triệu USD. Nhóm sản phẩm từ sắt, thép đạt khoảng 2,8 tỷ USD, nâng kim ngạch nhập khẩu các nhóm mặt hàng sắt thép vượt quá 10,4 tỷ USD.

Trong khi đó, tính đến 15/12, Việt Nam xuất khẩu được 3,2 triệu tấn thép, trị giá 1,8 tỷ USD. Nhóm sản phẩm từ sắt thép xuất khẩu được 1,88 tỷ USD. Tổng cộng, kim ngạch xuất khẩu sắt thép đạt khoảng 3,7 tỷ USD.

Việc nhập siêu số lượng lớn các sản phẩm thép thành phẩm đã khiến thị trường thép Việt Nam mất cân đối. Hệ quản là các doanh nghiệp thép trong nước không thể cạnh tranh được với thép nhập khẩu, buộc Bộ Công thương phải vào cuộc bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Điển hình như việc ngày 3/7, sau một thời gian điều tra, Bộ Công thương đã áp thuế tự vệ thương mại với các mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, với mức thuế tự về lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép.

Ngoài ra còn có vụ việc Công ty TNHH Posco SS Vina khởi kiện các sản phẩm các sản phẩm tôn mạ nhập khẩu vào Việt Nam hồi tháng 7/2016.

Liên quan đến việc này, ngày 23/12 vừa qua, Bộ Công thương đã có quyết định kéo dài thời gian cuộc điều tra chống bán phá giá các sản phẩm tôn mạ nhập khẩu vào Việt Nam. Theo Bộ Công thương, việc kéo dài thời gian điều tra là để cơ quan điều tra cân nhắc, xem xét thận trọng các chứng cứ, thông tin và quan điểm của các bên liên quan trong vụ việc.