Thêm một hệ thống bán lẻ về tay Vingroup: Lần này là Shop&Go

VietTimes -- Trước khi mua lại Shop&Go với giá chỉ 1 USD, Tập đoàn Vingroup đã thâu tóm 2 chuỗi cửa hàng khác là Ocean Mart và Fivimart. Đa số "ông chủ" của các chuỗi cửa hàng này đều đang trong tình trạng thua lỗ. 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Mua lại chuỗi 87 cửa hàng chỉ với giá… 1 USD

CTCP Dịch vụ Thương mại VinCommerce (VinCommerce), đơn vị thành viên của CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC), vừa công bố thông tin cho biết sẽ nhận chuyển nhượng chuỗi cửa hàng Shop&Go từ CTCP Cửa hiệu và Sức sống.

Theo đó, công ty này sẽ chủ động nhượng lại toàn bộ chuỗi toàn bộ 87 cửa hàng Shop&Go đang hoạt động cho VinCommerce với giá chỉ 1 USD. Dự kiến toàn bộ công đoạn tiếp nhận và chuyển đổi sẽ được hoàn tất trong tháng 4/2019.

Sau sáp nhập, các cửa hàng Shop&Go sẽ được chuyển đổi, nâng cấp mọi mặt từ cơ sở vật chất, hàng hóa, chất lượng nhân sự cũng như thống nhất cơ chế quản lý theo tiêu chuẩn của hệ thống siêu thị của VinCommerce.

Được biết, CTCP Cửa hiệu và Sức sống được thành lập từ năm 2005, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh và có quy mô vốn điều lệ chỉ có 1,27 tỷ đồng. Đến tháng 10/2018, vốn điều lệ của công ty này mới được nâng lên mức 207,27 tỷ đồng.

Chuỗi cửa hàng Shop&Go đầu tiên của công ty đi vào hoạt động kể từ năm 2006 tại Tp. HCM, tập trung vào mô hình cửa hàng tiện lợi với một số đặc trưng như: hoạt động 24/24h mỗi ngày, kinh doanh các loại hàng hóa tiêu dùng, đồ ăn nhanh và các dịch vụ tiện ích khác.

Đối tượng khách hàng chính của Shop&Go là những người nhắm đến sự tiện lợi trong phong cách phục vụ với những sản phẩm chất lượng cao, môi trường sạch sẽ và hiện đại tại cửa hàng.

Trải qua nhiều năm phát triển, Shop&Go đang vận hành 87 cửa hàng, trong đó chủ yếu là các cửa hàng tại Tp. HCM, tập trung ở các quận nội thành.

Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của Shop&Go không mấy khả quan.  

Cụ thể, báo cáo tài chính của Shop&Go cho thấy năm 2016, hệ thống này đạt 267 tỷ đồng doanh thu nhưng kết quả kinh doanh thua lỗ gần 40 tỷ đồng. Đến cuối năm 2016, Shop&Go đã lỗ lũy kế lên tới 205 tỷ đồng, gấp nhiều lần quy mô vốn điều lệ.

Chia sẻ với truyền thông, đại diện CTCP Cửa hiệu và Sức sống cho biết: "Chúng tôi đã đầu tư vào hệ thống Shop&Go rất nhiều nhưng kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng. Thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để khai thác nhưng cạnh tranh rất khốc liệt chứ không đơn giản như hình dung của chúng tôi, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui”.

Đại diện công ty cũng bày tỏ tin tưởng sự tham gia của VIC, mà cụ thể hơn là VinCommerce, sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các cửa hàng trong tương lai.

Tuy nhiên, để vực dậy tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của các chuỗi cửa hàng, Vincomerce nhiều khả năng sẽ phải chi trả số tiền không nhỏ, đặc biệt là so với mức giá có phần mang tính chất “tượng trưng” là 1 USD để thực hiện thương vụ này.

Không chỉ có Shop&Go

Với tiềm năng phát triển lớn và là thị trường mục tiêu đầy hứa hẹn, trước VIC, đã có nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ mạnh tay đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Cũng bởi có nhiều đơn vị tham gia, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng trở nên khốc liệt hơn và không ít chuỗi cửa hàng, thậm chí, đã rơi vào tình trạng thua lỗ. Ở một góc độ tích cực, điều này cũng mở ra cơ hội thâu tóm cho những “đại gia” như VIC có thể gia nhập và đẩy mạnh phát triển trong lĩnh vực bán lẻ khi các nhà đầu tư khác muốn thoái lui.

Thâu tóm chuỗi siêu thị Ocean Mart là một trong những thương vụ đầu tay của Vingroup nhằm mở rộng phát triển trên thị trường bán lẻ (Ảnh: Vingroup)
Thâu tóm chuỗi siêu thị Ocean Mart là một trong những thương vụ đầu tay của Vingroup nhằm mở rộng phát triển trên thị trường bán lẻ (Ảnh: Vingroup)

Trong đó, điểm nhấn trong việc gia nhập thị trường bán lẻ của VIC phải kể tới thương vụ thâu tóm hệ thống Ocean Mart từ năm 2014.

Cụ thể, ngày 3/10/2014, VIC đã công bố chính thức về việc mua lại 70% cổ phần của Công ty Ocean Retail (đơn vị thành viên của Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group) và tiến hành đổi tên thành CTCP Siêu thị VinMart.

Tại thời điểm bị thâu tóm, hệ thống cửa hàng do Ocean Retail sở hữu bao gồm 13 siêu thị Ocean Mart hiện hữu và đang có kế hoạch xây dựng hơn 40 siêu thị trên khắp cả nước.

Cũng trong năm 2014, VIC cũng công bố hai thương hiệu mới trong lĩnh vực bán lẻ với kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng hệ thống phân phối bao gồm 100 siêu thị và chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích trong vòng 3 năm sau đó. Một phần kế hoạch dự kiến được thực hiện thông qua các hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A).

Gần đây nhất, vào tháng 10/2018, VinCommerce đã chính thức hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart từ CTCP Đầu tư Nhất Nam (Đầu tư Nhất Nam) từ các đối tác cá nhân và doanh nghiệp.

Tính đến cuối năm 2018, số tiền mà VIC ghi nhận đã chi ra để thực hiện thương vụ này là hơn 1.261 tỷ đồng.

Tại thời điểm bị thâu tóm, Fivimart đã phát triển hệ thống lên tới 23 siêu thị, tập trung vào các điểm kinh doanh ở các khu phố trung tâm đông dân cư, thuận lợi giao thông.

Tuy nhiên, tương tự chủ sở hữu của chuỗi Shop&Go, kết quả kinh doanh của Đầu tư Nhất Nam cũng không mấy khả quan khi lỗ trước thuế của công ty này và công ty con (từ đầu năm 2018 đến thời điểm bị VIC thâu tóm) đã lên tới 558 tỷ đồng.

Sau các thương vụ M&A đã thực hiện, VIC đang sở hữu hệ thống bán lẻ được đánh giá là có quy mô lớn nhất Việt Nam./.