Thêm cổng game bài Rikvip bị hacker “hỏi thăm“?

Rikvip - một trong những cổng game bài tại Việt Nam, đã không thể truy cập được trong suốt khoảng thời gian từ tối 08/08 đến nay và hiện vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Nguyên nhân ban đầu được xác định là cổng game bài này bị nhóm tin tặc Trung Quốc 1937cN đánh sập.

 Nhóm hacker 1937cN để lại danh tính trên trang chủ  của cổng game đầy thách thức.
Nhóm hacker 1937cN để lại danh tính trên trang chủ của cổng game đầy thách thức.

Tuy là website về game đã từng chịu rất nhiều các cuộc tấn công lớn nhỏ nhưng cổng game Rikvip đã không thể trụ vững trước cuộc tấn công của tin tặc vào ngày 8/8 vừa qua. Qua một số dấu hiệu để lại, nhiều khả năng đây là cuộc tấn công của nhóm tin tặc 1937cN. Đến thời điểm hiện tại, tên miền của RikVip đã trỏ sang một giao diện khác mang tính chất thông báo bảo trì sản phẩm và không "hứa hẹn" thời điểm sẽ hoạt động trở lại.

1937cN cũng chính là nhóm hacker đã tấn công hãng hàng không Vietnam Airlines cách đây ít hôm.

Tuy nhiên, hệ thống không được khắc phục nhanh như sự việc hacker tấn công website của Vietnam Airlines, nên cộng đồng của Rikvip đồn đoán vì một số nguyên nhân bất khả kháng khiến cổng game sẽ phải tạm dừng dịch vụ để bảo trì vô thời hạn.

Hơn thế, nhiều game thủ nghi ngờ RikVip đã bị hacker tấn công, chiếm quyền kiểm soát dữ liệu người dùng, thậm chí trường hợp nặng là có thể đã mất hoàn toàn các dữ liệu. 

Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài dòng thông báo vỏn vẹn như trên, đơn vị chủ quản của RikVip vẫn chưa xác nhận bất cứ một thông tin chính thức nào liên quan tới việc bảo trì và cả sự tồn vong của cổng game này.

Thông báo của ban quản trị cổng game Rikvip trên trang fanpage.

Được biết, trước cuộc tấn công vào cổng game này, không phải chỉ có hệ thống thông tin của hãng hàng không Vietnam Airlines là nạn nhân, mà nhiều cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tại Việt Nam cũng trở thành đích nhắm của tin tặc Trung Quốc.

Ông Ngô Tuấn Anh - Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav  khuyến cáo: “40% website của Việt Nam có thể bị tin tặc tấn công bất cứ lúc nào với những lỗ hổng, sự lơ là, chủ quan của không ít cá nhân, doanh nghiệp“.

Cụ thể, có 3 khả năng xảy ra: “Thứ nhất là hacker gửi mã độc gián điệp qua email, nếu không cảnh giác cao mở ra sẽ bị lây nhiễm và file gián điệp có thể thâm nhập vào bên trong mạng máy tính. Thứ hai, có thể lây nhiễm qua các phần mềm bẻ khóa (crack) miễn phí trên mạng, những người dùng trong mạng máy tính tải về sử dụng mà không hay biết, phần mềm gián điệp xâm nhập vào hệ thống. Thứ ba, thông qua các phần mềm giả mạo (giống tên), người dùng bị nhầm và tải về khiến máy tính bị lây nhiễm phần mềm gián điệp và lan rộng ra…”, ông Tuấn Anh phân tích.

Cùng với đó, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT - Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị hết sức cảnh giác và sẵn sàng đối phó với nhóm tin tặc, rà soát quy trình bảo mật, gia tăng an ninh mạng. VNCERT đề nghị các đơn vị thường xuyên cập nhật các hệ điều hành, phần mềm dịch vụ trên các máy chủ, máy trạm; Cài đặt và để chế độ cập nhật tự động thường xuyên các chương trình diệt mã độc; Sao lưu thường xuyên các ứng dụng, mã nguồn, cơ sở dữ liệu để có phương án dự phòng; Chuẩn bị và thực hành các phương án đối phó, đồng thời xây dựng quy trình ứng cứu xử lý sự cố nếu xảy ra sự cố.

Liên quan đến việc quản lý game bài bạc, tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 5/2016 của Bộ TT&TT (diễn ra chiều 6/6), Thứ trưởng TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo - khi ấy đang đương nhiệm Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, nhấn mạnh: Cục sẽ phối hợp Thanh tra Bộ xử lý nghiêm các game online không phép, nhất là game bài trong thời gian tới.

Cụ thể, Cục phối hợp Thanh tra Bộ xử lý mạnh các game không phép, nhất là game bài sau khi đã có phản ánh từ báo chí thời gian qua. Ngoài ra, Cục cũng sẽ đẩy nhanh quá trình cấp phép game online trong nước. Việc này sẽ góp phần hạn chế tình trạng các doanh nghiệp game "lách luật" do đợi cấp phép quá lâu. 

Trước đó, chỉ tính riêng trong tháng 4/2016, Bộ TT&TT đã xử phạt nhiều game không phép phát hành tại Việt Nam: Công ty Cổ phần Giải trí Minh Châu đã bị phạt 85 triệu vì cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng (Mobi game); Công ty Cổ phần dịch vụ trực tuyến Vĩnh Xuân cũng bị phạt 85 triệu vì đã cung cấp dịch vụ các trò chơi điện tử G1 trên mạng; Công ty Cổ phần Mobi Media bị phạt 85 triệu đồng vì đã cung cấp 2 trò chơi điện tử G1 là "Tây du truyện" và "Đấu trường Saga" qua trang chủ moplay.vn khi chưa có giấy phép.

Tổng hợp