Thế trận ICON4 và cuộc chơi riêng của NHS

VietTimes – Kể từ sau Taseco thoái vốn, có nhiều dấu hiệu cho thấy các cổ đông lớn tại ICON4 (bao gồm Hancorp) đã tìm được tiếng nói chung để phát triển dự án trọng điểm "Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu". Mới đây, HĐQT ICON4 đã thông qua chủ trương liên danh với CTCP Đầu tư xây dựng NHS (NHS) để phát triển dự án này, song ICON4 chỉ góp 5% vốn…
CTCP Đầu tư và Xây dựng số 4 (Nguồn: Internet)
CTCP Đầu tư và Xây dựng số 4 (Nguồn: Internet)

Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp) vừa thông báo bán đấu giá cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Xây dựng số 4 (ICON4 - Mã CK: CC4) với giá khởi điểm 16.100 đồng/cp.

Theo đó, Hancorp sẽ chào bán toàn bộ hơn 4,137 triệu cổ phần, tương ứng 25,86% vốn tại CC4. Phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 1/9/2020 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Nếu buổi đấu giá thành công, Hancorp dự kiến thu về tối thiểu 66,6 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 5/2020, CC4 có 5 cổ đông lớn, bao gồm: Hancorp (sở hữu 25,86% VĐL), CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (viết tắt: Taseco Land, sở hữu 18% VĐL), ông Nguyễn Kim Thành (sở hữu 17,6% VĐL), ông Nguyễn Đình Bách (sở hữu 9,73% VĐL) và Đào Duy Chinh (sở hữu 15,62% VĐL).

Danh sách cổ đông nắm giữ từ 5% VĐL trở lên tại ngày 29/5/2020

Thế trận ở CC4

Theo tìm hiểu của VietTimes, Taseco Land là thành viên của CTCP Dịch vụ hàng không Thăng Long (Taseco) – cựu cổ đông lớn, từng nắm giữ hơn 6 triệu cổ phần, tương ứng với 37,6% vốn điều lệ của CC4.

Số cổ phần của Taseco là thành quả của việc chào mua công khai vào cuối năm 2017. Động thái này phần nào thể hiện tham vọng lấn sân vào lĩnh vực bất động sản thông qua thâu tóm CC4 của giới chủ Taseco.

Tuy nhiên, tham vọng này của Taseco bắt đầu gặp trở ngại trong nửa cuối năm 2018.

Cụ thể, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2018 của CC4 tổ chức ngày 12/9/2018 đã không thông qua chủ trương cho Taseco tăng tỷ lệ sở hữu lên mức tối đa 75% và không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Tỷ lệ biểu quyết không tán thành chiếm tới 78,1% tổng số cổ phần tham gia biểu quyết.

Đến tháng 11/2018, ĐHĐCĐ CC4 cũng không thông qua nội dung cho Taseco Land nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông hiện hữu của CC4 để sở hữu lên mức 49% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.

Không lâu sau đó, Taseco đã thoái toàn bộ số cổ phần CC4 đang nắm giữ. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, thành viên của Taseco là Taseco Land lại đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu. Sau giao dịch, Taseco Land nắm giữ 2,88 triệu cổ phiếu, tương đương 18% vốn của CC4 và giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cho tới nay.

Cũng trong khoảng thời gian này, CC4 cũng đón thêm 2 cổ đông lớn là các ông Nguyễn Đình Bách và Đào Duy Chinh.

Sau khi Taseco thoái lui, một số dấu hiệu cho thấy, các cổ đông lớn mới tại CC4 vẫn còn nhiều khác biệt. Điều ấy thể hiện phần nào tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 (diễn ra ngày 2/7/2019) của CC4.

Cụ thể, phiên họp thu hút được 31 cổ đông tham dự, đại diện cho 94,65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tại phần thảo luận, các đại diện của Taseco Land và ông Nguyễn Đình Bách có nhiều ý kiến tương đồng về việc phát triển dự án “Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu”.

Trong khi đó, đại diện ủy quyền của ông Đoàn Duy Chinh đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan đến thực hiện kế hoạch doanh thu năm 2018 và 2019, phương án thu hồi vốn, quyết toán các công trình thua lỗ. Đồng thời vị đại diện này cũng đề nghị ban lãnh đạo CC4 có phương pháp thu hồi các khoản phải thu.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Bách cũng đề nghị phải chỉ rõ nguyên nhân trách nhiệm về nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2018 không hoàn thành.

Kết quả bỏ phiếu cho thấy, có tới 4,48 triệu cổ phiếu (tương đương 29,5% tổng số cổ phần có quyền tham gia biểu quyết) bỏ ý kiến khác đối với các tờ trình báo cáo kết quả hoạt động năm 2018, kế hoạch hoạt động năm 2019 của HĐQT; phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, kế hoạch tài chính năm 2019 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2019.

Khá trùng hợp, số cổ phiếu có "ý kiến khác" nêu trên chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với tổng số cổ phần của các ông Đoàn Duy Chinh và Nguyễn Đình Bách.

Cuộc chơi của NHS tại CC4

Dù có nhiều điểm khác biệt, song, dữ liệu của VietTimes thể hiện các cổ đông lớn tại CC4 lại có sự đồng lòng rất cao đối với việc phát triển dự án “Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu”.

Được biết, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.400 tỷ đồng, diện tích 91.720 m2. Dù được coi là dự án trọng tâm “quyết định sống còn”, song những giới hạn về nguồn lực khiến việc triển khai dự án của CC4 còn gặp nhiều khó khăn.

Ở một diễn biến mới, ngày 15/6 vừa qua, HĐQT CC4 đã thông qua tờ trình của tổng giám đốc công ty về việc phê duyệt chủ trương để ký phụ lục số 06, 07 Hợp đồng hợp tác đầu tư dự án “Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu”.

Trong đó, HĐQT đã thông qua việc liên danh nhà đầu tư sẽ báo cáo UBND thành phố đề xuất được làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại ô đất quy hoạch HH:02 A.

Đáng chú ý, CC4 chỉ góp 5% vốn, trong khi 95% vốn còn lại của liên danh do CTCP Đầu tư xây dựng NHS (NHS) đóng góp. Thêm nữa, HĐQT CC4 cũng đồng ý việc ủy quyền toàn bộ việc thực hiện dự án nhà ở xã hội cho NHS, trong khi CC4 sẽ được ưu tiên là đơn vị thi công xây lắp dự án.

Đối với các hạng mục khác (khu nhà ở thấp tầng, nhà trẻ mẫu giáo, nhà để xe, khối khách sạn dịch vụ), giữ nguyên tỷ lệ tham gia góp vốn theo đúng cam kết trong hợp đồng hợp tác đầu tư đã ký giữa 2 bên, trong đó, CC4 góp 70% vốn, NHS góp 30% vốn.

Dù là dự án mang tính "sống còn", song CC4 lại khá ưu ái cho NHS ở một số thành phần thuộc dự án “Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu”
Dù là dự án mang tính "sống còn", song CC4 lại khá ưu ái cho NHS ở một số thành phần thuộc dự án “Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu”

Theo tìm hiểu của VietTimes, NHS có “khẩu vị” phát triển các dự án dựa vào việc liên danh với nhiều công ty khác. Trong đó, NHS sẽ đứng ra làm đại diện, phát triển dự án.

Ở một dự án mà VietTimes từng đề cập, NHS cùng với Tổng Công ty Du lịch Hà Nội - Công ty TNHH (Hanoitourist) và Công ty TNHH Thắng Lợi Hà Nội thành lập nên CTCP Đầu tư và Dịch vụ Du lịch Thăng Long (Du lịch Thăng Long) để đầu tư thực hiện dự án “Tòa nhà Thương mại Dịch vụ và Khách sạn tại số 198 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội”.

Tuy nhiên, vai trò của cổ đông Nhà nước – Hanoitourist – trong doanh nghiệp dự án chỉ là thứ yếu, có tiếng nói nhất vẫn là NHS với tỷ lệ sở hữu lên tới 50%.

Hay tại dự án Khu nhà ở xã hội tại ô quy hoạch K-1 phường Phương Canh (quận Nam từ Liêm, Hà Nội), NHS cũng là đại diện cho liên danh NHS – Công ty TNHH Thương mại Sơn Dương – CTCP Đầu tư bất động sản Bắc 9, để phát triển dự án.

Cập nhật đến tháng 6/2019, NHS có quy mô vốn điều lệ 650 tỷ đồng, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hoàng Hiệp (SN 1978).

Trở lại với CC4, sau những quyết định liên quan đến việc liên danh với NHS được HĐQT thông qua, dường như những cổ đông lớn tại đây đã tìm được tiếng nói đồng thuận hơn hẳn.

Tháng 6/2020, tại ĐHĐCĐ thường niên của CC4, bà Cao Thị Lan Hương đã trúng cử làm thành viên HĐQT CC4nhiệm kỳ 2016 – 2020, với số cổ phần biểu quyết “tán thành” lên tới 99,9% tổng số cổ phần tham gia biểu quyết. Được biết, bà Hương hiện đang là Phó Tổng Giám đốc Taseco Land – cổ đông đang nắm 18% vốn tại CC4./.