Thế trận giằng co ở "bóng đèn" Rạng Đông

Điều gì đã khiến cho hai nhà đầu tư tư nhân chi 114 tỉ đồng để mua lại vốn nhà nước trong Rạng Đông với giá cao hơn niêm yết 5,6%?
Thế trận giằng co ở "bóng đèn" Rạng Đông

Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông vốn là doanh nghiệp nhà nước nhưng lại khá thành công trong kinh doanh, với giá cổ phiếu niêm yết khá cao và ổn định. Do đó, Rạng Đông được nhiều nhà đầu tư săn đón.

Bằng chứng là sau khi đại diện nhà nước tuyên bố sẽ bán hết 20% cổ phần còn lại trong Rạng Đông ra bên ngoài, ngay lập tức Ban Công đoàn của Rạng Đông lên kế hoạch mua lại. Cũng trong thời gian đó, một số tổ chức cũng âm thầm tìm cách mua lại. Sau khi bỏ ra 114 tỉ đồng, mua cao hơn 5,6% so với giá niêm yết, 2 cá nhân đã mua trọn số cổ phần này. 2 cá nhân trên có mối quan hệ chị em ruột, là bà Lê Thị Kim Yến và ông Lê Đình Hưng.

Như vậy, Công đoàn vẫn là cổ đông lớn nhất của Rạng Đông, với 40% cổ phần. Bà Yến và ông Hưng sẽ là cổ đông lớn thứ 2, với tổng sở hữu 24,41% cổ phần. Hiện tại, bà Lê Thị Kim Yến đã chính thức tham gia vào Hội đồng Quản trị với tham vọng tham gia sâu hơn vào hoạt động của Rạng Đông.

Ông Lê Đình Hưng hiện đang sở hữu Công ty Gia Lộc Phát tại Hà Nội, có vốn điều lệ 500 tỉ đồng, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý dự án, đầu tư xây dựng công trình dân dụng, hạ tầng kỹ thuật khu đô thị... Được biết, các dự án đáng chú ý nhất của Gia Lộc Phát hiện còn dở dang.

Rạng Đông được biết đến với tình hình kinh doanh ổn định và chiếm thị phần thứ 2 trong lĩnh vực bóng đèn, bên cạnh Philips và Điện Quang. Mức chia cổ tức hằng năm duy trì từ 30-35%.

Trước sức ép cạnh tranh đến từ lĩnh vực đèn LED 3 năm gần đây, Rạng Đông cũng mạnh tay đầu tư máy móc công nghệ. Vì thế, bóng đèn LED của Rạng Đông vẫn chiếm được thị phần trên thị trường, mạnh nhất là khu vực miền Bắc. Vẫn duy trì xuất khẩu nhưng Rạng Đông từng bước rút khỏi những thị trường thu hồi vốn chậm như Cuba.

Trong khi đối thủ Điện Quang tập trung khá mạnh vào mảng xuất khẩu với cơ cấu doanh thu từ xuất khẩu chiếm khoảng 45% thì Rạng Đông có xu hướng tập trung ở thị trường nội địa. Xuất khẩu không còn là mục tiêu chính, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 15%. Bên cạnh mảng chính là thiết bị chiếu sáng, hiện chiếm 70% doanh thu, thì mảng phích nước mang lại doanh thu 20% cho Rạng Đông.

Doanh thu và lợi nhuận của Rạng Đông được cho là khá tốt so với các doanh nghiệp trong ngành. Trong năm 2014, doanh thu thuần Rạng Đông đạt 2.560 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt xấp xỉ 66 tỉ đồng, giảm 23% so với kết quả năm 2013. Nguyên nhân chính là do Rạng Đông không còn xuất khẩu vào thị trường Cuba.

Mấy năm trước, lợi nhuận của Rạng Đông cao do khoản phải thu từ thị trường Cuba khá lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Rạng Đông tiếp tục ghi nhận doanh thu 1.440 tỉ đồng, lợi nhuận thuần 27 tỉ đồng. Đứng thứ 2 với 25% thị phần, Rạng Đông hướng đến trong nước và mạnh ở phía Bắc thì Điện Quang lại tấn công thị trường xuất khẩu và mạnh ở phía Nam.

Thị phần của các thương hiệu bóng đèn có mặt tại Việt Nam
Thị phần của các thương hiệu bóng đèn có mặt tại Việt Nam

Dù ban đầu là công ty nhà nước, Rạng Đông vẫn giữ được thị phần trước sự tấn công của nhiều đối thủ nước ngoài như Philips, Oram, Panasonic... Bởi vì, Rạng Đông đã từng đứng trước bờ vực phá sản nên luôn thận trọng và đầu tư máy móc cho những dòng sản phẩm mới.

Hãy trở lại quá trình phát triển của Rạng Đông. Thành lập từ năm 1958, với mục đích sản xuất sản phẩm phục vụ kháng chiến. Sản phẩm lúc đó chủ yếu là phích nước, bóng đèn, đèn pha ôtô... Rạng Đông là 1 trong 13 doanh nghiệp thành lập đầu tiên của Việt Nam và duy trì cho đến ngày nay. Sau giải phóng Rạng Đông vẫn tiếp tục hoạt động nhưng đến năm 1980, trước làn sóng đầu tư ồ ạt của hàng ngoại và sự tấn công của hàng Trung Quốc giá rẻ, Rạng Đông lâm vào tình trạng thua lỗ, tài khoản ngân hàng bị phong tỏa, tài chính khó khăn, dẫn đến 1.600 công nhân phải nghỉ việc.

Sau khi được vực dậy, Công ty có lợi nhuận trở lại. Năm 1993, lợi nhuận tăng gấp 5,5 lần so với năm 1990. Thị trường xuất khẩu lúc đó chủ yếu là Đông Âu và Cuba. Những năm sau đó, công ty này liên tục đổi mới công nghệ, lắp đặt dây chuyền Hàn Quốc... Vốn điều lệ của Công ty cho đến nay cũng chỉ vỏn vẹn 115 tỉ đồng.

Khi Công ty Rạng Đông chính thức cổ phần vào năm 2003, nhiều công nhân viên mua lại cổ phiếu với mục đích ủng hộ. Vào năm 2007, khi giá trị cổ phiếu của Rạng Đông bất ngờ tăng vọt, công nhân viên ồ ạt bán ra. Để cứu vãn tình thế, Ban Công đoàn Rạng Đông quyết định mua lại số cổ phần nhỏ lẻ này và duy trì ổn định kinh doanh. Đó là điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Trong 8 tháng đầu năm nay, cổ tức từ Công ty đạt 15,85 tỉ đồng. Chính vì sự ổn định trong cổ tức, Ban Công đoàn tiếp tục ngỏ ý và quyết tâm mua thêm 20,56% cổ phần do Nhà nước sở hữu nhưng không thành.

Có lẽ, các nhà đầu tư không chỉ nhắm đến lợi ích từ khâu kinh doanh, họ cũng đã tìm thấy sự hấp dẫn từ chính mảnh đất vàng mà Rạng Đông đang đặt trụ sở. Hiện Rạng Đông đang hoạt động trên mảnh đất rộng 5,7 ha tại Hạ Đình, Hà Nội, vị trí đắc địa có nhiều đại gia nhòm ngó. Hưởng ứng chính sách di dời công ty sản xuất ra khỏi Hà Nội, Rạng Đông đã đưa vào hoạt động cơ sở 2 tại khu Công nghiệp Bắc Ninh. Sau này, khi di dời trụ sở, Nhà nước sẽ cho phép Rạng Đông bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với khu đất vàng đang tọa lạc. Điều này thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư bất động sản, trong đó có Gia Lộc Phát.

Theo NCĐT