Thể thao cần gắn liền với chuyển đổi số, nhằm nâng cao thành tích và thu hút khán giả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đó là khẳng định của ông Đặng Hà Việt – Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT - tại hội thảo quốc tế về chuyên nghiệp hoá kinh doanh và tiếp thị thể thao Việt Nam, tổ chức hôm nay, 26/11.
TS Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - phát biểu khai mạc hội thảo
TS Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo do Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) và Công ty WSL phối hợp tổ chức, với mong muốn đưa thể thao thành một ngành kinh tế mang lại lợi ích cao cho các doanh nghiệp vận động viên chuyên nghiệp và ngành thể thao Việt Nam nói chung.

Phát biểu khai mạc, ông Đặng Hà Việt – Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT – cho biết với nhiều nước, thể thao là một ngành kinh tế quan trọng và đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm xã hội quốc gia (GDP). Không những thế, thể thao còn là cầu nối để phát triển quan hệ ngoại giao, đòn bẩy du lịch, là nguồn sinh lực cho một xã hội khoẻ mạnh và hạnh phúc.

Tại Việt Nam, nhiều lĩnh vực thể thao đã được xã hội hoá và được các doanh nghiệp đầu tư không nhỏ. Những tài trợ và quảng cáo trong thể thao cũng không nhỏ, nhưng vẫn cần phải có nhiều nỗ lực để đẩy mạnh chuyên nghiệp hoá cùng những bài toán kinh tế.

"Trong thời đại 4.0, thể thao Việt Nam cũng gắn liền với chuyển đổi số nhằm nâng cao thành tích thể thao và thu hút khán giả" - ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh.

Theo ông Lâm Quang Thành – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, vấn đề đặt ra là thể thao phải trở thành một lĩnh vực kinh tế và đem lại giá trị kinh tế thực sự. Do đó, xu thế của thể thao Việt Nam tất yếu phải là kinh doanh bên cạnh những hiệu quả xã hội có thể đem lại.

Là khách mời trong phần giao lưu về kinh tế thể thao, ông Nguyễn Xuân Cường – Chủ tịch Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam - cho biết, thể thao điện tử tuy ra đời muộn nhất, nhưng đang sớm khẳng định vị thế trong tổng thể chung của thể thao trong nước và quốc tế. Với Việt Nam, thể thao điện tử đã nhập cuộc gần như cùng lúc với các nước và ưu điểm là luôn đo đếm được một cách tự động về số lượng người chơi cũng như khán giả theo dõi.

Giao lưu về kinh tế thể thao tại hội thảo

Giao lưu về kinh tế thể thao tại hội thảo

Vẫn theo ông Nguyễn Xuân Cường, thể thao điện tử có mối quan hệ mật thiết với thể thao truyền thống theo ánh xạ 1 – 1. Thời gian qua, vì dịch Covid-19, nhiều môn thể thao như đua xe đạp, đua ô tô công thức 1 đã không tổ chức được và thay vào đó là các vận động viên chuyển sang thi đấu trên môi trường số.

Ông Cường cũng khẳng định thêm, kinh tế thể thao gắn liền với chuyển đổi số, vì mọi lĩnh vực thể thao ngoài việc phải phân tích, tổng hợp số liệu nhằm nâng cao thành tích, còn phải truyền thông và tiếp thị qua môi trường số.

Cũng trong khuôn khổ của hội thảo, còn có các nội dung về mối quan hệ giữa thể thao và truyền thông số. Đặc biệt, Ban tổ chức dành riêng một phiên thảo luận chuyên đề về chuyên nghiệp hoá bóng đá tại Việt Nam với việc chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế của các diễn giả người nước ngoài.

Kết luận hội thảo, Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt khẳng định thể thao Việt Nam phải trở thành một lĩnh vực kinh tế một cách toàn diện với nhiều yếu tố cấu thành. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là chúng ta còn đang rất thiếu đội ngũ nhân lực về kinh tế thể thao.