Thế giới được gì từ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4?

VietTimes -- Ngày 27/4, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc họp lịch sử tại Nhà Hòa bình thuộc khu phi quân sự (DMZ). Cuộc họp thượng đỉnh liên Triều đánh dấu bước ngoặt sau 70 năm chia cắt giữa hai miền Nam, Bắc và là tiền đề cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra vào tháng 5.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vui vẻ bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại khu phi quân sự (DMZ). Nguồn: Reuters
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vui vẻ bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại khu phi quân sự (DMZ). Nguồn: Reuters

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp trực tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử đem tới nhiều tín hiệu lạc quan. Hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4 là bước tiến mới nhất trong chính sách ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên sau một năm 2017 đầy biến động.

Bắt tay trước đám đông, Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Moon Jae-in đã tạo ra một thời khắc lịch sử giữa hai nước.  

Địa điểm diễn ra cuộc gặp gỡ của 2 nhà lãnh đạo là Nhà Hòa bình thuộc khu vực phi quân sự phân chia hai miền Triều Tiên. Nguồn: Reuters

Ông Moon Jae-in là Tổng thống thứ ba của Hàn Quốc gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên. Trước đó, cựu Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đã gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên lần lượt vào các năm 2000 và 2007.

Hai nhà lãnh đạo đã dừng lại để ghi lại khoảnh khắc bước qua đường biên giới trước khi tiến vào khu vực phi quân sự (DMZ) phía Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, có một nhà lãnh đạo Triều Tiên vượt qua đường biên giới này.

Đến Nhà Hòa bình, Chủ tịch Kim Jong Un đã để lại dòng lưu bút trong cuốn sổ tay có nội dung: “Một lịch sử mới bắt đầu, một thời đại hòa bình”.

Người dân đang dõi theo bước của Chủ tịch Triều Tiên, Kim Jong Un qua màn hình lớn tại nhà ga Seoul, Hàn Quốc. Nguồn: AP

Trước hàng loạt ông kính máy ảnh, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra tuyên bố ngắn gọn và trao đổi những điều thú vị, trong đó, ông Kim kêu gọi một cuộc “thảo luận thẳng thắn”: “Tôi nói điều này trước Tổng thống Moon và nhiều nhà báo ở đây rằng tôi sẽ tổ chức một cuộc thảo luận mang tính chất xây dựng, thái độ thẳng thắn, chân thành và trung thực để đem tới môt kết quả khả quan”.

Tổng thống Hàn Quốc đáp lại: “Thời điểm Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vượt qua biên giới quân sự Panmunjom đã trở thành biểu tượng hòa bình, chứ không phải biểu tượng của sự chia rẽ”.

Theo nguồn tin từ Nhà Xanh (phủ Tổng thống Hàn Quốc), Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Moon Jae-in dự kiến sẽ trồng một cây thông kỷ niệm với đất và nước đem tới từ Hàn Quốc và Triều Tiên. Cuộc họp kín tiếp theo được diễn ra bên trong Nhà Hòa bình nằm trong khu phi quân sự (DMZ).

Chiếc bàn họp dài 2018 mm và rộng 1953 mm, biểu tượng cho năm diễn ra hội nghị và năm ký kết thỏa thuận ngừng bắn giữa Triều Tiên – Hàn Quốc. Ghế hội nghị có một họa tiết tượng trưng cho bán đảo Triều Tiên. Nguồn: AP

Một cuộc gặp gỡ bắt đầu từ những nghi ngờ

Cuộc hành trình tới Nhà Hòa Bình, nằm trong địa phận Hàn Quốc, nơi ông Kim và ông Moon đang họp kín đã đầy rẫy những nghi ngờ, đặc biệt khi Triều Tiên đã thử 23 quả tên lửa trong năm 2017 và trình diễn cuộc thử nghiệm về bom hydro thu nhỏ hồi tháng 9.

Đầu năm 2018, khi Chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố: “Toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong phạm vi của vũ khí hạt nhân của chúng tôi và luôn có nút hạt nhân trên bàn làm việc của tôi. Đó là sự thật chứ không phải lời đe dọa”, thế giới càng khó có thể tin một cuộc họp cởi mở có thể diễn ra.

Thế giới được gì từ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4? ảnh 4 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nói chuyện với ông Kim Jong Nam và bà Kim Yo Jong (em gái Chủ tịch Kim Jong Un), sau một buổi biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Quốc gia ở Seoul ngày 11/2. Nguồn: AP

Triều Tiên đang nỗ lực hàn gắn quan hệ với Hàn Quốc (và Mỹ?)

Bầu không khí căng thẳng giữa các bên liên quan trong vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực. Chủ tịch Kim Jong Un đã cử một phái đoàn vận động viên tới tham dự Thế vận hội Mùa đông 2018 tại Pyeongchang, Hàn Quốc. Bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim cũng tham dự và gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại sự kiện bên lề, mở đường cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/04.

Tín hiệu hòa giải của Bình Nhưỡng bắt đầu phát đi tới người anh em ở phía Nam sau một cuộc gặp giữa quan chức tình báo hai miền. Phía Hàn Quốc cho biết: “Ông Kim muốn gặp gỡ ông Trump”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp nhận yêu cầu của Chủ tịch Kim Jong Un. Đây là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Dự kiến cuộc gặp sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, tại một địa điểm chưa được công bố.

Sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4, Nhà Trắng đã gọi đây sự kiện “lịch sử” và chúc mừng ông Moon Jae-in về mối quan hệ tiến triển với Triều Tiên: “Chúng tôi mong muốn điều tốt nhất cho người dân Hàn Quốc”. Phát ngôn viên Nhà Trắng nói: “Chúng tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán sẽ đạt bước tiến tới tương lai hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ đánh gia cao sự phối hợp chặt chẽ của Hàn Quốc và mong muốn các cuộc thảo luận tiếp tục được diễn ra để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ [giữa Chủ tịch Kim và ông Trump] sắp tới”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt tay tại Nhà Xanh hồi tháng 11/2017. Nguồn: Reuters

Hồi tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Kim Jong Un đã tới thăm và trao đổi các vấn đề với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, đánh dấu cuộc gặp đầu tiên của ông Kim với tư cách là một nhà lãnh đạo Triều Tiên công du nước ngoài kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011.

Ý nghĩa của cuộc gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc

Cuộc gặp mặt ngày 27/4 giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong Un có ý nghĩa quan trọng với tương lai bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên đã thực hiện một số nhượng bộ trước khi hội nghị thượng đỉnh bao gồm tuyên bố sẽ chấm dứt các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và ngừng yêu cầu Mỹ rút quân.

Động thái vừa qua của Chủ tịch Kim Jong Un được cho là sẽ đưa tình trạng đối đầu giữa hai miền Triều Tiên đến hồi kết. Phía Hàn Quốc hoàn toàn nhất trí về dự định phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Nhà ngoại giao về các vấn đề của Hàn Quốc Mintaro Oba, thuộc Bộ ngoại giao Mỹ nhận định trên Business Insider: “Sẽ cần thời gian và nhiều hơn nữa các cuộc đàm phán để biết chắc Triều Tiên sẽ trả lời thế nào cho câu hỏi phi hạt nhân hóa”. Ông Oba nói thêm: “Cuộc thăm dò sẽ diễn ra sau chứ không phải là trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Cần nhiều cuộc họp hơn, nhiều cuộc đàm phán hơn để các bên tìm ra tiếng nói chung”.

Video: Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4. Nguồn: AP