The Economist: Lạm phát sẽ khó giảm hơn thị trường nghĩ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giới đầu tư kỳ vọng vào một bức tranh lạc quan của nền kinh tế nhưng viễn cảnh có thể xảy ra nhất lại đầy bất ổn.
Nhiệm vụ giảm lạm phát khó khăn hơn so với giới đầu tư kỳ vọng (Ảnh: The Economist)

Nhiệm vụ giảm lạm phát khó khăn hơn so với giới đầu tư kỳ vọng (Ảnh: The Economist)

Nhìn vào thị trường chứng khoán và danh mục đầu tư trái phiếu đầy biến động trong năm ngoái, nhiều người có thể dễ dàng bỏ qua tín hiệu rằng các thị trường tài chính đang tràn ngập sự lạc quan.

Kể từ mùa thu năm ngoái, các nhà đầu tư đã đặt cược vào khả năng lạm phát, vấn đề lớn nhất của nền kinh tế thế giới, sẽ giảm mà không gây ra nhiều hậu quả. Kết quả là, nhiều người tin rằng sẽ có những đợt hạ lãi suất trong năm 2023, từ đó các nền kinh tế lớn trên thế giới – quan trọng nhất là kinh tế Mỹ - né được một cuộc suy thoái. Giới đầu tư đang kỳ vọng rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tăng một cách bền vững, trong khi chi phí vốn giảm.

Chỉ số S&P 500 của Mỹ đã tăng gần 8% kể từ hồi đầu năm 2023 phần nào thể hiện kỳ vọng trên. Các doanh nghiệp được định giá khoảng 18 lần so với thu nhập kỳ vọng (P/E forward) - vốn ở mức thấp so với tiêu chuẩn tiền đại dịch, nhưng ở mức cao trong khoảng 2002-2019 – và trong năm 2024, những khoản doanh thu này được dự báo tăng gần 10%.

Không chỉ các thị trường ở Mỹ tăng vọt, thị trường chứng khoán châu Âu còn tăng nhiều hơn, một phần nhờ vào mùa Đông ấm áp khiến giá năng lượng giảm. Một lượng tiền lớn đã đổ vào các nền kinh tế mới nổi. Những nền kinh tế này đang hưởng lợi từ việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách zero-COVID và đồng USD rẻ hơn – 2 yếu tố được cho là kết quả của kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ ở Mỹ.

Đây là một bức tranh đầy lạc quan. Nhưng không may, nó có thể là một định hướng sai lầm. Cuộc chiến chống lạm phát của thế giới còn lâu mới đến hồi kết. Điều này có nghĩa rằng các thị trường có thể đối mặt với một đợt điều chỉnh khác.

Lạm phát dai dẳng

Một trong những thứ khiến cho kỳ vọng của giới đầu tư cao hơn chính là dữ liệu về giá tiêu dùng được công bố vào ngày 14/2. Dữ liệu cho thấy chỉ số lạm phát trong vòng 3 tháng (kết thúc vào tháng 1) thấp hơn so với khoảng thời gian tính từ đầu năm 2021.

Nhiều nhân tố từng khiến lạm phát tăng đột biến giờ đã biến mất. Các chuỗi cung ứng toàn cầu không còn bị quá tải bởi nhu cầu hàng hóa tăng, hay bị gián đoạn do đại dịch.

Khi nhu cầu đồ nội thất và máy chơi game hạ nhiệt, giá hàng hóa bắt đầu giảm, trong khi thị trường chip ảm đảm. Giá dầu thô hiện nay cũng thấp hơn so với thời điểm cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ.

Bức tranh lạm phát toàn phần giảm cũng xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới: 25/36 các nước giàu thuộc nhóm OECD đều dự báo lạm phát toàn phần giảm.

Tuy nhiên, lạm phát giảm thường che giấu đi xu hướng đằng sau nó. Nếu đi vào chi tiết, dễ thấy rằng lạm phát chưa được giải quyết ở tận gốc rễ.

Lạm phát lõi của Mỹ, đã loại trừ thực phẩm và năng lượng, tăng 4,6% trong giai đoạn 3 tháng, so với cùng kỳ năm trước, và bắt đầu tăng tốc nhẹ. Nguồn cơn chính gây lạm phát giờ chính là khu vực dịch vụ, vốn dễ ảnh hưởng bởi giá nhân công.

Thị trường lao động khỏe mạnh đang là nhân tố gây lạm phát ở Mỹ (Ảnh: Getty)

Thị trường lao động khỏe mạnh đang là nhân tố gây lạm phát ở Mỹ (Ảnh: Getty)

Ở Mỹ, Anh, Canada và New Zealand, đà tăng lương vẫn cao hơn rất nhiều so với mức mục tiêu 2% mà ngân hàng trung ương các nước này đề ra. Đà tăng lương ở khu vực đồng tiền chung thấp hơn, nhưng lại tăng ở các nền kinh tế quan trọng như Tây Ban Nha.

Điều này không có gì là bất ngờ nếu như nhìn vào sức khỏe của các thị trường lao động. 6 trong số 7 nước giàu thuộc nhóm G7 có tỷ lệ thất nghiệp ở hoặc sát mức thấp nhất trong thế kỷ này. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức thấp kỷ lục kể từ năm 1969. Khó có thể chứng kiến lạm phát giảm trong khi các thị trường lao động còn khỏe mạnh như vậy. Đây là tình trạng đáng sợ đối với các ngân hàng trung ương, nó cũng là đòn giáng chí mạng đối với viễn cảnh lạc quan mà giới đầu tư kỳ vọng.

Dù cho điều gì xảy ra tiếp theo, sự bất ổn trên thị trường rất có thể xảy ra. Trong những tuần gần đây, các nhà đầu tư trái phiếu đã bắt đầu có sự thay đổi về kỳ vọng, từ chỗ dự đoán rằng ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất sang duy trì lãi suất cao. Dễ dàng hiểu được rằng lãi suất được duy trì ở mức cao sẽ gây tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế, trong khi lạm phát tiếp tục giảm. Nếu điều đó xảy ra, các thị trường có thể được cứu rỗi nhờ vào đà tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất được duy trì ở mức cao sẽ gây ra tổn thất cho các nhà đầu tư trái phiếu.

Tuy nhiên, có khả năng cao là lãi suất cao sẽ gây tổn hại nền kinh tế. Trong thời kỳ hiện đại, các ngân hàng trung ương thường khó đạt được một cú “hạ cánh mềm”, có nghĩa rằng họ khó hoàn thành một chu kỳ tăng lãi suất mà không gây ra suy thoái.

Hệ quả từ sự lạc quan thái quá

Lịch sử đã có đầy các trường hợp mà giới đầu tư dự đoán sai về đà tăng trưởng trong giai đoạn một chu kỳ thắt chặt tiền tệ sắp kết thúc. Điều này đúng ngay cả trong những điều kiện lạm phát thấp hơn so với hiện tại.

Trong trường hợp Mỹ là nền kinh tế duy nhất trượt vào suy thoái, phần còn lại của thế giới vẫn sẽ bị kéo xuống theo, đặc biệt là khi đồng USD được củng cố sức mạnh.

Cũng có khả năng là các ngân hàng trung ương, do đối mặt với vấn đề lạm phát dai dẳng, sẽ không để xảy ra suy thoái. Thay vào đó, họ có thể cho phép lạm phát cao hơn so với mức mục tiêu.

Trong ngắn hạn, động thái này sẽ giúp ích cho nền kinh tế. Nó cũng có thể mang lại nhiều lợi ích trong dài hạn: đến cuối cùng lãi suất sẽ được ấn định ở mức cao hơn do lạm phát cao hơn, an toàn tránh khỏi mức lãi suất 0 và giúp cho các ngân hàng trung ương có động lực đối phó với cuộc suy thoái tiếp theo. Vì nguyên nhân này, nhiều nhà kinh tế học cho rằng lạm phát mục tiêu lý tưởng phải cao hơn 2%.

Nhưng để tạo ra một sự thay đổi như vậy mà không gây ra hậu quả sẽ là một nhiệm hết sức khó khăn đối với các ngân hàng trung ương.

Trong năm ngoái, họ đã nỗ lực cam kết với mục tiêu hiện tại, việc từ bỏ cơ chế hiện tại để thiết lập một cơ chế khác sẽ trở thành một thách thức to lớn. Sự kiên định chính là chìa khóa; trong những năm 1970, sự thiếu rõ ràng về mục tiêu của chính sách tiền tệ đã khiến nền kinh tế Mỹ chao đảo, tác động trực tiếp tới người dân và giới đầu tư.

Đến thời điểm hiện tại, ngân hàng trung ương ở các nước giàu chưa có tín hiệu thay đổi chính sách của mình. Ngay cả khi lạm phát giảm hoặc từ bỏ cuộc chiến, các nhà hoạch định chính sách khó có thể thực hiện một cú đảo chiều hoàn hảo. Cho dù đó có là do lãi suất vẫn ở mức cao, suy thoái kinh tế hay chính sách bước vào giai đoạn chuyển đổi, các nhà đầu tư có thể sẽ nhận lấy sự thất vọng./.

Theo The Economist