Vụ gần 2.000 em bé ở Bắc Ninh xét nghiệm sán:

Thay vì giải thích, 2 bệnh viện chuyên ngành đều nhận hết người muốn xét nghiệm

Viettimes -- Mặc dù đã có nhiều chuyên gia về ký sinh trùng lên tiếng về việc không nhất thiết phải ồ ạt đưa các bé đi xét nghiệm sán như những ngày qua, bởi kết quả dương tính với sán vẫn không khẳng định mắc sán, mà lại rất tốn kém và gây hoang mang dư luận xã hội, nhiều người vẫn tiếp tục đem con đi xét nghiệm.
Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm cho các cháu
Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm cho các cháu

Dương tính vẫn không phải mắc sán

Trước “làn sóng” xét nghiệm không do chỉ định, một trong những chuyên gia hàng đầu về ký sinh trùng là PGS.TS. Phạm Ngọc Minh – Trưởng bộ môn Ký sinh trùng của Đại học Y Hà Nội, phụ trách Khoa Vi sinh –Ký sinh trùng của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội- đã lên tiếng: Người dân cần bình tĩnh, thay vì vội vàng đưa trẻ đi xét nghiệm sán. Chỉ nên theo dõi và khi có các biểu hiện như đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài... mới cần đi khám để điều trị.

Bởi nếu ăn phải thịt lợn gạo tức là nguy cơ mắc bệnh sán dây lợn trưởng thành, thì sán sẽ sống trong ruột và phải mất vài tháng sau, mới có khả năng sinh sản bằng hình thức đứt ra những đốt già, đào thải theo phân ra ngoài, khi đó mới thấy được đốt ấy. Xét nghiệm bằng kỹ thuật ELISA cũng không phát hiện bệnh sán dây trưởng thành, mà phải xét nghiệm phân để tìm đốt sán. Vì vậy, nếu các cháu mới ăn phải thịt lợn gạo thì thời điểm này xét nghiệm cũng không thể xác định được là mắc sán dây trưởng thành, còn nếu xét nghiệm ELISA để xác định mắc ấu trùng sán dây lợn, thì bệnh nhân ăn phải trứng/đốt sán, chứ không phải do ăn lợn gạo.  

“Vì thế, các gia đình đưa con đến xét nghiệm sán ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đều được chúng tôi giải thích và tư vấn kỹ càng, để họ yên tâm. Tuy nhiên, nếu gia đình muốn kiểm tra sức khỏe cho bé, thì chúng tôi sẽ làm các xét nghiệm và nếu không may mắc sán đã có thuốc điều trị đặc hiệu.” - PGS.TS. Phạm Ngọc Minh nhấn mạnh.

Cũng có chung quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết: Sáng 19/3, cả 2 giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Ký sinh trùng đều khẳng định “kết quả dương tính với sán cũng không có nghĩa là mắc sán” nên dương tính với sán cũng chưa có chỉ định điều trị. Hơn nữa, việc xét nghiệm máu chỉ là một trong các phương pháp hỗ trợ để chẩn đoán bệnh. Việc điều trị bệnh sán không khó khăn, thuốc điều trị cũng không đắt và đã có phác đồ.

Ông Phong  còn cho biết với các kết quả xét nghiệm dương tính của các bé, thay vì các viện đã yêu cầu trở lại khám sau 2 tuần, tới đây, Bệnh viện sẽ cử cán bộ xuống tận nơi cùng cán bộ y tế địa phương theo dõi. Với bất kỳ biểu hiện nào của các bé đều được xử lý kịp thời.

Tại sao không giải thích?

Như vậy, cho đến nay, các chuyên gia hàng đầu về ký sinh trùng đều khẳng định dương tính với sán vẫn chưa thể nói là có sán, mà để xác định có sán hay không cần phải làm các xét nghiệm khác. Thiết nghĩ, trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra, các chuyên gia ở 2 đơn vị chuyên ngành cao nhất về ký sinh trùng là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét –Ký sinh trùng Trung ương phải biết rõ điều này hơn ai hết. Nhưng tại sao họ vẫn để hàng ngàn người dân ồ ạt đưa con đến chỗ họ xét nghiệm, tạo nên sự hoang mang không đáng có trong xã hội?

Tỉnh Bắc Ninh phải tổ chức nhiều cuộc họp về việc hàng ngàn người dân đưa con đi xét nghiệm sán
Tỉnh Bắc Ninh phải tổ chức nhiều cuộc họp về việc hàng ngàn người dân đưa con đi xét nghiệm sán

Ngạc nhiên là, thay vì các bác sĩ đứng ra giải thích cho người dân hiểu việc xét nghiệm máu vẫn chưa thể khẳng định được các bé đã mắc sán, để không lãng phí và không tạo “cơn địa chấn” cho xã hội, thì cả 2 cơ sở này đều “mở rộng vòng tay” với tất cả những người có nhu cầu xét nghiệp, đồng thời, liên tục cung cấp các con số dương tính cho báo giới. Có điều, một bác sĩ đặt câu hỏi: “Tại sao cung cấp cho báo chí chỉ số dương tính mà không có mẫu để tính tỉ lệ? Lại còn tư vấn cho người dân sử dụng thuốc mấy tuần…?”

Nếu không có sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế ngay khi từ nước ngoài về đến sân bay Nội Bài sáng 19-3, chắc gì các vụ, cục chức năng đã tiến hành các biện pháp một cách ráo riết và “đột xuất” trong ngày 19/3 như thế và chắc gì giám đốc 2 cơ sở y tế chuyên ngành ký sinh trùng công khai thừa nhận dương tính với sán cũng không khẳng định là mắc sán? Và dòng người đổ về xét nghiệm hẳn còn tiếp tục tăng? Phải chăng đó chính là những lý do để từ một cuộc “khủng hoảng” vốn thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục do bị qui kết là dùng thực phẩm bấn trong trường học, đã bất ngờ đẩy sang ngành y tế một cách “ngoạn mục”?

Một bạn đọc hỏi tôi có muốn biết sự thật vì sao câu chuyện bị “thổi phồng” quá mức trong tuần qua khiến người dân lũ lượt đưa con về Hà Nội để xét nghiệm hay không, rồi chuyển cho tôi phiếu xét nghiệm của một cháu bé. Tôi nhìn tấm phiếu xét nghiệm với chi phí tới 1,562 triệu đồng mà giật mình và nhẩm tính: Với gần 2.000 cháu bé được xét nghiệm trong vài ngày qua, số tiền mà 2 cơ sở y tế trên thu về đã lên tới gần 3 tỷ đồng. Thảo nào không ai muốn giải thích sự thật….

Phiếu xét nghiệm của một cháu bé có chi phí 1,562 triệu đồng
Phiếu xét nghiệm của một cháu bé có chi phí 1,562 triệu đồng

Đặc biệt, một chuyên gia hàng đầu về ký sinh trùng còn đặt câu hỏi: “Số lượng các bé ở Bắc Ninh dương tính với sán quá nhiều, liệu đó có phải là do dương tính chéo?” Vị chuyên gia này cho rằng cần phải làm xét nghiệm lại với các bé đã có kết quả dương tính, bằng việc tham chiếu ở một số phòng xét nghiệm có uy tín, để có câu trả lời chính xác.