Thấy gì từ thứ hạng của Việt Nam trên BXH Chính phủ số do Liên Hợp Quốc công bố?

VietTimes – Vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc cho thấy Việt Nam cần cải thiện ở nhiều chỉ số thành phần.

 Chính phủ số thay cho Chính phủ điện tử

Năm nay, lần đầu tiên Liên Hợp Quốc đưa ra chủ đề “Chính phủ số” cho báo cáo kết quả xếp hạng của mình. Chủ đề năm 2020 là “Chính phủ số trong một thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững”.

Trước đó, từ năm 2001 đến năm 2018, chủ đề thường được dùng là “Chính phủ điện tử”. Chủ đề năm 2018 là “Chính phủ điện tử hỗ trợ chuyển đổi xã hội bền vững, phục hồi nhanh”; Chủ đề năm 2016 là “Chính phủ điện tử vì sự phát triển bền vững”…

Vậy Chính phủ số có gì khác với Chính phủ điện tử?. Theo hãng Gartner, có 5 cấp độ của một chính phủ hiện đại: Chính phủ điện tử, Chính phủ mở, Chính phủ lấy dữ liệu làm trung tâm, Chính phủ số, Chính phủ thông minh. Trong khi Chính phủ điện tử là giai đoạn đầu thì Chính phủ số là giai đoạn thứ tư.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị UB Quốc gia về Chính phủ Điện tử ngày 12/2/2020 , Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã định nghĩa rằng trọng tâm của Chính phủ điện tử là triển khai các dịch vụ công trực tuyến bằng CNTT. Còn mục tiêu của Chính phủ số là đưa tất cả hoạt động của chính phủ lên môi trường số, không chỉ là dịch vụ công trực tuyến. Chính phủ số cung cấp các dịch vụ số cho người dân; toàn bộ bộ máy công quyền chuyển sang hoạt động trên môi trường số; sử dụng dữ liệu và các công nghệ số giúp cho việc gia quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn; dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.

Liên Hợp Quốc cho rằng năm 2020 là năm khởi đầu của thập kỷ, trong đó Chính phủ số được xác định là giải pháp quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững đặt ra đến năm 2030.

Thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng Chính phủ số: Chỉ số chung tăng nhưng chỉ số thành phần lại giảm

Theo Báo cáo khảo sát xếp hạng Chính phủ số năm 2020 mà Liên Hợp Quốc vừa công bố, trong số 193 quốc gia được xếp hạng, Việt Nam đứng vị trí thứ 86 – cải thiện 2 bậc so với năm ngoái.

Nếu so với các quốc gia châu Á thì vị trí của Việt Nam là 24/47. Còn so với các nước Đông Nam Á, Việt Nam xếp ở vị trí khiêm tốn 6/11.

Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình của thế giới và khu vực.

Khi xét đến các chỉ số thành phần và chỉ số phụ, có những chỉ số Việt Nam giảm khá nhiều. Cụ thể: chỉ số Dịch vụ trực tuyến giảm 22 bậc; Chỉ số Dữ liệu mở: Việt Nam xếp hạng 97/193 quốc gia, xếp thứ 26/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á, thuộc nhóm quốc gia ở mức trung bình. Đây là năm đầu tiên Liên Hợp Quốc đưa vào đánh giá chỉ số Dữ liệu mở. Nó cho thấy sự hạn chế của người dân trong việc tiếp cận dữ liệu của các bộ, ngành.

Việt Nam có cải thiện ở chỉ số Hạ tầng Viễn thông khi tăng 31 bậc, chỉ số Nhân lực tăng 3 bậc, chỉ số Tham gia Điện tử tăng 2 bậc.

Đối với chỉ số Dịch vụ trực tuyến của địa phương, TP.HCM là địa phương duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách, xếp thứ 42/100, thuộc mức trung bình.

Kết quả xếp hạng của Việt Nam cho thấy điều gì?

Về thứ hạng chung, như đã nêu ở trên, Việt Nam đã duy trì được mức thăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay, từ vị trí 99 lên 86. Điều này đã phản ánh những nỗ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, thứ hạng của chúng ta trong khu vực Đông Nam Á vẫn không thay đổi.

Đáng lưu ý là khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia đang xếp sau trong khu vực như Indonesia và Campuchia đã thu hẹp đáng kể. Nhiều quốc gia có sự thăng hạng mạnh như Indonesia tăng 19 bậc, Thái Lan tăng 16 bậc, Myanmar tăng 11 bậc.

Cần biết rằng 5 quốc gia xếp trên Việt Nam là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philippines và quốc gia ngay sau Việt Nam đều đã tuyên bố chiến lược phát triển Chính phủ số.

(ảnh: chinhphu.vn)
(ảnh: chinhphu.vn)

Từ những năm 2000, Đảng và chính phủ Việt Nam đã quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xác định đây là động lực để đi tắt đón đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là “triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực”.

Năm 2015, chính phủ đã có nghị quyết đầu tiên về Chính phủ điện tử nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước, công khai minh bạch hoạt động của nhà nước trên môi trường mạng”.

Nhưng theo bảng xếp hạng mà Liên Hợp Quốc công bố trong những năm qua thì có thể thấy việc triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam chưa đạt được như mong muốn, Việt Nam vẫn đứng ở vị trí trung bình trong khu vực. Các nước xếp trên chúng ta trong khu vực đã tính tới Chính phủ số trong khi chúng ta vẫn đang loay hoay với Chính phủ điện tử.

Vì sao việc phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam chưa được như mong muốn? Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nguyên nhân  là do nhiều cấp, ngành chưa xác định rõ lộ trình và nhiệm vụ cụ thể để triển khai. Thiếu gắn kết giữa ứng dụng CNTT với cải cách thủ tục hành chính và đổi mới lề lối phương thức làm việc, nhất là trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp. Chưa phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước cũng như quy định về cơ chế tích hợp chia sẻ dữ liệu còn thiếu. Thói quen cát cứ dữ liệu còn tồn tại ở nhiều cơ quan. Việc đảm bảo an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước còn chưa được quan tâm đúng mức.

Cũng theo ông Mai Tiến Dũng, Việt Nam còn thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử, thiếu quy định cụ thể về xác thực cá nhân và tổ chức trong giao dịch điện tử. Chúng ta cũng thiếu các quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch hành chính và thanh toán. Cơ chế bảo đảm thực thi nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử chưa đủ mạnh cũng là nguyên nhân của việc thực hiện còn thiếu hiệu quả và mang nặng tính hình thức. Việt Nam cũng chưa phát huy tối đa sự tham gia của khu vực tư nhân trong xây dựng Chính phủ điện tử và thiếu cơ chế tài chính và đầu tư phù hợp với đặc thù dự án công nghệ thông tin.

Làm gì để cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam?

Để có bước phát triển đột phá, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đồng thời xây dựng các bước triển khai thật cụ thể. Được biết, từ nay đến năm 2025, chính phủ sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ ưu tiên:

Thứ nhất, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử.

Thứ hai, hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng.

Thứ ba, thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ.

Thứ tư, rà soát, sắp xếp lại và huy động mọi nguồn lực cả về tài chính và con người.

Thủ tướng tham quan Trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam (ảnh: báo Quảng Nam)
Thủ tướng tham quan Trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam (ảnh: báo Quảng Nam)

Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị được chính phủ giao chủ trì xây dựng “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, mới đây cũng đã đưa ra những đề xuất nhằm đẩy mạnh phát triển Chính phủ số trong giai đoạn mới. Cụ thể là:

Đề xuất chính phủ đôn đốc bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai Chính phủ điện tử, nâng cao Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo phương pháp đánh giá của Liên Hợp Quốc. Trong đó, tập trung chỉ đạo, đôn đốc nâng cao Chỉ số Dịch vụ trực tuyến, Chỉ số Hạ tầng viễn thông.

Trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành “Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và xây dựng “Kế hoạch phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2023” để cụ thể hóa Chiến lược nói trên.

Khẩn trương phát triển các hệ thống kỹ thuật nền tảng quốc gia hỗ trợ cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Mở dữ liệu của cơ quan nhà nước, trước hết là Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc, Cổng Dữ liệu quốc gia...

Để giúp Việt Nam cải thiện thứ hạng về Chính phủ số, vai trò của Bộ Giáo dục Đào tạo cũng rất quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho công cuộc Chuyển đổi số quốc gia. Mọi người dân cần được phát triển kỹ năng số để không ai bị bỏ lại phía sau. Ngành giáo dục cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo, đưa Giáo dục và Đào tạo trở thành một trong các lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số.

Cũng theo đề xuất của Bộ TT&TT, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về "một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025". Trong đó, tập trung hoàn thành dứt điểm các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2020, đặc biệt là chỉ tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Thực hiện cách làm mới, đẩy nhanh tiến độ để có thể hướng tới cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ cao ngay trong năm 2021.

CÓ NÊN CÀI BLUEZONE KHÔNG?

"Dùng Bluezone tốn pin điện thoại lắm", "Tôi thấy nó quét được mấy người xung quanh trong khi tôi đang ngồi một mình, lỗi quá", "Bluezone nó biết được chính xác mình đang ở đâu, nguy hiểm ghê" - Không khó để tìm thấy những lời nhận xét về Bluezone trên mạng xã hội. Bạn thấy băn khoăn chưa biết có nên cài Bluezone không? Hãy đọc bài viết TẠI ĐÂY