Thấy gì từ BCTC bán niên 2018 của VietinBank?

VietTimes – Tính đến 30/6/2018, VietinBank đã không còn ghi nhận giá trị các khoản trái phiếu đặc biệt do Công ty quản lý tài sản (VAMC) phát hành. Điều này cũng có nghĩa, VietinBank đã tiến hành xử lý hết các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trên Báo cáo tài chính.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo Báo cáo tài chính bán niên (đã soát xét) năm 2018, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank – Mã CK: CTG) có tổng tài sản đạt 1.140.117 tỷ đồng, tăng 45.057 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn từ vốn chủ sở hữu là 68.042 tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ đồng, chiếm 5,96% tổng tài sản. 

Cơ cấu tài sản của CTG cũng có nhiều chuyển biến so với thời điểm đầu năm. 

Cụ thể, các khoản cho vay khách hàng (thị trường 1) đạt 855.081 tỷ đồng, chiếm 75% tổng tài sản, tăng trưởng 9,3%. Đối tượng cho vay chủ yếu là các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước đạt 853 tỷ đồng. Về cơ cấu nợ theo thời gian cho vay, nợ ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 57,8%, tiếp đến là nợ dài hạn chiếm 33,7% và nợ trung hạn với tỷ trọng nhỏ nhất chiếm 8,5%.

Tỷ lệ nợ xấu vẫn được duy trì ở mức thấp, với 1,29% trên tổng dư nợ.

Ở chiều ngược lại, hoạt động huy động tiền gửi từ khách hàng tăng trưởng 8,8%, ghi nhận giá trị đạt 852.447 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn (chủ yếu bằng VND) đạt 732 tỷ đồng chiếm 85,9%, tăng trưởng 16%.

Nếu so với mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư từ 10 – 14% và tăng trưởng dư nợ tín dụng khoảng 14% năm 2018, CTG vẫn còn dư địa để tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2), hoạt động huy động và cho vay của CTG giảm mạnh về giá trị. Cụ thể, khoản mục tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác giảm từ 115.158 tỷ đồng, xuống mức 84.202 tỷ đồng. Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng của CTG đạt 82.099 tỷ đồng, giảm 25.411 tỷ đồng so với đầu năm.

Tuy giảm các hoạt động giao dịch trên thị trường 2, CTG ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong các hoạt động đầu tư.  

Khoản mục chứng khoán đầu tư ghi nhận giá trị đạt 137.510 tỷ đồng, chiếm 12% tổng tài sản, tăng 9.118 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là các chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán đạt 134.937 tỷ đồng, bao gồm: Trái phiếu Chính phủ, Trái phiếu do các tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế trong nước phát hành.

Đáng chú ý, tính đến 30/6/2018, CTG đã tiến hành trích lập dự phòng hết các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, đánh dấu một bước tiến lớn trong quá trình xử lý nợ xấu tại tại đây. CTG trở thành ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tiếp theo, sau Vietcombank (Mã CK: VCB), sạch nợ với VAMC trên Báo cáo tài chính. 

Đến ngày 30/6/2018, VietinBank đã không còn ghi nhận giá trị các khoản trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành (Nguồn: CTG)
Đến ngày 30/6/2018, VietinBank đã không còn ghi nhận giá trị các khoản trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành (Nguồn: CTG) 

Tài sản cố định và tài sản có khác cũng không có nhiều biến động về giá trị so với đầu năm, lần lượt là 11.214 tỷ đồng và 35.494 tỷ đồng.

Nhẹ gánh nặng nợ xấu trên báo cáo tài chính, CTG cũng đã đạt được kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm.

Lợi nhuận lũy kế 6 tháng đạt hơn 4.100 tỷ đồng

Thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm của CTG tăng 377 tỷ đồng, tương đương mức tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 14.440 tỷ đồng. Đây có thể là hiệu quả từ việc CTG tiến hành cơ cấu danh mục tài sản theo hướng nâng cao tỷ trọng các tài sản sinh lời tốt (đảm bảo khẩu vị rủi ro toàn ngân hàng) và đẩy mạnh cho vay khách hàng như đã ghi nhận trên Bảng cân đối kế toán.

Ban lãnh đạo CTG cho biết cơ cấu cho vay khách hàng cũng có sự chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh dư nợ cho vay các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng lẻ.

Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cũng có xu hướng gia tăng và có tốc độ tăng trưởng tốt. Cụ thể, Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.199 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Các hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận kết quả tích cực, đem về cho CTG hơn 700 tỷ đồng lợi nhuận.

Trước kết quả tích cực từ hoạt động dịch vụ, CTG đã ứng dụng hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) hiện đại, là cơ sở để hướng tới phát triển nền tảng thanh toán bền vững, đồng thời kiểm soát tốt rủi ro hoạt động thanh toán.

Bên cách các hoạt động trên, CTG cũng thu về 784 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động khác (chủ yếu là các hoạt động thu từ nợ xấu đã được xử lý, giao dịch các công cụ tài chính phái sinh khác) và 210 tỷ đồng từ góp vốn, mua cổ phần.

Sau khi loại bỏ các loại chi chí và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), lợi nhuận sau thuế  của CTG 6 tháng đầu năm đạt 1.997 tỷ đồng, tăng trưởng 40,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế TNDN của CTG đạt 4.169 tỷ đồng, tăng trưởng 25,4% so với cùng kỳ 2017./.