Kỳ 2:

Thay đổi môi trường an ninh và quan hệ quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
LTS: Cục diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2010 đến năm 2020 luôn biến động, với đặc trưng là cọ xát chiến lược nước lớn diễn ra gay gắt, toàn diện. Điều này tác động lớn đến cấu trúc an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương, trực tiếp đến môi trường an ninh của khu vực, trong đó có Việt Nam. Đó là nhận định mà Thiếu tướng, TS. Đỗ Lê Chi đưa ra trong cuốn sách “Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản.
Thiếu tướng, TS. Đỗ Lê Chi
Thiếu tướng, TS. Đỗ Lê Chi

Môi trường an ninh khu vực từng bước trở lại trạng thái “Chiến tranh lạnh”, với quan hệ Mỹ - Trung hướng nhanh tới đối đầu

Nếu như quan hệ Mỹ - Trung ở nửa đầu thập niên 2010 còn chú trọng hợp tác thì bắt đầu từ nửa sau mối quan hệ Mỹ - Trung nhanh chóng chuyển sang trạng thái đối đầu. Từ năm 2010 đến năm 2020, các cơ chế hợp tác an ninh của Mỹ trên nền cấu trúc “Trục và Nan hoa” đã có sự phát triển mới thông qua các chiến lược lớn như “Tái cân bằng” và IPS.

Những bước chuyển đáng chú ý là tăng cường quan hệ với các đồng minh chủ chốt; thúc đẩy hợp tác với các đối tác mới; thiết lập và mở rộng các liên minh, hợp tác chiến lược đa phương; và tăng cường hiện diện quân sự, thúc đẩy mở rộng các khuôn khổ tập trận chung tại khu vực. Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thách thức vị trí siêu cường số một của Mỹ, sử dụng “sức mạnh mềm”, lợi ích kinh tế, thương mại để tập hợp lực lượng, gia tăng ràng buộc về chính trị, an ninh đối với các nước trong khu vực, thông qua nhiều chiến lược như BRI, “Sáng kiến An ninh châu Á”, “Cộng đồng chung vận mệnh” làm thay đổi môi trường an ninh, thiết lập cấu trúc an ninh theo mô hình “Đàn sếu bay”, từng bước đẩy Mỹ ra và kiểm soát toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Sự thay đổi trong quan hệ Mỹ - Trung làm cho môi trường an ninh khu vực chuyển sang trạng thái giống như “Chiến tranh lạnh” Mỹ - Xô trước đây. Với quốc lực đã thay đổi căn bản và so sánh tương quan với Mỹ cũng thay đổi nhiều, Trung Quốc thiết lập và tăng cường nhiều cơ chế quốc tế lớn để đối trọng với các cơ chế, khuôn khổ mà Mỹ đã xây dựng. Trong khi phạm vi tranh chấp chiến lược giữa hai nước là trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì trọng tâm tranh chấp của cả hai là châu Á, trong đó Đông Nam Á là trọng điểm.

Những điều chỉnh chính sách của Mỹ và Trung Quốc, dù chỉ ở tầm chiến thuật, cũng gây tác động lớn đối với các nước vừa và nhỏ tại khu vực. Cạnh tranh chiến lược toàn diện, gay gắt giữa hai nước, nhất là trong hai năm 2018 - 2019, đặt các nước nhỏ vào thế khó xử trong quan hệ quốc tế, có nước buộc phải tạm thời “chọn bên”, trong đó phần nhiều là ngả sang Trung Quốc.

Điều kiện để các nước nhỏ bảo vệ được chính sách trung lập, bảo vệ độc lập, chủ quyền trở nên khó khăn hơn. Các nước nhỏ đều phải điều chỉnh chính sách trong thế bị động, chạy theo diễn biến phức tạp trong trục chính Mỹ - Trung.

Bối cảnh trên đặc biệt nhạy cảm đối với Việt Nam với tư cách là một nước nằm ở vị trí cạnh tranh chiến lược gay gắt nhất, là đối tượng và đối tác hàng đầu của hai nước. Trong ASEAN, Việt Nam là nước gặp nhiều khó khăn nhất trong vấn đề này; các điều chỉnh của Việt Nam có vẻ mang tính đối phó nhiều hơn là chủ động, và chúng đều tác động sâu sắc đến các vấn đề nội bộ và đối ngoại của Việt Nam.

Trật tự “lưỡng cực” thay thế cho trật tự “đơn cực” do Mỹ dẫn dắt

Trong một thập niên, trạng thái Mỹ chi phối hoàn toàn cục diện tình hình tại châu Á - Thái Bình Dương như trong nhiều thập niên trước đã thay đổi căn bản. Một trật tự “lưỡng cực” bắt đầu được hình thành tại khu vực, thể hiện qua những hình thức tập hợp lực lượng mới do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt. Cả hai nước đều sử dụng ưu thế hơn hẳn của mình so với những nước còn lại để thúc đẩy chính sách thông qua kênh song phương, ít nhiều làm suy giảm các thiết chế đa phương tại khu vực.

Những năm 2008 - 2009, khủng hoảng tài chính đã làm Mỹ suy yếu tương đối trong khi Trung Quốc trỗi dậy, thu hẹp đáng kể tương quan lực lượng cả về kinh tế, quân sự với Mỹ. Trung Quốc thách thức trực tiếp vai trò của Mỹ, tìm cách xác lập một trật tự quan hệ quốc tế mới lấy Trung Quốc làm trung tâm và thay đổi các “luật chơi” vốn được Mỹ đặt ra ở khu vực. Tại Hội nghị Phối hợp hành động và xây dựng lòng tin ở châu Á (Thượng Hải, 2014), Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra khái niệm “An ninh châu Á mới”1 mà thực chất là “an ninh châu Á do người châu Á giải quyết”.

Sau Đại hội XIX, Trung Quốc tuyên truyền rộng rãi ý tưởng “Cộng đồng chung vận mệnh”, kêu gọi các nước trong khu vực xây dựng Cộng đồng Kinh tế Đông Á làm cơ sở, lấy quan hệ ASEAN - Trung Quốc làm mô hình tiên phong theo hướng ASEAN và Trung Quốc xây dựng “luật chơi” của riêng mình. Trong phát ngôn và hành động, Trung Quốc ngày càng thể hiện vai trò chủ động dẫn dắt hình thành một cấu trúc khu vực do Trung Quốc lãnh đạo.

Trật tự “lưỡng cực” mới tạo ra xu hướng tập hợp lực lượng mới. Các nước trong khu vực, dù là cường quốc (Nhật Bản, Ấn Độ, Ôxtrâylia, Nga, Hàn Quốc…) hay các nước nhỏ ASEAN đều phải cân nhắc để lựa chọn tham gia các tập hợp lực lượng theo hai “cực” này. Tuy nhiên, do đặc điểm tình hình mới nên tiến trình tập hợp lực lượng diễn ra không rõ rệt dưới hình thức hai “phe” tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa như trước đây, mà theo hai “cực” lĩnh vực kinh tế và an ninh.

Các cường quốc và nước nhỏ đã có sức mạnh ở mức độ tự tin về kinh tế có xu hướng nghiêng về Mỹ để tìm kiếm sự bảo đảm về an ninh như Nhật Bản, Ôxtrâylia, Hàn Quốc hay Xingapo. Những nước yếu kém về kinh tế như Campuchia, Lào chọn cách thức ngả hơn về Trung Quốc để tìm kiếm trợ giúp phát triển. Một số nước có nền kinh tế yếu nhưng vốn đã có sự bảo trợ về an ninh của Mỹ bằng hiệp ước như Thái Lan, Philíppin cũng tỏ ra tự tin hơn trong việc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc.

Việt Nam là một nước láng giềng kề cận của Trung Quốc, kinh tế còn yếu và không có sự bảo đảm nào về an ninh ngoài sức mạnh tự thân. Đặt trong bối cảnh tình hình trên, Việt Nam tự nhiên là nước gặp khó khăn lớn nhất trong ASEAN.

Tuy nhiên, do sự gắn kết chặt chẽ giữa an ninh với kinh tế nên cũng có sự đan xen rõ rệt giữa hai tập hợp lực lượng trên, do đó có sự giao thoa lớn về phạm vi của hai tập hợp mới. Đây cũng là đặc điểm làm giảm đáng kể xu hướng đối đầu trực tiếp giữa hai “cực”,
hai “tập hợp” nói trên.

Cục diện mới làm căng thẳng nhiều “điểm nóng”, trong khi thách thức an ninh trở nên đa dạng và phức tạp hơn

Đối đầu chiến lược Mỹ - Trung trong tương quan lực lượng mới khiến cho nhiều vấn đề an ninh khu vực trở nên phức tạp hơn nhiều. Khả năng kiểm soát truyền thống của Mỹ thông qua hệ thống “Trục và Nan hoa” trước đây không còn hữu hiệu trước những tham vọng nổi lên của Trung Quốc.

Nghiêm trọng nhất là các vấn đề thuộc nhóm an ninh truyền thống. Trong gần một thập niên qua, tình hình eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên và nhất là Biển Đông diễn biến phức tạp, có thời điểm dễ bùng phát thành xung đột vũ trang.

Tại bán đảo Triều Tiên, riêng trong năm 2010 đã có tới hai thời điểm xung đột vũ trang nhỏ lẻ diễn ra, có thể bùng phát thành chiến tranh1. Mặc dù tình hình bán đảo Triều Tiên đã có bước chuyển rất quan trọng vào cuối thập niên, với việc chỉ trong vòng hai năm (2018, 2019) đã diễn ra 3 cuộc gặp cấp cao song phương Mỹ - Triều và 3 cuộc gặp cấp cao liên Triêù2, song đến cuối năm 2019 tình hình trở lại bế tắc sau cuộc gặp Trump - Kim tại Hà Nội; Triều Tiên lại tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa, triển vọng giải quyết vấn đề Triều Tiên lại bế tắc. Biển Đông là một trong những “điểm nóng” về an ninh và ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ở khu vực này, các tuyên bố chủ quyền của một số quốc gia và vùng lãnh thổ chồng lấn lên nhau, bao gồm tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philíppin, Malaixia, Brunây khiến cho tình hình rất phức tạp. Hiện tại, khu vực Biển Đông đang tồn tại hai loại tranh chấp chủ yếu: (1) tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa (giữa Việt Nam và Trung Quốc) và quần đảo Trường Sa (giữa các bên gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philíppin, Malaixia, Brunây, Đài Loan); (2) tranh chấp ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước có bờ biển đối diện hoặc liền kề (như tranh chấp về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Thái Lan có liên quan giữa các nước Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Malaixia).

Tại Biển Đông, trong thời gian 2014 - 2016, Trung Quốc đã giành được ưu thế lớn khi thiết lập được hiện diện quân sự mạnh trên Biển Đông thông qua việc xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông. Cuộc tập trận Mỹ - ASEAN từ ngày 02 đến ngày 06/9/2019 tại Vịnh Thái Lan (mở rộng tới vùng biển ngoài khơi tỉnh Cà Mau, Việt Nam) diễn ra ở thời điểm mà ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á đã đạt mức cao phản ánh sự lo ngại tăng lên về an ninh trong chính sách của các nước ASEAN và Mỹ, đồng thời hai bên tìm thấy giá trị đối tác cao hơn trong tình hình mới.

Trong tình hình mới, các thách thức an ninh phi truyền thống cũng trở nên gay gắt và phổ biến hơn. Khủng bố tiếp tục là vấn đề mang tính toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh thế giới, trong đó Đông Nam Á là một trọng điểm mới khi hoạt động ly khai Hồi giáo cực đoan di chuyển từ Trung Đông, Trung Á về đây, rõ rệt nhất là tại Philíppin, Thái Lan và Inđônêxia. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn nhiều, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia tại Đông Nam Á.

Việt Nam là nước bị tác động mạnh nhất trước những thách thức an ninh phi truyền thống tại Đông Nam Á. Cụ thể, Việt Nam là nước bị tác động lớn nhất về an ninh mạng1. Việt Nam tuy không phải là nước chịu nhiều tác động của khủng bố Hồi giáo ly khai, cực đoan, tuy nhiên hoạt động kích động, lôi kéo một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số gây mất an ninh, trật tự ở ba vùng chiến lược tiếp tục phức tạp. Hoạt động tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia phát triển rất mạnh tại Việt Nam, đặc biệt là tình trạng người nước ngoài lấy Việt Nam làm địa bàn hoạt động.

Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề an ninh lương thực cùng các vấn đề xã hội khác do tác động của biến đổi khí hậu trong đó có dự báo cho rằng đến năm 2050, nhiều phần đất ở châu thổ sông Mekong sẽ bị chìm trong nước biển dâng. Trong bối cảnh Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế quyết tâm mở rộng quyền kiểm soát tới cả những nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về chủ quyền lãnh thổ và an ninh năng lượng.