Thâu tóm đất vàng tại Seaprodex, câu chuyện chưa hồi kết?

VietTimes – Mặc dù đã qua tay nhiều đại gia bất động sản nhưng Seaprodex vẫn chưa thể hiện thực hóa tiềm năng của các khu đất vàng, đặc biệt là dự án nghìn tỷ tại trụ sở, có địa chỉ 2 – 4 – 6, Đồng Khởi, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM. Cho đến nay, câu chuyện thâu tóm của các đại gia bất động sản liên quan đến lô đất này vẫn còn “nóng”. 
Các nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng lô đất vàng có địa chỉ tại trụ sở Seaprodex (Nguồn: Internet)
Các nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng lô đất vàng có địa chỉ tại trụ sở Seaprodex (Nguồn: Internet)

Có tiềm năng đất vàng nhưng không phải ai cũng biết khai thác

Bắt đầu từ thời điểm cuối năm 2014, đợt IPO của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – Seaprodex (Upcom: SEA) đã thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư tổ chức có tên tuổi như VinaCapital, Masan, Mekong. Theo phương án cổ phần hóa, sẽ có 60.826.400 cổ phần (tương đương 48,66% vốn điều lệ) của Seaprodex được đem đấu giá công khai với mức giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phiếu. Dự kiến sau đợt thoái vốn, cổ phần Nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) sở hữu sẽ giảm xuống còn 51%.

Seaprodex có được sự quan tâm lớn là do giá trị quyền sử dụng đất được đánh giá lại bởi đơn vị tư vấn đạt 13,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Seaprodex đang quản lý và sử dụng tới 878.517,40 m2 đất tại 5 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có nhiều vị trí đắc địa tại các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội, Hải Phòng.

Tuy nhiên, phiên đấu giá thu hút được tới 55 nhà đầu tư tham gia, chỉ bán được hơn 45 triệu cổ phần, với mức giá thành công bình quân 10.100 đồng/cổ phần. Nhà nước thu về số tiền từ đợt bán vốn lần đầu đạt 459,84 tỷ đồng. Số lượng cổ phần chưa bán hết là 15.478.000 cổ phần được đem đấu giá lần 2 nhưng vẫn bị “ế” khi số lượng cổ phần đăng ký mua vỏn vẹn 414.200 cổ phần (tương đương 2,6% số lượng cổ phần chào bán).

Theo tìm hiểu của báo Đầu tư, việc bán “ế” số cổ phần là do Seaprodex không có lợi thế nào ở ngành nghề kinh doanh chính là thủy sản, dù có lợi thế về đất nhưng chủ yếu là diện tích nhỏ, khu đất “vàng” tại địa chỉ 2 – 4 – 6 Đồng Khởi, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM thì chưa xong thủ tục cũng khiến nhà đầu tư e ngại.

Sự nhanh nhạy của Geleximco

Đáng chú ý, trả lời phỏng vấn cũng trên báo Đầu tư, ông Trần Tấn Tâm (Tổng giám đốc Seaprodex) cho biết đã có một nhóm 3 nhà đầu tư cá nhân đăng ký và trúng đấu giá lượng cổ phiếu 10% vốn.

Nhóm này với tổ chức đầu tư đăng ký mua 25% cổ phần Seaprodex là CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp miền Nam (thành viên của CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Geleximco) là một. Như vậy có thể thấy, đại gia Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Cty CP XNK Tổng hợp Hà Nội (GELEXIMCO), đã từng bước thâu tóm Seaprodex với 35% cổ phần từ đợt IPO. Được biết, CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp miền Nam sau đó đã bán 10% cổ phần nắm giữ cho ông Nguyễn Văn Liêm (Thành viên HĐQT của Seaprodex).

Và chỉ có vị đại gia này mới biết tiềm năng và cách khai thác tiềm năng này từ các lô đất mà Seaprodex đang sở hữu thời điểm đó.

Bởi lẽ, từ những năm 2005, Seaprodex (khi đó trực thuộc Bộ Thủy sản) đã ký thỏa thuận hợp tác với CTCP Tổng hợp miền Nam đầu tư dự án tòa nhà văn phòng trung tâm thương mại (được xây dựng trên diện tích 1.892 m2 tại 2-4-6 Đồng Khởi, quy mô 20 tầng, tổng vốn đầu tư ban đầu 1.400 tỷ đồng) khi Nhà nước đồng ý bán chỉ định dự án này cho Seaprodex. Đến ngày 10/12/2015, UBND TP. HCM đã có quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất số 2-4-6 Đồng Khởi để bán chỉ định cho Seaprodex với số tiền 560,18 tỷ đồng.

Thâu tóm đất vàng tại Seaprodex, câu chuyện chưa hồi kết? ảnh 1

Ông Vũ Văn Tiền (thứ 3 từ trái sang) được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT trong ĐHCĐ lần đầu diễn ra vào ngày 23/3/2015 của Seaprodex (Nguồn: Seaprodex)

Với số lượng cổ phần vừa đủ, ông Vũ Văn Tiền và các cá nhân có liên quan dễ dàng thâu tóm các vị trí quan trọng tại Seaprodex tại ĐHCĐ lần đầu diễn ra vào ngày 23/3/2015. Nhưng mọi chuyện sau đó lại không hề êm đẹp với đại gia này như vậy.

Trở ngại bắt đầu nảy sinh từ khoản đầu tư vào dự án tại 2-4-6 Đồng Khởi, do giá trị đầu tư là 1.400 tỷ đồng, lớn hơn 35% tổng tài sản của Seaprodex nên theo điều lệ của công ty tại thời điểm đó cần phải được ĐHĐCĐ thông qua.

Có thông tin cho rằng, trong phần thảo luận tại ĐHCĐ bất thường diễn ra ngày 26/4/2016, đã có nhiều ý kiến cổ đông trái chiều liên quan đến dự án tại khu đất trên đã được đưa ra. Cuối cùng, kết quả biểu quyết có tới 63,73% (trong đó có cổ đông nhà nước) không đồng ý việc Seaprodex hoàn thành nốt nghĩa vụ đối với số tiền sử dụng đất còn lại tại dự án 2-4-6 Đồng Khởi.

Điều này khiến cho việc triển khai dự án vẫn nằm trên giấy và phải báo cáo lên Thủ tướng. Có lẽ do gặp khó khăn với nhóm cổ đông lớn, nên ông Vũ Văn Tiền và các cá nhân có liên quan đã rút vốn tại Seaprodex “nhường” lại cho các đại gia bất động sản khác.

Sự gia nhập của CTCP Nova Bắc Nam 79 và các công ty có liên quan

Ngay từ trước khi cổ phiếu SEA được niêm yết trên sàn UPCOM ngày 23/12/2016, công việc thoái vốn của Geleximco tại Seaprodex đã diễn ra. Ngày 20/06/2016, CTCP Nova Bắc Nam 79 đã có báo cáo về việc trở thành cổ đông lớn tại Seaprodex. Theo đó, công ty này đã thực hiện giao dịch mua 25.125.000 cổ phần, chiếm tỷ lệ 20,1% vốn điều lệ của Seaprodex, tại ngày 14/06/2016.

Số cổ phần này một phần đến từ ông Nguyễn Văn Liêm (Thành viên HĐQT), bán 12.500.000 cổ phần (10% vốn điều lệ) và ông Vũ Cao Trung (Thành viên Ban Kiểm soát), bán 3.787.500 cổ phần (3,03% vốn điều lệ) theo phương thức thỏa thuận. Hai cá nhân trên cũng đã từ nhiệm vị trí phụ trách tại Seaprodex.

Đến ngày 06/07/2016, HĐQT của Seaprodex đã bổ nhiệm ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) giữ chức vụ Thành viên HĐQT.

Thâu tóm đất vàng tại Seaprodex, câu chuyện chưa hồi kết? ảnh 2Cơ cấu cổ đông của Seaprodex tại thời điểm niêm yết trên sàn UPCOM (Nguồn: Seaprodex)

Cuối tháng 12/2016, Công ty Cổ phần XNK Tổng hợp Miền Nam đã đăng ký bán hết 18.750.000 cổ phiếu ngay sau khi cổ phiếu SEA lên sàn UPCOM. Trong đó, công ty TNHH Bất động sản Anh Tú đã mua 16.750.000 cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn từ 27/12/2016. Đồng thời, ông Vũ Văn Tiền cũng đã có đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT từ ngày 31/12/2016.

Theo tìm hiểu của VietTimes, công ty TNHH Bất động sản Anh Tú được sáng lập vào tháng 07/2014 bởi ông Bùi Đạt Chương (99%) và ông Bùi Cao Nhật Quân (1%), những người thân của Chủ tịch Tập đoàn Novaland Bùi Thành Nhơn. Ông Quân, nên biết, đã từng có thời giam làm Tổng Giám đốc CTCP Nova Bắc Nam 79 – cổ đông lớn thứ hai của Seaprodex (chỉ sau Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, cơ cấu sở hữu của Công ty TNHH Bất động sản Anh Tú đã thay đổi hoàn toàn. Cập nhật từ ngày 23/10/2017, hai chủ sở hữu số vốn điều lệ 48 tỷ đồng của pháp nhân này là bà Nguyễn Thị Thu Hương (1%) và ông Bùi Trọng Nghĩa (99%).

Còn về phía công ty CTCP Nova Bắc Nam 79 (hiện đã đổi tên thành CTCP Đầu tư và Phát triển Chấn Phong), công ty này được thành lập ngày 22/04/2015 với 3 cổ đông sáng lập là: CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No va (50%), CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 (45%), Hoàng Hữu Thân (5%). Ông Phan Văn Anh Vũ cũng từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn.

Các cổ đông sáng lập ban đầu cũng đã thực hiện thoái vốn khỏi công ty Chấn Phong từ lâu và chưa rõ cơ cấu sở hữu của công ty này hiện nay ra sao.

Trước thời điểm ông Phan Văn Anh Vũ bị các cơ quan chức năng đã vào cuộc, khởi tố, điều tra, truy nã về tội cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước, công ty Chấn Phong đã thoái toàn bộ vốn khỏi Seaprodex cho nhà đầu tư cá nhân Ngô Minh Anh.

Tiếp tục đổi ngôi?

Gần đây, sự chú ý của thị trường lại tập trung vào ông Trương Bảo Kim (người được HĐQT Seaprodex bầu làm Thành viên HĐQT kể từ ngày 13/6/2017 thay thế cho ông Vũ Văn Tiền) đã đăng ký mua vào 17,3 triệu cổ phần Seaprodex với mục đích cá nhân. Càng đặc biệt hơn khi ông Trương Bảo Kim là cổ đông lớn của công ty Chấn Phong.

Theo tìm hiểu của VietTimes, ông Trương Bảo Kim còn là Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phú Gia Linh. Doanh nghiệp thành lập ngày 24/5/2017 có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó ông Kim sở hữu 95% vốn. Doanh nghiệp này từng có cổ đông sáng lập nắm 50% vốn là Phan Anh Hạnh Trinh trú tại Q. Hải Châu, Đà Nẵng, song thể nhân này đầu tháng 8/2017 đã rút hết vốn.

Ngày 21/7/2017, Seaprodex có Nghị quyết HĐQT cho phép Công ty TNHH Đầu tư Phú Gia Linh thuê toàn bộ tòa nhà số 2-4-6 Đồng Khởi hợp khối tòa nhà 21 Ngô Đức Kế.

Không loại trừ khả năng công ty TNHH Đầu tư Phú Gia Linh sẽ là đại gia bất động sản tiếp theo “đứng tên hộ” để đầu tư vào các dự án bất động sản tại Seaprodex vì số tiền ông Kim phải bỏ ra để mua 17,3 triệu cổ phần SEA lên tới hơn 260 tỷ đồng.