Thầu tập trung quốc gia mua sắm thuốc cho giai đoạn 2022-2023: Bộ Y tế mở 'đề xuất tài chính'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thuốc đấu thầu tập trung quốc gia đợt 2022-2023 tăng nhiều về chủng loại và số lượng. Với mức giá kế hoạch (giá trần) giảm khá sâu, đợt thầu tập trung này sẽ tiết kiệm được nhiều tiền cho ngân sách bảo hiểm y tế.
Các bệnh viện phải chủ động mua sắm theo hướng dẫn để không thiếu thuốc điều trị cho người bệnh BHYT
Các bệnh viện phải chủ động mua sắm theo hướng dẫn để không thiếu thuốc điều trị cho người bệnh BHYT

Hôm qua, 29/6, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia Bộ Y tế (Trung tâm) đã tổ chức việc mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia giai đoạn 2022-2023. Dự kiến sau 2 tuần, Trung tâm sẽ chính thức công bố kết quả lựa chọn nhà thầu.

Theo một lãnh đạo Trung tâm, năm nay, có 157 nhà thầu tham gia vào 3 gói thầu, gồm: Gói thầu số 1 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Bắc giai đoạn 2022-2023, gói thầu số 2 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2022-2023, và gói thầu số 3 cung cấp thuốc cho các tỉnh miền Nam giai đoạn 2022-2023.

Có khoảng 200 thuốc trong danh sách đấu thầu tập trung, là các thuốc có chi phí lớn và được các bệnh viện sử dụng nhiều.

Được biết, năm nay, danh mục thuốc tăng chủng loại và số lượng do mô hình bệnh tật sau dịch COVID-19 đã thay đổi, trở về như các năm trước dịch, người dân đi khám chữa bệnh trở lại; số lượng thuốc đấu thầu cũng tăng, có thuốc tăng 200% về số lượng.

Về mức giá dự thầu, nguồn tin cho biết cá biệt cũng có thuốc tăng giá vì nhiều lý do. Còn trên đại thể, theo tìm hiểu của VietTimes, với mặt bằng giá kế hoạch (giá trần) giảm khá sâu, có thể tin tưởng đợt đấu thầu tập trung quốc gia này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều tiền cho ngân sách bảo hiểm y tế.

Đáng chú ý, thuốc ARV (điều trị HIV/AIDS), chỉ có 5/11 loại thuốc đấu thầu. Trong đó, có 3 danh mục bằng giá kế hoạch, giá kê khai và giá trúng thầu.

Có 6 loại thuốc ARV không đấu thầu được, trong đó, có 2 loại không có đơn vị nào dự thầu, 2 thuốc không kịp làm thủ tục GMP và 2 thuốc vượt giá kế hoạch 17%. Có loại tăng 20%, Trung tâm đấu thầu tập trung thuốc Quốc gia đề nghị bằng giá kế hoạch nhưng không được chấp nhận, nên phải huỷ thầu.

Các bệnh viện rất cần được cung cấp đầy đủ thuốc để điều trị cho bệnh nhân hiệu quả
Các bệnh viện rất cần được cung cấp đầy đủ thuốc để điều trị cho bệnh nhân hiệu quả

Để bù đắp vào số lượng thuốc điều trị HIV/AIDS, Trung tâm đang đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Trung tâm đã làm việc với Quỹ toàn cầu nhưng chỉ được cung cấp số thuốc thiếu trong năm 2022. Trung tâm sẽ vẫn phải tổ chức mua sắm, nếu không khả thi thì phải đề nghị Bộ Y tế mua qua các tổ chức quốc tế – thuốc đã được đấu thầu quốc tế.

Năm nay có 7 loại thuốc không có nhà thầu nào tham dự: Cefuroxin 250mg, Ciprofloxacim 500mg, levofloxacim 500mg, Oxaliplatin 50mg, Paracetamol 1g, Piracetam 800mg và Paracetamol 325mg, 37,5mg.

Trao đổi với VietTimes, lãnh đạo Trung tâm cho biết, việc đấu thầu tập trung cho phép điều tiết thuốc giữa các bệnh viện trên cả nước, vừa giúp các bệnh viện chủ động được nguồn thuốc, mà các doanh nghiệp cũng không bị động. Giữa tháng 7/2022, khi có kết quả lựa chọn, các nhà thầu sẽ cung ứng thuốc cho các bệnh viện công, góp phần giải quyết tình trạng thiếu thuốc cho bệnh nhân BHYT đang diễn ra ở nhiều bệnh viện.

Trước khi mở thầu lần này, Trung tâm đã có 7 lần hoãn đóng, mở thầu đợt 2022-2023.

Trả lời câu hỏi của VietTimes liệu có phải chính sự hoãn đi hoãn lại đó đã dẫn đến việc các bệnh viện thiếu thuốc trầm trọng như thời gian qua hay không? Một lãnh đạo Trung tâm cho biết việc đó không ảnh hưởng, vì tháng 11/2021, khi đang làm thủ tục mời thầu, Trung tâm đã có công văn khẩn số 580/TTMS - NVD hướng dẫn các đơn vị chủ động mua sắm các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và thuộc danh mục áp dụng hình thức đàm phán giá. Theo công văn, các đơn vị thực hiện theo điều 18 của Thông tư 15/2019 là chủ động mua thuốc đối với danh mục quốc gia với thời gian sử dụng thuốc không quá 12 tháng. Do đó, tính từ tháng 11/2021 đến tháng 11/2022 mới hết thời gian mua, nên việc hoãn thầu quốc gia không gây ảnh hưởng.

"Điều quan trọng để không thiếu thuốc chữa bệnh, là các bệnh viện phải chủ động mua sắm theo hướng dẫn đã có. Bởi Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia chỉ mua sắm tập trung khoảng 200 thuốc trong khi trên thực tế các bệnh viện công sử dụng khoảng 10.000 thuốc các loại," – Vị lãnh đạo của Trung tâm lưu ý.