Thanh tra TP.HCM kết luận gì về các thương vụ Phong Phú – Sagri?

VietTimes -- Thanh tra TP. Hồ Chí Minh mới đây đã có kết luận về hàng loạt sai phạm của Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), nổi bật trong đó là hàng loạt thương vụ “hợp tác” cùng Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú (Mã: PPH).
Trụ sở Sagri.
Trụ sở Sagri.

Thanh tra TPHCM kết luận: vào năm 2017, Sagri đã chuyển nhương trái phép 3,75ha dự án Khu nhà ở Phước Long B (Quận 9, TP.HCM) cho Tổng công ty Phong Phú (Mã: PPH) với mức giá 168 tỷ đồng – tương đương với 10,5 triệu/m2. Một mức giá quá thấp so với giá thị trường thời điểm năm 2017.

Trước đó, Sagri đã bắt tay liên kết với Phong Phú với tỉ lệ vốn góp 28% và Phong Phú 72% để khai thác dự án Khu nhà ở Phước Long B. Kết luận thanh tra cho thấy, công ty này sau đó đã chuyển nhượng 28% vốn góp cho Phong Phú – dưới hình thức chuyển nhượng đất đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật.

Cũng trên dự án này, từ hồi 2002, Phong Phú đã tiến hành huy động vốn (chủ yếu qua phân lô bán nền) với mức giá lớn hơn 10 triệu/m2 rất nhiều. Tới nay Phong Phú đã ký kết 77 hợp đồng vay vốn, đặt cọc mua nhà liên kế. Trong khi đó dự án 3,75 ha khu nhà ở Phước Long B (Quận 9) vẫn chưa được lập, phê duyệt, hoàn tất cơ sở hạ tầng.

Điều đáng nói, trong năm 2017, Sagri cũng đã có một văn bản gửi đến Ủy ban nhân dân Tp. HCM và Sở Xây dựng trong đó cam kết chưa thực hiện huy động vốn từ khách hàng dưới mọi hình thức. Trước thực trạng này, Thanh tra TP.HCM đã xác định Sagri ủy quyền trái phép cho Phong Phú trong việc tìm kiếm đối tác góp vốn, khách hàng mua nhà ở tại dự án, vi phạm Luật Nhà ở.

Thanh tra TP.HCM cũng kết luận Sagri đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Phong Phú trong việc phân chia lợi nhuận, mà không đảm bảo quyền lợi của Sagri.

Cũng trong năm 2016, 2017, thời điểm Sagri chuyển nhượng đất cho Phong Phú, công ty này cũng bị thanh tra thành phố xác định đã chi lương cho người lao động vượt so với Quỹ lương được duyệt là 4.552 tỷ đồng.

Một thương vụ hợp tác khác của Sagri và Phong Phú cũng được nhắc đến trong bảng kết luận của Thanh tra TP.HCM. Theo đó, trong năm 2010, SAGRI đã tự ý thay đổi đối tác từ Công ty Hồng Lĩnh sang Phong Phú để khai thác dự án 89.4ha Cụm công nghiệp Láng Le – Bàu Cò mà không có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân (UBND) TPHCM.

Qua rà soát, hồ sơ dự án chưa thực hiện hạ tầng kỹ thuật, chỉ mới san lấp một phần diện tích khoảng 30ha/89.4ha, do đó chưa đủ điều kiện chuyển đổi chủ đầu tư theo Luật Đất đai.

Đáng nói thêm, khu đất trên được UBND TPHCM giao cho Sagri xây dựng từ năm 2004, tới nay vẫn chưa có khởi sắc gì trong việc khai thác, và đang bị  đánh giá là lãng phí.

Nhận xét về hoạt động kinh doanh của Sagri, Thanh tra TPHCM cho rằng trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2019, công ty này đã không đạt yêu cầu được giao. Cho thấy kết quả kinh doanh không ổn định, và không khai thác được lợi thế mà Tổng công ty được UBND TPHCM giao.

Trước hàng loạt sai phạm của Sagri, Thanh tra TPHCM đã kiến nghị các biện pháp xử lý mạnh mẽ. Theo đó, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng Dự án Khu nhà ở cho Phong Phú nhằm gây thiệt hại cho doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước này.

Tiếp theo đó là những kiến nghị liên quan đến việc siết chặt các dự án Sagri đang chịu trách nhiệm, kiểm tra các hoạt động liên doanh liên kết, đồng thời kiểm tra và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến các sai phạm kể trên.

Tiền thân của Tổng Công ty CP Phong Phú là Nhà máy dệt Sicovina xây dựng ngày 14/10/1964 và chính thức đi vào hoạt động năm 1966. Đến ngày 30/04/1975, Nhà máy được đổi tên thành Nhà máy Dệt Phong Phú.

Cho đến tháng 1 năm 2007, Nhà máy Dệt Phong Phú đã thực hiện tái cấu trúc trở thành Tổng công ty Phong Phú và tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp.

Hiện tại, cổ đông lớn nhất của Tổng Công ty CP Phong Phú là Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nắm giữ 50,1% vốn cổ phần.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tập đoàn Dệt may Việt Nam ông Trần Quang Nghị cũng chính là Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty CP Phong Phú. Một thành viên của HĐQT khác là ông Phạm Xuân Trình cũng cùng vợ cũng nắm giữ khoảng 3,63% vốn cổ phần.

Theo cáo Báo cáo tài chính của Phong Phú trong quý 3 năm 2019, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 5.427 tỷ đồng. Cũng theo Báo cáo tài chính của Phong Phú, 9 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp này đạt lợi nhuận sau thuế 187,8 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái là 183,6 tỷ đồng.

Hiện tại doanh nghiệp này đang hoạt động chính trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực dệt may. Bên cạnh đó, cũng có hoạt động liên doanh, liên kết đầu tư vào các dự án bất động sản./.