Quy mô trái phiếu riêng lẻ vượt 780.000 tỷ, Bộ Tài chính đang tổ chức các đợt thanh tra doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trái phiếu phát hành riêng lẻ năm 2021 đến giữa tháng 5/2022 đã vượt 780.000 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; và sẽ phối hợp với NHNN trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin cho Bộ Công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.
Bộ Tài chính đang tổ chức các đợt thanh tra doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ
Bộ Tài chính đang tổ chức các đợt thanh tra doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ

Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 605.900 tỷ đồng, chiếm 13,8%GDP

Bộ Tài chính vừa phát đi những thông tin quan trọng về tình hình thị trường trái phiếu.

Theo báo cáo, sau hơn 1 năm triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), thị trường tiếp tục tăng trưởng nhanh. Tổng khối lượng TPDN phát hành năm 2021 đạt trên 637.000 tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2020, chủ yếu là TPDN phát hành riêng lẻ đạt 605.900 tỷ đồng, tổng khối lượng TPDN chào bán ra công chúng trong năm 2021 đạt 31.138 tỷ đồng. Quy mô thị trường TPDN đến cuối năm 2021 tương đương 15%GDP , bằng 12,06% quy mô dư nợ tín dụng ngân hàng, trong đó quy mô thị trường TPDN riêng lẻ đạt 13,8%GDP.

Trong quý 1/2022, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ đạt 136.500 tỷ đồng. Khối lượng phát hành TPDN tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022, trước thời điểm Thông tư số 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực, tháng 2, tháng 3, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ giảm dần. Trong tháng 4, sau khi có những thông tin về vụ việc của Tân Hoàng Minh, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ sụt giảm mạnh và ở mức khoảng 30.000 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 2 tuần đầu tháng 5, khối lượng phát hành đạt 10.500 tỷ đồng.

Như vậy, tính từ năm 2021 đến giữa tháng 5/2022, trái phiếu phát hành riêng lẻ đã vượt 780.000 tỷ đồng.

Tổ chức tín dụng phát hành lớn nhất, chiếm 36,2%; tiếp đến là các doanh nghiệp bất động sản chiếm 33,1% tổng khối lượng phát hành trong năm 2021. Trong quý 1, cơ cấu doanh nghiệp phát hành có sự thay đổi với 70% khối lượng trái phiếu phát hành là của các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng; các ngân hàng thương mại chiếm 4,85%.

"Thị trường TPDN tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro khi xuất hiện các trường hợp doanh nghiệp có mục đích phát hành chưa minh bạch, lòng vòng trong việc sử dụng vốn, khối lượng phát hành lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, tài sản bảo đảm chưa được định giá, đăng ký giao dịch bảo đảm. Bên cạnh đó, một bộ phận nhà đầu tư cá nhân không tuân thủ quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN phát hành riêng lẻ thông qua dịch vụ do một số công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại chào mời. Một số tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chưa đảm bảo chất lượng, thông tin cung cấp cho nhà đầu tư còn thiếu minh bạch, chưa có đại diện người sở hữu trái phiếu", Bộ Tài chính nêu.

Tháng 4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ về TPDN phát hành riêng lẻ; trong đó yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp lý có vướng mắc, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ trên thị trường, trước mắt yêu cầu các doanh nghiệp phát hành và tổ chức tư vấn chào bán rà soát kỹ các điều kiện, hồ sơ phát hành trước khi tổ chức phát hành trái phiếu.

Theo Bộ Tài chính, thực trạng thị trường xuất hiện những rủi ro từ các hành vi gian lận đã đặt ra yêu cầu cần phải rà soát, sửa đổi pháp lý theo hướng chặt chẽ, tăng cường cơ chế quản lý để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới phát sinh.

Đề xuất sửa đổi Luật Chứng khoán, Doanh nghiệp chặt chẽ hơn với TPDN

Theo đó, Bộ Tài chính đã đang rà soát để báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi một số quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, trong đó làm rõ về (i) các điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ và kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ có thẩm quyền hướng dẫn chung đối với cả công ty đại chúng và công ty không đại chúng để có căn cứ thống nhất phát triển thị trường này; (ii) quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và các nội dung có liên quan để thị trường phát triển bền vững hơn.

Trước mắt, khi chưa sửa quy định tại Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 153 theo hướng (i) nâng cao chất lượng trái phiếu phát hành (ii) hướng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào các sản phẩm trái phiếu có chất lượng cao hơn, (iii) đưa trái phiếu vào đăng ký lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và giao dịch tập trung tại Sở GDCK để tăng tính minh bạch trên thị trường thứ cấp, (iv) nâng cao điều kiện đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ và bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của các tổ chức có chức năng giám sát trên thị trường.

"Bộ Tài chính đang tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, siết chặt quản lý giám sát thị trường TPDN cung như các dịch vụ như kiểm toán độc lập, thẩm định giá. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; và sẽ phối hợp với NHNN trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin cho Bộ Công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý giám sát, thanh, kiểm tra các hoạt động liên quan đến phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ để phát hiện và xử lý nghiệm các hành vi vi phạm, tăng cường tính minh bạch của thị trường để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho doanh nghiệp.

Nhà đầu tư nên làm gì?

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2017, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu phát triển nhanh với sự gia tăng của cả khối lượng phát hành và số lượng doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu. Giai đoạn vừa qua, NHNN cũng triển khai việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Việc các ngân hàng thực hiện giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng tác động đến các doanh nghiệp phải tìm kiếm các kênh huy động vốn khác (vì đã chạm hạn mức vay tín dụng). Do đó TPDN là kênh huy động rất phù hợp của doanh nghiệp và thời gian gần đây các doanh nghiệp đã mở rộng kênh huy động này để huy động vốn trong xã hội.

Về phía nhà đầu tư, thị trường TPDN cung cấp thêm một công cụ, sản phẩm đầu tư mới ngoài các kênh đầu tư như gửi tiền ngân hàng, mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp. Đối với TPDN, nhà đầu tư còn có lợi thế về tính thanh khoản khi có thể bán lại trái phiếu trên thị trường thứ cấp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, NHNN điều hành thận trọng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ngân hàng. Lãi suất huy động tiền gửi thấp, trong khi lãi suất TPDN bình quân khoảng 9%, cá biệt có những trường hợp lãi suất cao hơn trên 10% đã hấp dẫn các nhà đầu tư. Đây là nguyên nhân TPDN hấp dẫn những cũng là những rủi ro phát sinh đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ/không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không tìm hiểu đầy đủ hồ sơ của doanh nghiệp phát hành và rủi ro của trái phiếu.

Trước thực trạng thị trường TPDN phát triển nóng và phát sinh nhiều rủi ro, thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục ban hành các khuyến nghị, cảnh báo rủi ro trên thị trường TPDN thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

"Đối với các nhà đầu tư cần phải hiểu biết mình là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào TPDN, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Gần đây, vụ việc 9 đợt phát hành TPDN của các công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có tác động đến nhiều nhà đầu tư cá nhân. Thực chất, các nhà đầu tư không mua trái phiếu do Tân Hoàng Minh phát hành mà mua trái phiếu của 3 công ty con của Tân Hoàng Minh thông qua hình thức hợp đồng cùng đầu tư trái phiếu, Tân Hoàng Minh không chuyển quyền sở hữu trái phiếu cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chứng khoán.

Nhà đầu tư trong sự việc nêu trên thực tế không nắm giữ các trái phiếu, không có bất kỳ quyền lợi nào của chủ sở hữu trái phiếu theo quy định của pháp luật. Theo đó, nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý quy định hiện hành chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ. Mọi hành vi gian lận để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi gian lận này.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Đối với các doanh nghiệp huy động TPDN, việc phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao vượt quá năng lực tài chính là rất rủi ro, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn thì doanh nghiệp sẽ không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo cam kết trái phiếu. Các doanh nghiệp phát hành cần lưu ý việc vi phạm quy định về công bố thông tin, sử dụng vốn sai mục đích đã công bố ngoài việc bị xử lý vi phạm theo quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ cần tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác cho nhà đầu tư, đảm bảo tư vấn để doanh nghiệp phát hành tuân thủ quy định của pháp luật; xác định đúng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu. Việc tổ chức cung cấp dịch vụ chào mời, phân phối TPDN cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc dùng các hình thức lách quy định của pháp luật cũng sẽ bị xử phạt nghiêm minh.

Theo Nhịp sống kinh tế