Tham vọng trí tuệ nhân tạo của công ty chứng khoán AIS

VietTimes – Để có một AIS đậm chất công nghệ như ngày nay, cần phải kể đến những đóng góp quan trọng cả về tài chính và quản trị điều hành từ nhóm cổ đông mới, tham gia tiếp nhận công ty từ gần 2 năm nay.
CTCP Chứng khoán AIS (Ảnh: AIS)
CTCP Chứng khoán AIS (Ảnh: AIS)

Nắm bắt xu thế của thời đại công nghệ, nhiều công ty chứng khoán đã đẩy mạnh đầu tư vào các giải pháp công nghệ trong tài chính (Fintech) và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mang tới những sản phẩm, dịch vụ đầu tư vượt trội cho khách hàng.

Với tầm nhìn trở thành công ty chứng khoán công nghệ số 1 Việt Nam, CTCP Chứng khoán AIS (AIS) là một trong số những công ty chứng khoán tiên phong trong xu hướng này. 

Chiến lược phát triển của AIS phần nào tiếp tục được khẳng định qua lời giới thiệu trên trang chủ, kể như:

“Được thành lập từ tháng 09/2007, AIS mang trong mình sứ mệnh trở thành một trong những công ty chứng khoán hàng đầu trong ứng dụng công nghệ FINTECH, để đem lại cho Khách hàng và Đối tác những trải nghiệm mới nhất về công nghệ số 4.0 trong đầu tư Chứng khoán.

Tọa lạc tại Tầng 10 Tòa nhà Horison, AIS tự hào sở hữu không gian làm việc chuyên nghiệp, hiện đại bậc nhất Việt Nam; cùng với Văn hóa doanh nghiệp hướng đến sự đoàn kết, sáng tạo, cởi mở và thân thiện, AIS thực sự là môi trường làm việc lý tưởng cho bất kỳ bạn trẻ nào".

Nhưng tìm hiểu của VietTimes lại cho thấy những nét thú vị và ít được để ý, đem đến những góc nhìn mới về công ty chứng khoán này. 

Để có một AIS đậm chất công nghệ, cần phải kể đến những đóng góp quan trọng cả về tài chính và quản trị điều hành từ nhóm cổ đông cá nhân kín tiếng mới “vào” chưa đầy 2 năm nhưng đã đưa ra loạt quyết sách giúp công ty chứng khoán này “lột xác”.

Nói là “lột xác”, bởi AIS tiền thân là CTCP Chứng khoán Đông Dương (DDS). Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nhiều năm, đến nỗi bị cơ quan quản lý đình chỉ hoạt động. Tính đến cuối năm 2018, DDS lỗ lũy kế hơn 50,5 tỷ đồng, bằng gần 1/3 so với quy mô vốn điều lệ.

Tình trạng thua lỗ kéo dài khiến DDS đứng trước nguy cơ bị “xóa tên”, đào thải khỏi thị trường mặc cho những nỗ lực tăng vốn nửa cuối năm 2018 của nhóm cổ đông sáng lập Phan Trường Sơn.

Tháng 12/2018, ông Phan Trường Sơn (cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐQT DDS) cùng với 2 cổ đông khác đã “dứt tình” với DDS khi chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần công ty chứng khoán này cho nhóm 11 nhà đầu tư cá nhân mới.

Sau khi đổi chủ, ngày 28/12/2018, DDS tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua loạt phương hướng kinh doanh mới. Cùng ngày, bà Nguyễn Ngô Thị Thu Phương được bầu thay thế ông Phan Trường Sơn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT DDS.

Trong năm 2018, công ty đã thực hiện xóa nợ tất cả các khoản phải thu, công nợ tạm ứng đã lâu, không thu hồi được đã được trích lập dự phòng từ các năm trước. Đồng thời, DDS cũng chấp nhận chịu lỗ hơn 4,8 tỷ đồng để thanh lý toàn bộ tài sản cố định, chi phí đầu tư mua sắm/lắp đặt phần mềm giao dịch, phần mềm kế toán trước đây.

Không chỉ cắt bớt các tài sản kém hiệu quả, năm 2019, DDS (sau khi đổi tên thành AIS) còn được tăng vốn lên gấp 5,5 lần, từ 155 tỷ đồng lên mức 855 tỷ đồng thông qua việc phát hành 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông hiện hữu, bao gồm: 20 triệu cổ phiếu phổ thông và 50 triệu cổ phiếu ưu đãi, với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.

AIS cho thấy những tín hiệu khởi sắc khi ghi nhận doanh thu hoạt động ở mức 26,7 tỷ đồng (gấp 7,4 lần so với năm 2018); lợi nhuận sau thuế đạt 11,5 tỷ đồng (gấp 4,1 lần so với năm 2018).

Bên cạnh đó, AIS cũng dần mở lại nhiều hoạt động kinh doanh sau khi được Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp giấy chứng nhận thành viên lưu ký; Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận tư cách thành viên giao dịch của Sở; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận bổ sung nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán./.