Tham vọng công nghệ Trung Quốc gặp khó vì quan hệ với hãng Đài Loan lung lay

Trung Quốc cố trở thành nước lớn trong mảng chip máy tính và nhiều hãng Đài Loan đang giúp họ thực hiện tham vọng. Dù vậy, quyết định mới của Washington khiến nỗ lực của Bắc Kinh vấp phải nhiều khó khăn.
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Theo Reuters, vì bị cho "ra rìa" trong các giao dịch bán dẫn toàn cầu lớn những năm gần đây, Trung Quốc đã và đang lặng lẽ tăng hợp tác với nhiều hãng chip Đài Loan bằng cách khuyến khích chuyển giao chuyên môn làm chip vào Đại lục.

Tuần trước, hãng chip lớn xứ Đài là United Microelectronics Corp (UMC) tạm dừng nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển với đối tác Fujian Jinhua Integrated Circuit, vốn được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. UMC có động thái trên sau khi Washington quyết định cắt nguồn cung Mỹ cho công ty Đại lục.

Nhiều hãng Đài Loan như UMC đã và đang cung cấp cho Đại lục chuyên môn chip để đổi lấy khả năng tiếp cận thị trường phát triển nhanh. Trung Quốc đối mặt tình trạng thiếu chip vi mạch nhiều năm. Năm 2017, nước này nhập khẩu 270 tỉ USD giá trị chất bán dẫn, nhiều hơn cả nhập khẩu dầu thô.

Ít nhất 10 liên doanh hoặc quan hệ đối tác công nghệ giữa doanh nghiệp Trung và Đài đã được thiết lập trong vài năm qua, thu hút tài năng Đài Loan bằng lương cao và nhiều quyền lợi hào phóng. Randy Abrams, nhà phân tích tại ngân hàng Credit Suisse ở Đài Bắc, cho biết: ”Các doanh nghiệp như thế sẽ cần cẩn trọng để đảm bảo rằng không có sự vi phạm bằng sáng chế hay IP nào, vì Mỹ có công cụ kiểm soát xuất khẩu để hạn chế hỗ trợ một số công nghệ quan trọng”.

Đối tác củng cố dịch vụ đúc và sản xuất chip cho Trung Quốc là hai trong các quan hệ đối tác xuyên biển có giá trị nhất với nước này. Hai mảng trên cần nhiều sự hậu thuẫn từ giới doanh nghiệp ngoại vì nó đòi hỏi công nghệ sản xuất phức tạp cùng vốn cao.

Song việc chuyển giao công nghệ giữa Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan làm dấy lên lo ngại trong bối cảnh căng thẳng thương mại và căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Trung Quốc đã và đang tích cực dùng ”trợ cấp bóp méo thị trường” và ”buộc chuyển giao công nghệ” để nắm bắt các ngành công nghiệp công nghệ truyền thống và mới nổi, quan chức Mỹ Brent Christensen tại Đài Bắc cho hay.

”Những động thái trên làm tổn hại kinh tế Mỹ, kinh tế Đài Loan và nhiều nền kinh tế khác”, ông Christensen nói. Đài Loan là một trong những nơi xuất khẩu vi mạch nhiều nhất tên thế giới. Nhiều người lo rằng vùng lãnh thổ này sẽ mất động cơ kinh tế quan trọng vì nhiều yếu tố chính trị bất lợi.

Quan hệ giữa UMC và Fujian Jinhua bị để ý từ tháng trước, khi chính phủ Mỹ đưa doanh nghiệp Đại lục vào danh sách các thực thể không thể mua linh kiện, phần mềm và hàng hóa công nghệ từ các công ty Mỹ vì cáo buộc Fujian Jinhua đánh cắp tài sản trí tuệ từ hãng Mỹ Micron Technology. Fujian Jinhua phủ nhận cáo buộc. Fujian Jinhua giờ đối mặt nhiều thách thức để đạt sản lượng thương mại cao như kỳ vọng vào năm 2020, giới phân tích nhận định.

Tuần trước, cả UMC lẫn Fujian Jinhua đều bị buộc tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ Micron theo cáo trạng từ Bộ Tư pháp Mỹ. Nhà phân tích Mark Li của hãng Bernstein cho rằng giới công nghệ Đài Loan cần cẩn thận đánh giá lại vị trí của họ, sắp xếp lại chuỗi cung ứng khi căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế leo thang.

Dù Trung Quốc cần ít nhất sáu năm để bắt kịp mảng sản xuất chip, quy mô khả năng làm chip của nước này vẫn bị xem là mối đe dọa trong nhiều mảng khác của chuỗi cung ứng chip. Đơn cử là trường hợp của Nexchip, liên doanh giữa thành phố Hợp Phì và nhà sản xuất DRAM Đài Loan Powerchip.

Nexchip sản xuất 8.000 wafer (vật liệu mỏng, thường gồm silicon và được dùng để chế tạo chip bán dẫn) mỗi tháng, có mục tiêu chính là sản xuất vi mạch điều khiển hiển thị tinh thể lỏng cho các nhà sản xuất màn hình phẳng. Bằng tài nguyên từ Powerchip và nhân tài Đài Loan, vốn chiếm 1/4 trong tổng số 1.200 nhân viên hãng, Nexchip giúp Trung Quốc giảm phục thuộc vào các nhà sản xuất chip ngoại.

Hiện Nexchip có tham vọng trở thành ”hãng sản xuất chip cho trình điều khiển màn hình số một thế giới”. Hãng đặt mục tiêu xây dựng thêm ba nhà máy sản xuất wafer 12 inche, tăng sản xuất lên mức 20.000 wafer đến năm 2019. Nhà máy của Nexchip có thể làm tăng nhu cầu đầu tư vào thị trường Trung Quốc của các hãng Đài Loan, đặt ra bài toán về chính sách công nghiệp cho chính quyền vùng lãnh thổ.

Theo Thanh Niên

https://thanhnien.vn/cong-nghe/tham-vong-cong-nghe-trung-quoc-gap-kho-vi-quan-he-voi-hang-dai-loan-lung-lay-1021008.html