Thẩm phán sử dụng ChatGPT để phán quyết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mới đây, một thẩm phán người Colombia đã sử dụng ChatGPT để hỗ trợ những phát quyết của mình trong vụ kiện.
Ảnh: Gizmodo
Ảnh: Gizmodo

Một thẩm phán ở Colombia gây xôn xao khi tuyên bố rằng ông đã sử dụng chatbot ChatGPT để chuẩn bị cho phán quyết trong một vụ kiện về quyền y tế của trẻ em.

Thẩm phán Juan Manuel Padilla cho biết ông đã sử dụng bot tạo văn bản trong phiên tòa một người dân kiện công ty bảo hiểm vì từ chối thanh toán chi phí điều trị y tế, trị liệu và di chuyển cho cậu con trai mắc chứng tự kỷ.

Padilla nói với Blu Radio hôm thứ Ba rằng ChatGPT và các chương trình tương tự khác có thể hữu ích để "tạo điều kiện thuận lợi cho việc soạn thảo văn bản" nhưng "không nhằm mục đích thay thế" các thẩm phán.

Được biết, ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo và hàng loạt dữ liệu từ internet để tạo câu trả lời cho các câu hỏi do người dùng đặt ra.

Theo đó, Garcia đã hỏi ChatGPT: "Trẻ vị thành niên mắc chứng tự kỷ có được miễn phí chi phí điều trị không? Trước đó có tòa án nào đưa ra phán quyết tương tự chưa?". Siêu bot đáp: "Có, theo quy định ở Colombia, trẻ vị thành niên được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ được chi trả miễn phí các liệu pháp điều trị".

Thẩm phán cho rằng ChatGPT có thể hoạt động như một thư ký "theo cách có tổ chức, đơn giản và có cấu trúc" để có thể "cải thiện thời gian phản hồi" trong hệ thống tư pháp.

Giáo sư Juan David Gutierrez của Đại học Rosario là một trong số những người bày tỏ sự hoài nghi trước sự thừa nhận của thẩm phán.

Gutierrez, một chuyên gia về quy định và quản trị trí tuệ nhân tạo, cho biết ông đã đặt những câu hỏi giống nhau cho ChatGPT và nhận được những kết quả khác nhau. Thậm chí, nhiều câu trả lời thường có xu hướng phân biệt chủng tộc, giới tính và làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội.

Ngay cả OpenAI, công ty tạo ra ChatGPT, cũng thừa nhận công cụ này vẫn có những hạn chế đáng kể và không nên dùng để đưa ra những quyết định mang tính hệ quả.

Được tạo bởi công ty OpenAI có trụ sở tại California, ChatGPT đã gây bão trên toàn thế giới kể từ khi ra mắt vào tháng 11, với khả năng viết các bài luận, bài báo, bài thơ và mã máy tính chỉ trong vài giây.

Theo CBS News