Thảm họa giúp kiến tạo một biểu tượng của Triều Tiên

VietTimes -- Triều Tiên đã thực hiện 6 vụ thử nghiệm hạt nhân, nhưng vụ nổ lớn nhất từng xảy ra trên bán đảo Triều Tiên lại ở thời điểm cách đây hơn 1.000 năm và giúp tạo nên vẻ đẹp bình lặng, giản dị của ngọn núi Paektu - một biểu tượng của đất nước này.
Paektu là ngọn núi thiêng liêng đối với người Triều Tiên, và nổi tiếng là có cảnh đẹp hút hồn (Ảnh: Getty)
Paektu là ngọn núi thiêng liêng đối với người Triều Tiên, và nổi tiếng là có cảnh đẹp hút hồn (Ảnh: Getty)

Ngọn núi lửa mà giờ trải dọc đường biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc từng có đợt phun trào vào năm 946 sau CN, phun trào ra dòng nham thạch dữ dội đến nỗi mà các nhà khoa học đánh giá là 1 trong 5 vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Lớn hơn cả đợt phun trào núi lửa Krakatoa năm 1883, núi Paektu đã phát ra một lượng vật chất đủ để chôn vùi khu đô thị lớn ở London (Anh) xuống độ sâu 60 m, và gây ra sự biến đổi khí hậu tạm thời trong toàn khu vực này. Lượng vật chất này phóng xa đến nỗi nó được tìm thấy trong các lõi băng ở Greenland, nằm ở mặt còn lại của thế giới.

Thảm họa trong quá khứ đã kiến tạo nên một vùng lòng chảo độc đáo, với những vách núi dựng đứng chạy dọc từ vành đai của lòng chảo tới tận bờ của hồ núi lửa Chonji - trong tiếng Anh có nghĩa là Hồ Thiên đường. Nước trong hồ là nước mưa và nước do băng tan chảy, là nguồn của 2 con sông hình thành nên đường biên giới, đó là con sông Tumen chạy dọc phía Đông Bắc và sông Amnok ở Tây Nam - phía Trung Quốc gọi là sông Yalu.

Cảnh đẹp tại núi Paektu được xem như một biểu tượng không thể thiếu của Triều Tiên và được lấy làm nền trong rất nhiều bức tranh chân dung của cố lãnh đạo Kim Il Sung và con trai ông là cố lãnh đạo Kim jong Il. Hình ảnh núi Paektu cũng được lấy làm nền cho các bức tượng của 2 nhà lãnh đạo này trên đồi Mansu ở Bình Nhưỡng.

Hình ảnh núi Paektu cũng được in lên các tờ bạc mệnh giá 2.000 và 1.000 won, và cũng là hình ảnh mà người ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu khi tới Triều Tiên - từ những bức tranh cổ động cho tới những chiếc xe buýt.

Ở độ cao 2.750 m, đỉnh ngọn núi lửa này còn được xem là nơi khởi nguồn của người dân Triều Tiên: Người cha sáng lập ra đất nước này được truyền tụng là sinh ra trên đỉnh núi Paektu, là con trai của một vị thần và một người phụ nữ chuyển hóa từ gấu. Bởi vậy mà tầm quan trọng của ngọn núi này còn vượt qua cả khu phi quân sự (DMZ) vốn chia tách hai miền Triều Tiên.

Nó được nhắc tới cả trong quốc ca của Triều Tiên và Hàn Quốc. Cách đây 1 năm, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un còn mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới thăm núi Paektu nhân một Hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Bình Nhưỡng.

Lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Môn Jae-in trong chuyến thăm núi Paektu hồi năm ngoái (Ảnh: AP)
Lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Môn Jae-in trong chuyến thăm núi Paektu hồi năm ngoái (Ảnh: AP)

Không ai biết được thảm họa năm 946 đã khiến bao nhiêu người thiệt mạng, nhưng ở thời điểm hiện tại ngọn núi lửa Paektu thường được mô tả là đang "ngủ yên" thay vì ngừng hoạt động.

Trong khoảng đầu những năm 2000, hàng trăm trận động đất nhỏ đã làm rung chuyển ngọn núi này. Lượng magma dâng cao qua các tầng đá bên trong đã đẩy phần bề mặt nhô ra, khiến núi Paektu thay hình đổi dạng.

"Gần đây có nhiều dấu hiệu cho thấy sự biến động. Có nhiều dấu hiệu hoạt động trở lại" - James Hammond, thuộc ĐH Birbeck, một trong những nhà khoa học phương Tây nghiên cứu về ngọn núi Paektu, nói - "Là một nhà địa chất học, chúng tôi phải theo dõi nhiều ngọn núi"

Ông Hammond cho rằng, các cuộc nghiên cứu và phân tích đã chỉ ra rằng có magma bên trong lòng ngọn núi lửa Paektu. "Ngọn núi này hiện đang có khả năng phun trào một lần nữa" - vị chuyên gia nói.

Được biết, quá trình nghiên cứu núi Paektu của ông - phối hợp với các nhà khoa học Triều Tiên - đã gặp không ít khó khăn do tình trạng cô lập của Bình Nhưỡng và các lệnh trừng phạt mà nước này đang phải gánh chịu. Ông không thể có được các trang thiết bị cần thiết để đo đạc các hoạt động trong lòng núi lửa, bởi vậy mà phải mượn thêm các dụng cụ dân sự và trang thiết bị quân sự để thực hiện nghiên cứu.

Một số nhà bình luận còn nêu lên mối quan ngại rằng các vụ nổ do thử nghiệm hạt nhân tại bãi thử Punggye-ri, cách núi Paektu 100 km, có thể khiến ngọn núi này phun trào trở lại. Tuy nhiên, các chuyên gia của chuyên trang 38North chuyên theo dõi các vấn đề Triều Tiên lại bác bỏ khả năng này.

Còn theo giới chức địa phương, ngọn núi giờ vẫn đang "ngủ yên".

"Nó đã từng phun trào rất, rất nhiều lần trong hàng nghìn năm qua, hàng chục nghìn và hàng trăm nghìn năm" - ông Hammond nói - "Chúng ta cần phải nắm được tần suất đó. Hiện tại chúng ta còn chưa nắm được thông tin trên, nên không thể dự báo được lúc nào nó sẽ lại phun trào".

Theo Yahoo News