Thái Nguyên: Xử lý cấp bách đập chính Hồ Núi Cốc bị thấm

VietTimes -- Trước tình trạng khẩn cấp đập chính Hồ Núi Cốc bị thấm có nguy cơ gây mất an toàn đập, ngày 19/6, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị để bàn giải pháp thực hiện Dự án xử lý cấp bách đập chính Hồ Núi Cốc.
Nếu xảy ra sự cố vỡ đập chính Hồ Núi Cốc hậu quả sẽ khôn lường - Ảnh: Google Map
Nếu xảy ra sự cố vỡ đập chính Hồ Núi Cốc hậu quả sẽ khôn lường - Ảnh: Google Map

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi, các chuyên gia về lĩnh vực thủy lợi cùng đại diện một số sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan. Ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Hội nghị - Ảnh: Báo Thái NguyênHội nghị bàn giải pháp thực hiện Dự án xử lý cấp bách đập chính Hồ Núi Cốc - Ảnh: Báo Thái Nguyên

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cho thấy: “Đập chính có hiện tượng thấm nước ở vai đập, phía bờ hữu cao trình +45,00m đến +46,00m; một số vị trí thấm ở khu vực giữa mái hạ lưu đập chính.

Tại cao trình từ +42,00 m đến +44,00 m bờ tả có hiện tượng nước thấm nhiều; rãnh thoát nước hạ lưu của đập tại cơ +32,00m và +42,00m bị gãy đổ chiều dài 200m làm tụt tấm lát mái và rãnh thoát nước chân mái hạ lưu bị đổ dài khoảng 8 m; mái lát thượng lưu có một số vị trí bị lún sụt hư hỏng cục bộ”

Theo các chuyên gia, nếu xảy ra sự cố vỡ đập chính tại Hồ Núi Cốc hậu quả sẽ rất khôn lường đối với vùng hạ lưu là Thành phố Thái Nguyên, Thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên, huyện Phú Bình và một phần của tỉnh Bắc Giang.

Được biết, Dự án xử lý cấp bách đập chính Hồ Núi Cốc do Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi là Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam. Mục tiêu của Dự án nhằm khôi phục, đảm bảo an toàn cho toàn bộ công trình thủy lợi Hồ Núi Cốc và nhân dân vùng hạ du.

Dự án có  tổng mức đầu tư trong giai đoạn xử lý cấp bách dự kiến là 47,67 tỷ đồng, chủ đầu tư sẽ thực hiện các nội dung chính như: Khoan phụt tạo màng chống thấm toàn bộ thân đập; làm lại hệ thống tiêu thoát nước thân đập; sửa chữa hệ thống tiêu thoát nước mặt mái hạ lưu đập; sửa chữa mái hạ lưu những vị trí bị hư hỏng; khôi phục thiết bị quan trắc thấm và lắp đặt thiết bị đo mưa.

Trước đó, ngày 16/6, UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định về việc “công bố tình trạng khẩn cấp đập chính Hồ Núi Cốc bị thấm có nguy cơ gây mất an toàn đập”.

UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành cảnh báo và đặt biển báo khu vực đang có sự cố thấm thân đập; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến thấm và tiến độ khắc phục khẩn cấp về tỉnh. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên (đơn vị trực tiếp quản lý Hồ Núi Cốc) khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân, có giải pháp khắc phục ngay, đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến mưa lũ và các thông tin cảnh báo để chủ động tham mưu các biện pháp xử lý khi có tình huống xấu xảy ra. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với các địa phương vùng hạ lưu thông báo rộng rãi tình trạng khẩn cấp này. Các địa phương, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền để người dân biết, chủ động phòng tránh.

UBND tỉnh Thái Nguyên cũng giao Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên làm chủ đầu tư triển khai biện pháp khẩn cấp xử lý sự cố đập chính Hồ Núi Cốc. Thời gian thực hiện trong khoảng 45 ngày (xong trước ngày 20-8-2017 để kịp tích nước hồ phục vụ sản xuất, sinh hoạt theo quy định).

Ngày 18/6, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Công điện số 32/CĐ-BCH về việc đảm bảo an toàn đập, dân cư và cơ sở hạ tầng vùng hạ du công trình Hồ Núi Cốc.

Theo đó, Công điện yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lưu lượng đến, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa, diễn biến sự cố thấm qua hai vai đập và qua đập chính; chủ động thông tin, cảnh báo cho người dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở hạ du biết sự cố của hồ để chủ động các biện pháp phòng tránh, nghiêm cấm người dân, gia súc đi lại trên mái đập; chủ động xả nước hồ chứa để hạn chế phát triển của sự cố và ngập lụt vùng hạ du; khẩn trương hoàn thành phương án xử lý cấp bách đảm bảo an toàn hồ Núi Cốc; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai thực hiện đảm bảo an toàn công trình trong đợt mưa lũ này và mùa mưa lũ năm 2017 khi có yêu cầu.

Công điện cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân TP Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình khẩn trương rà soát, sẵn sàng triển khai phương án di dân, bảo vệ công trình đê điều, cơ sở hạ tầng vùng hạ du trong trường hợp xả lũ, nhất là xả lũ lớn hoặc vỡ đập, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, hệ thống đê điều, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.