Thái Lan mua trực thăng Nga, phối hợp phát triển thị trường Đông Nam Á

VietTimes -- Thái Lan sẽ mua thêm ít nhất 12 máy bay trực thăng Mi-17V-5 và vài chục xe tăng của Nga; đồng thời có kế hoạch mua tàu ngầm thông thường lớp Nguyên của Trung Quốc để bảo vệ "lãnh hải".
Máy bay trực thăng Mi-17V-5 của Nga. Ảnh: Sputnik
Máy bay trực thăng Mi-17V-5 của Nga. Ảnh: Sputnik

Mua trực thăng và xe tăng Nga

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 31 tháng 1 dẫn báo Anh cho hay Thái Lan và Nga ngày càng tiến gần đến một chương trình hợp tác công nghiệp quốc phòng. Nội dung cốt lõi của chương trình này là dự tính Lục quân hoàng gia Thái Lan sẽ tiếp tục mua nhiều máy bay trực thăng vận tải Mi-17V-5 của Nga.

Ngày 16 tháng 1, các quan chức quốc phòng đến từ Chính phủ Nga và Quân đội hoàng gia Thái Lan đã tiến hành hội đàm tại Băng Cốc, triển khai thảo luận về quan hệ công nghiệp quốc phòng hai nước. Hội nghị do tướng Surapong Suwana-adth, Tổng tư lệnh Quân đội hoàng gia Thái Lan và Kirill Barsky, Đại sứ Nga tại Thái Lan chủ trì.

Thái Lan hy vọng mua máy bay trực thăng Mi-17V-5 để thay thế biên đội máy bay trực thăng vận tải CH-47D Chinook.

Một tuyên bố cho biết, hội nghị này là một phần trong những nỗ lực thông qua thỏa thuận liên chính phủ để tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự. Một khi đạt được thỏa thuận cuối cùng thì thỏa thuận này sẽ giúp cho Thái Lan trở thành một đối tác hợp tác của một nhà máy liên doanh sản xuất và sửa chữa.

Động thái này sẽ tiến hành hỗ trợ cho máy bay trực thăng Mi-17V-5 và các thiết bị Nga tiềm năng khác ở Thái Lan. Nhà máy này cũng hứa hẹn có thể cung cấp cơ sở sửa chữa cho các nước Đông Nam Á khác sử dụng máy bay trực thăng Mi-17V-5.

Máy bay trực thăng Mi-17V-5 của Nga. Ảnh: Cankao
Máy bay trực thăng Mi-17V-5 của Nga. Ảnh: Cankao

Lục quân hoàng gia Thái Lan ít nhất muốn mua thêm 12 máy bay trực thăng Mi-17V-5 để thay thế biên đội máy bay trực thăng Boeing CH-47D Chinook đã cũ kỹ.

Lục quân hoàng gia Thái Lan đã nhận được 2 lô 5 chiếc máy bay trực thăng Mi-17V-5 đặt mua vào năm 2008 và năm 2014, đồng thời đã biên chế cho lực lượng vận tải Băng Cốc của Lục quân hoàng gia Thái Lan.

Ngoài ra, theo báo chí Thái Lan, Thái Lan muốn mua vài chục chiếc xe tăng T-90 của Nga để thay thế cho xe tăng mua của Mỹ trước đây. Ngoài ra, Thái Lan đang chuẩn bị ký kết với Nga một văn kiện hợp tác chống khủng bố.

Liên quan đến hợp tác Nga - Thái Lan, tờ Sputnik Nga ngày 19 tháng 1 còn dẫn lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Kirill Molodsov cho biết Thái Lan có ý định nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của Nga. Ba công ty dầu khí Nga đang tiến hành đàm phán với đối tác Thái Lan. Như vậy, ngoài vũ khí, Nga cũng đang tìm cách phát triển thị trường năng lượng ở Thái Lan và mở rộng ra Đông Nam Á.

Xe tăng T-90 Nga. Ảnh: Sina
Xe tăng T-90 Nga. Ảnh: Sina

Mua tàu ngầm Trung Quốc

Ngoài lựa chọn mua vũ khí Nga, ngày 24 tháng 1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon cho biết Quốc hội Thái Lan đã phê chuẩn cấp 13,5 tỷ bath trong ngân sách năm nay để mua chiếc tàu ngầm S-26T lớp Nguyên đầu tiên của Trung Quốc.

Theo tướng Prawit Wongsuwon, tiếp theo Bộ Tư lệnh Hải quân Thái Lan sẽ trình đề nghị mua sắm lên nội các. Thái Lan cần sở hữu biên đội tàu ngầm, trong tương lai sẽ còn tiếp tục mua sắm, vì chỉ có một chiếc tàu ngầm thì chẳng có ý nghĩa gì.

Ông Prawit Wongsuwon nhấn mạnh, lãnh hải Thái Lan có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là ở vùng biển Andaman. Thái Lan cần có khả năng bảo vệ tài nguyên và toàn vẹn chủ quyền.

Người phát ngôn của Hải quân hoàng gia Thái Lan cho biết kế hoạch mua sắm này còn bao gồm công tác đào tạo, vũ khí trang bị, công nghệ, sửa chữa bảo dưỡng có liên quan, thời gian thực hiện hợp đồng là 6 năm tới. Trong 6 năm tới, khoa học công nghệ tàu ngầm còn có khả năng tiếp tục phát triển, do đó phải bỏ ra thời gian 10 năm để đào tạo thủy thủ lái tàu ngầm.

Theo tờ Sputnik Nga, Hải quân hoàng gia Thái Lan từng sử dụng tàu ngầm Nhật Bản thu được sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, những tàu ngầm này đã nghỉ hưu vào đầu thập niên 1970.

Đầu thế kỷ 21, Hải quân hoàng gia Thái Lan tiếp tục đào tạo thủy thủ tàu ngầm và thành lập phân đội tàu ngầm. Nhưng, hiện nay, Thái Lan chỉ có Trung tâm huấn luyện, song lại không có một chiếc tàu ngầm nào.

Việc mua sắm tàu ngầm Trung Quốc cho thấy Thái Lan đang đa dạng hóa nguồn cung ứng vũ khí trang bị, cho dù Thái Lan là đồng minh thân cận ngoài NATO của Mỹ.

Tàu ngầm thông thường lớp Nguyên Type 039B của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina
Tàu ngầm thông thường lớp Nguyên Type 039B của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina