TGĐ Microsoft VN nêu 4 yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Doanh nghiệp đã triển khai công nghệ số có khả năng phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng COVID-19 và các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao đều hội tụ đủ 4 yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi số.
Ông Phạm Thế Trường - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam.
Ông Phạm Thế Trường - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam.

Ông Phạm Thế Trường - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam - nêu quan điểm trên tại hội thảo về chuyển đổi số “Business for better” cho các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam - diễn ra mới đây.

Theo ông Phạm Thế Trường, hàm lượng công nghệ chính là nhân tố quyết định chuyển đối số thành công.

Dẫn ra một nghiên cứu của Microsoft và IDC thực hiện tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trước và sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết, 74% lãnh đạo kinh doanh cho rằng đổi mới là điều bắt buộc và khả năng đổi mới đóng vai trò quan trọng đối với hiệu suất và khả năng chống chịu của doanh nghiệp.

Ông Phạm Thế Trường cho biết: “Những doanh nghiệp đã triển khai công nghệ số là những doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng. Và các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao là những doanh nghiệp hội tụ đủ 4 yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi số:

Thứ nhất, tầm nhìn và chiến lược: Nhiệm vụ của các doanh nghiệp không đơn thuần là làm thế nào để có thể trở lại trạng thái bình thường như trước, mà làm thế nào để kiên cường hơn trong một thế giới đã thay đổi. Tầm nhìn được thể hiện qua chiến lược. Doanh nghiệp cần suy nghĩ xa hơn những gì tổ chức nghĩ là có thể - đặc biệt trong thời điểm mà tốc độ và sự nhanh nhạy là thiết yếu để tồn tại.

Thứ hai, văn hóa: Văn hóa hỗ trợ chiến lược và tầm nhìn, cũng như kích hoạt và trao quyền cho nhân viên. Các tổ chức chuyển đổi số thành công khi toàn bộ nhân viên thống nhất và làm việc trên những giá trị và tầm nhìn mà họ được chia sẻ. Họ cần được tiếp cận với các ý tưởng, quy trình và công nghệ mới - đó là những gì cần thiết để xây dựng khả năng phục hồi.

Thứ ba, tiềm năng khác biệt: Doanh nghiệp nào khám phá được tiềm năng khác biệt của tổ chức sẽ đáp ứng và thích nghi với hoàn cảnh dễ dàng hơn. Mọi tổ chức đều có những tiềm năng nhưng điều quan trọng là tìm ra điểm khác biệt cụ thể - một điểm mấu chốt - có thể khiến doanh nghiệp khác biệt theo một cách hoàn toàn mới.

Thứ tư, năng lực: Đó là sự kết hợp giữa năng lực về con người và năng lực về công nghệ. Doanh nghiệp cần có nguồn lực nhân sự được trang bị kỹ năng phù hợp để thực hiện chuyển đổi. Họ cũng cần có những nền tảng công nghệ thích hợp và an toàn với khả năng trao quyền cho nhân viên tiếp cận từ xa và phát triển kinh doanh trong bất cứ hoàn cảnh nào.

“Chính sự kết hợp giữa con người và công nghệ bên trong một tổ chức sẽ tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp. Áp dụng công nghệ chỉ là bước đầu để một tổ chức chuyển đổi thành một doanh nghiệp số. Để thành công, doanh nghiệp cần có cả tầm nhìn, chiến lược, văn hóa tổ chức, và tiềm năng khác biệt.

Những doanh nghiệp hội tụ đủ 4 yếu tố này sẽ đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, và mô hình kinh doanh khác biệt trong thời đại mới” - ông Trường nói thêm.

Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết, 98% các doanh nghiệp tiên phong trong quá trình đổi mới đều tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường.

Thực tế cho thấy họ là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng. Các doanh nghiệp này có khả năng phản ứng nhanh trước khủng hoảng, họ có một nền tảng công nghệ vững chắc để phục hồi và họ đã bắt đầu xây dựng lại chiến lược phát triển cho tương lai. Khả năng phục hồi, cụ thể là khả năng thích ứng nhanh chóng với các điều kiện thay đổi, đã trở thành nhân tố quyết định cho sự thành công trong môi trường hiện nay.