Nối gót Alibaba, Tencent bị đặt dưới vòng kiểm soát từ Trung Quốc vì độc quyền. Ảnh: South China Morning Post.
Nối gót Alibaba, Tencent bị đặt dưới vòng kiểm soát từ Trung Quốc vì độc quyền. Ảnh: South China Morning Post.

E-magazine Tencent lọt tầm ngắm chống độc quyền với thị phần quá lớn trên thị trường phát nhạc trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tencent Music hiện thống trị thị trường âm nhạc trực tuyến (music streaming) tại Trung Quốc thông qua các ứng dụng tương tự Spotify.

Với mục tiêu kiềm chế quyền lực và ảnh hưởng của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, Bắc Kinh đã giáng đòn mạnh vào nền tảng thương mại điện tử Alibaba Group Holding với mức phạt kỷ lục 2,8 tỉ USD do vi phạm chống độc quyền. Sau đó là cuộc điều tra dịch vụ giao hàng khổng lồ Meituan.

Các công ty công nghệ lớn khác sớm muộn cũng ​​sẽ chịu sự giám sát chống độc quyền của chính phủ. Các cơ quan quản lý đã chuẩn bị đưa ra các hình phạt đối vớ Tencent khi dịch vụ phát nhạc trực tuyến đang trở thành tâm điểm trong cuộc điều tra tiếp theo của chính phủ.

Tencent lọt tầm ngắm vì độc quyền âm nhạc

Mới đây, Tencent Music Entertainment cũng xác nhận rằng họ đang phải đối mặt với sự giám sát gắt gao từ các cơ quan quản lý Trung Quốc. Tập đoàn cam kết "tích cực hợp tác" và tuân thủ tất cả các luật "bao gồm cả những luật liên quan đến chống độc quyền". Đây là lần đầu tiên tập đoàn Tencent bình luận công khai về vấn đề này.

Tập đoàn Tencent có trụ sở tại Thâm Quyến, điều hành công ty trò chơi điện tử lớn nhất thế giới Tencent Games và nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu của Trung Quốc WeChat (ứng dựng tương tự Facebook).

Tencent Music đang trong vòng tâm điểm của cuộc kiểm soát chống độc quyền.
Tencent Music đang trong vòng tâm điểm của cuộc kiểm soát chống độc quyền.

Tencent cũng kiểm soát hoạt động nhạc phát trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn Tencent Music Entertainment (TME) niêm yết tại New York, trong đó Spotify là cổ đông chính, điều hành các ứng dụng phổ biến như QQ Music, Kugou Music và Kuwo Music, với tổng cộng 622 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (MAU).

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của TME là NetEase Cloud Music, được vận hành bởi NetEase, có khoảng 150 triệu MAU trong cùng thời kỳ, theo ước tính của QuestMobile và Deutsche Bank.

Theo báo cáo của Reuters vào tháng trước, Tencent có thể phải đối mặt với hình phạt vì không báo cáo chính xác các vụ mua lại và đầu tư trong quá khứ để xem xét chống độc quyền, điều này có thể buộc hãng phải bán các ứng dụng Kugou và Kuwo.

Theo ông Liu Xu, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Luật Cạnh tranh và Sở hữu Trí tuệ tại Đại học Đồng Tế, cơ quan chống độc quyền có thể ra lệnh cho các công ty từ bỏ bản quyền âm nhạc và các tài sản khác, đồng thời tiến hành các biện pháp cần thiết để khôi phục tình trạng của công ty trước thời điểm họ thực hiện một vụ mua lại bị coi là vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc,

"Các công ty internet của Trung Quốc phát triển rầm rộ trong một môi trường tập trung vào sự sống còn của những người khỏe nhất, vì vậy họ thường thiếu ý thức tuân thủ. Điểm khởi đầu tốt nhất và đơn giản nhất cho một cuộc điều tra chống độc quyền là xem xét việc Tencent Music mua lại China Music Corp".

Năm 2016, Tencent đã mua phần lớn cổ phần của China Music Corp, nền tảng điều hành Kugou và Kuwo với một thỏa thuận trị giá 2,7 tỉ USD. Tencent đã tiến hành hợp nhất mảng kinh doanh QQ Music của mình với hai ứng dụng đó để tạo thành công ty phát trực tuyến âm nhạc khổng lồ TME, công ty này đã được niêm yết tại Mỹ vào năm 2018.

Vào thời điểm đó, thị phần nội địa kết hợp của ba ứng dụng phát nhạc trực tuyến là 71%, dẫn đầu là 33,7% của Kugou, theo công ty nghiên cứu thị trường Sootoo.

Ngoài việc tăng số lượng người dùng phát nhạc trực tuyến của Tencent, việc mua lại cũng giúp mở rộng thư viện âm nhạc của Tencent. Theo báo cáo của The Wall Street Journal, TME thậm chí còn đại diện cho hơn 60% bản quyền âm nhạc ở Trung Quốc.

Lý do chính khiến người tiêu dùng Trung Quốc đại lục đổ xô đến các ứng dụng của TME là do sự đa dạng của các bài hát. Công ty có hơn 30 triệu bản nhạc được cấp phép từ các hãng âm nhạc trong nước và quốc tế, chẳng hạn như Sony Music Entertainment, Universal Music Group, Warner Music Group, Emperor Entertainment Group và China Record Group Co.

Trong nhiều năm, Tencent đã trả những khoản phí khổng lồ để đạt được các thỏa thuận cấp phép độc quyền với các hãng thu âm lớn. Tuy nhiên, hoạt động mở rộng của TME đã mang lại cho công ty lợi thế lớn khi cấp phép các bài hát cho các nền tảng đối thủ ở Trung Quốc, bao gồm cả NetEase Cloud Music.

Điều này lại khiến những nền tảng phát nhạc trực tuyến nhỏ hơn bất bình, một số người trong số họ đã không thể sống sót trong cuộc chiến giành bản quyền âm nhạc tốn kém.

Ứng dụng phát nhạc trực tuyến thuộc sở hữu của Alibaba, Xiami, đã bị đóng cửa vào tháng 2 năm nay. Hãng thừa nhận rằng việc bỏ lỡ cơ hội đạt được các thỏa thuận bản quyền lớn đã dẫn đến sự sụp đổ của Xiami.

Xiami từng có một danh sách hơn 30 triệu bài hát - bao gồm các bài hát của Trung Quốc và Âu Mỹ - và hơn 40.000 nhạc sĩ đã đăng tác phẩm miễn phí như một cách để quảng bá tác phẩm.

Giám đốc điều hành NetEase cho biết: "Toàn ngành đã trả quá chi phí nội dung gấp hai lần, ba lần hoặc thậm chí nhiều hơn cho các công ty sở hữu bản quyền âm nhạc trong sự thiết lập không công bằng này."

Sau Alibaba và Meituan, Tencent có thể là đối tượng nộp phạt vì vi phạm chống độc quyền tiếp theo.
Sau Alibaba và Meituan, Tencent có thể là đối tượng nộp phạt vì vi phạm chống độc quyền tiếp theo.

Sự khác nhau giữa cuộc điều tra chống độc quyền giữa Tencent Music và Ant Group

Các nhà quản lý đã chú ý đến vị trí thống trị của Tencent trong thị trường âm nhạc trực tuyến nhiều năm trước khi Bắc Kinh kiểm soát Big Tech. Năm 2017, Cục Bản quyền Quốc gia Trung Quốc đã triệu tập các nhà khai thác dịch vụ phát trực tuyến nhạc, bao gồm Tencent, Alibaba và NetEase, đến một cuộc họp để thuyết phục họ làm việc cùng nhau và ngăn chặn cuộc chiến về các thỏa thuận cấp phép độc quyền.

Sự can thiệp đó đã đưa đến một thỏa thuận vào năm 2018 trong đó các nền tảng lớn sẽ chia sẻ tới 99% nội dung âm nhạc của họ, nhưng các chuyên gia cho biết 1% còn lại là điều quan trọng nhất vì nó bao gồm ca khúc của các nghệ sĩ nổi tiếng nhất.

Vào tháng 1/2019, Cơ quan quản lý thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR) đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với TME, tập trung vào các giao dịch của công ty với các hãng âm nhạc lớn nhất thế giới. Đầu năm 2020, cuộc điều tra đó đã bị đình chỉ. Lý do đình chỉ và liệu có bất kỳ hình phạt nào đối với công ty hay không vẫn chưa rõ ràng.

Với rất ít thông tin công khai về cuộc điều tra năm 2019, vẫn chưa rõ liệu các cơ quan chống độc quyền có tiếp tục điều tra TME hay không. Cuộc điều tra bị đình chỉ xảy ra cùng lúc với TME cấp phép các bản nhạc đến ByteDance, nhà điều hành ứng dụng chia sẻ video ngắn phổ biến TikTok.

Theo các chuyên gia pháp lý, quyết định tạm dừng cuộc điều tra của SAMR có thể dựa trên điều 45 của luật chống độc quyền của Trung Quốc, trong đó quy định rằng việc đình chỉ có thể xảy ra khi một công ty đã thực hiện các biện pháp để sửa chữa hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, hành động của cơ quan quản lý vào thời điểm đó hoàn toàn trái ngược với cách xử lý hiện tại của Bắc Kinh với nhóm Big Tech nước này.

Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc bất ngờ đình chỉ vụ niêm yết chứng khoán (IPO) kỷ lục trị giá 37 tỉ USD của Ant Group, công ty fintech thuộc Tập đoàn Alibaba với nền tảng tài chính Alipay. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích, quyết định đình chỉ IPO với Ant nhằm "bảo vệ sự ổn định của thị trường vốn và bảo vệ quyền cũng như lợi ích của nhà đầu tư".

Vào tháng 4 năm nay, Ant Group đã đồng ý đặt tất cả các hoạt động liên quan đến tài chính dưới sự giám sát của chính phủ Trung Quốc. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và các cơ quan quản lý tài chính khác đã yêu cầu Ant chấn chỉnh "hành vi cạnh tranh không phù hợp" xung quanh Alipay.

Bà Angela Zhang, giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông, cho biết: "Cách tiếp cận khác biệt rõ rệt trong hai trường hợp đó có thể được giải thích bởi sự thay đổi trong sáng kiến của Bắc Kinh."

"Trước thương vụ IPO thất bại của Ant Group, chính phủ Trung Quốc đã đặt trọng tâm vào việc áp dụng một cách thận trọng và khoan dung trong việc điều chỉnh Big Tech."

TME có thể thoát khỏi điều chỉnh có thể là do NetEase xin cấp phép các bài hát từ Universal Music Group lần đầu tiên vào tháng 8/2020. Công ty âm nhạc lớn nhất thế giới cho biết họ đã đồng ý cấp phép cho cả TME và NetEase Cloud Music.

Theo Yang Dong, giáo sư luật tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, TME tốt hơn hết vẫn nên từ bỏ mô hình bản quyền độc quyền của mình. Ông nói rằng cách tiếp cận đó "không chỉ cải thiện sự tuân thủ của Tencent mà còn cho phép các nhạc sĩ kiếm được nhiều tiền hơn thông qua việc cấp phép bản quyền".

Trong nửa đầu năm 2020, các ứng dụng của TME có 66,4% thị phần tải xuống nhạc kỹ thuật số, trong khi NetEase Cloud Music có 17,6%, theo số liệu từ BigData-Research.

Zhou Qian, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của HiFive, một công ty quản lý bản quyền âm nhạc, cho biết: "Mặc dù mô hình cấp phép độc quyền đã được chứng minh là không phù hợp với thị trường âm nhạc trực tuyến của Trung Quốc, cuộc chiến xin cấp phép âm nhạc của các nền tảng âm nhạc trực tuyến vẫn tăng nhiệt."

Mặc dù TME vẫn sẽ chịu mức độ rủi ro chống độc quyền nhất định nhưng công ty được kỳ vọng sẽ có lợi thế hơn các công ty khác.

Theo một báo cáo nghiên cứu từ Deutsche Bank, các hợp đồng cấp phép độc quyền của TME với ba hãng âm nhạc lớn đã hết hạn hoặc sẽ sớm hết hạn, điều đó có nghĩa là tất cả các nền tảng âm nhạc trực tuyến hiện có thể xin cấp phép trực tiếp từ các hãng này trong tương lai.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng các mối quan tâm về chống độc quyền của các cơ quan quản lý Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào các nền tảng dựa trên giao dịch, có liên quan sâu đến nền kinh tế vật chất và các doanh nghiệp ngoại tuyến.

Tuy nhiên, giáo sư Liu của Đại học Đồng Tế nói rằng sự thiếu minh bạch trong hệ thống thực thi pháp luật của Trung Quốc làm phức tạp thêm vấn đề.

"Việc thực thi luật chống độc quyền của Trung Quốc đã gặp phải một vấn đề lớn: nhiều cựu quan chức đã gia nhập các công ty internet, điều này có thể khiến việc điều tra trở nên khó khăn hơn. Họ có thể mách nước cho các công ty về tiến độ của các cuộc điều tra, bao gồm cả bằng chứng thu thập được và các hình phạt. Đây là một tình huống đã không được kiểm soát."

Ví dụ, tại TME, cựu giám đốc cục chống độc quyền của Bộ Thương mại, Xie Lin, hiện đang làm giám đốc chính sách và quy định của công ty. Cui Shufeng, cựu phó giám đốc bộ phận chống độc quyền, là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Cạnh tranh tại Viện Nghiên cứu Alibaba.

Theo SCMP