Tên miền tiếng Việt có dấu ít hiệu quả vì... chẳng ai mặn mà!

VietTimes -- Theo số liệu thống kê mới nhất, tỷ lệ website tên miền tiếng Việt (có dấu) đã đăng ký chỉ chiếm chưa tới 2%. Thực tế này đặt ra một vấn đề là phải đánh giá một cách thật sự nghiêm túc về hiệu quả của việc phát triển tên miền có dấu.  
Tên miền tiếng Việt chỉ chưa đến 2% có website. Ảnh: ICT News
Tên miền tiếng Việt chỉ chưa đến 2% có website. Ảnh: ICT News

Theo số liệu thống kê mới được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) công bố trong Báo cáo tài nguyên Internet năm 2017, tỷ lệ tên miền tiếng Việt có website hiện nay chỉ chiếm chưa đến 2% và có tới hơn 94% tên miền tiếng Việt không có website.

Báo cáo tài nguyên Internet năm nay cũng cho thấy, cùng với việc thay đổi biểu phí tên miền tiếng Việt, năm 2017 mô hình quản lý tên miền tiếng Việt đã được điều chỉnh. Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2017, theo quy định tại Thông tư 208 ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính, tên miền tiếng Việt chính thức được thu phí sử dụng với lệ phí đăng ký là 0 đồng, phí duy trì được quy định ở mức tối thiểu (20.000 đồng/năm) nhằm đảm bảo bù đắp chi phí quản lý, không nhằm mục đích thương mại. Mức phí các dịch vụ giá trị gia tăng khác liên quan đến tên miền tiếng Việt sẽ do Nhà đăng ký và khách hàng thỏa thuận theo cơ chế thị trường cạnh tranh.

Như vậy, có thể nói là khác với tên miền không dấu, tên miền có dấu tiếng Việt được ưu đãi rất lớn với những người đăng ký. Song tại sao người ta chỉ đăng ký đơn thuần mà dường như không làm website cho nó? Chắc chắn phải có nguyên nhân cụ thể của nó mặc dù theo một chuyên gia về sở hữu trí tuệ thì tên miền có dấu sẽ góp phần đỡ bớt các tranh chấp giữa các chủ sở hữu tên miền (không biết được hoado.com.vn là của Hoa Đỏ hay Hòa Đô).

Theo một chuyên gia về Internet, việc sử dụng tên miền tiếng Việt có khá nhiều bất tiện. Trước hết, việc gõ dấu tiếng Việt khi truy nhập tên miền là rất bất tiện so với tên miền không dấu. Thêm nữa là khác với tiếng Việt thông thường, tên miền tiếng Việt không thể thể hiện được khoảng trắng ở giữa các từ đa âm. Chính vì lý do đó, cả các chủ sở hữu tên miền tiếng Việt đều không mấy mặn mà với việc đưa vào sử dụng loại tên miền này. Về cơ bản, các chủ sở hữu đăng ký tên miền tiếng Việt chỉ vì phí đăng ký và duy trì rất rẻ, không đáng bao nhiêu tiền với họ nếu so với tên miền không dấu.

Còn với cộng đồng người sử dụng, việc truy cập tên miền không dấu đã trở thành quá quen thuộc với họ và nếu phải sử dụng tên miền có dấu thì xem ra cũng phức tạp hơn và đầy sự bất tiện. Vì thế, không ít người cho rằng, phát triển tên miền tiếng Việt có dấu là khó có hiệu quả. Song không vì thế mà chúng ta lại đánh mất đi niềm tự hào dân tộc trên Internet. Xem ra, có một giải pháp đành chấp nhận là giữa các từ đa âm nên chấp nhận bằng dấu gạch thấp (_). Khi đó, thay vì tranh chấp tên miền hoado.com.vn giữa Hoa Đỏ và Hòa Đô thì hai chủ sở hữu sẽ dùng tên miền hoa_đỏ.com.vn và hoà_đô.com.vn