Tên lửa vô đối của Nga "ra oai" với đạn thật

Binh lính thuộc Quân khu Miền Trung Nga vừa thực hiện màn diễn tập bắn đạn thật với tên lửa chiến thuật vô đối Iskander-M, Phó Chỉ huy quân khu – Đại tá Yaroslav Roschupkin hôm nay (29/7) cho biết.
Tên lửa vô đối của Nga "ra oai" với đạn thật

"Sau màn bắn đạn thật tại bãi tập Totsky,lực lượngbinh lính điều khiển tên lửa Iskander-M đã thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu vào các hệ thống tên lửa chiến thuật và các mục tiêu xa xôi khác nhằm xác định tiềm năng quân sự của kẻ thù giả định”, ông Roschupkin cho hay.

Một sư đoàn thuộc Quân khu Miền Trung Nga trước đó đã được báo động để tham gia một cuộc tập trận chớp nhoáng. Hơn 500 binh lính và 50 đơn vị vũ khí đã tham gia vào cuộc tập trận với tên lửa Iskander-M.

Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander được thiết kế để phá hủy các loại vũ khí, khí tài, trung tâm thông tin - chỉ huy, máy bay chiến đấu đỗ tại sân bay, các trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các mục tiêu trọng yếu khác của đối phương ở mọi thời điểm và trong mọi điều kiện khí hậu thời tiết.

Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo Iskander được khởi động từ những năm 1990. Đến năm 2004, các quan chức quốc phòng Nga mới lần đầu tiên tiết lộ về loại tên lửa này.

Do yêu cầu rất cao từ lúc thiết kế nên Iskander hội tụ những công nghệ đỉnh cao của Nga và cả thế giới trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, hệ thống dẫn đường, động cơ tên lửa và các biện pháp trốn tránh kẻ thù.

Iskander-M (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tối tân của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này bắt đầu được đưa vào biên chế của quân đội Nga từ năm 2006. Iskander hiện có 2 phiên bản chính là Iskander M (phiên bản cho quân đội Nga) và Iskander E (phiên bản để xuất khẩu), ngoài ra còn có phiên bản mới nhất Iskander K vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.

Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.

Tên lửa Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.

Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào. Hiện nay, tổ hợp tên lửa Iskander đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có các nước Trung Đông. Mỹ đang lo sợ các nước được coi là “kẻ thù bất trị” của họ sẽ có trong tay loại tên lửa tàng hình “vô đối” này.

Sức mạnh của Iskander đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia năm 2008. Khi đó, một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori, phá hủy một lúc 28 xe tăng.

Hồi năm 2011, Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev đã từng thông báo kế hoạch triển khai một loạt tổ hợp tên lửa Iskander ở khu vực Kaliningrad nhằm đối phó với mối đe dọa từ hệ thống lá chắn tên lửa mà Mỹ định dựng lên ở một số nước Đông Âu.

NATO và Mỹ khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa của họ chỉ nhằm để bảo vệ các nước thành viên NATO khỏi những cuộc tấn công tên lửa có thể xảy ra từ phía Triều Tiên và Iran. Tuy nhiên, Moscow không tin điều này. Moscow muốn Washington đảm bảo bằng văn bản pháp lý rằng hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu không nhằm vào Nga nhưng Washington từ chối yêu cầu này. Chính vì lẽ đó, Nga nhiều lần cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ.

Nga triển khai tên lửa mạnh nhất đến Kamchatka

Trong một diễn biến khác liên quan đến vấn đề triển khai sức mạnh quân sự, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương – ông Roman Martov hôm qua (28/7) cho biết, nước này đã triển khai các hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới S-400 (còn được NATO gọi là tên lửa SA-21 Growler) đến bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông Nga.

Hệ thống S-400 sẽ được triển khai đến vị trí chiến đấu ở gần các thành phố cảng của Petropavlovsk-Kamchatsky, Yelizovo và Vilyuchinsk. Petropavlovsk-Kamchatsky đang là căn cứ hải quân chính của Hạm đội Thái Bình Dương. Yelizovo là nơi có căn cứ không quân của Hạm đội và Vilyuchinsk là “nhà” của căn cứ tàu ngầm của Hạm đội.

Đội ngũ thuộc trung đoàn tên lửa sẽ sớm được đưa vào nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phát ngôn viên Martov cho hay. Hơn 200 binh lính của trung đoàn đã trải qua các cuộc huấn luyện và đào tạo lại.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.

Vân Linh theo VnMedia