Tên lửa vận tốc cao, thêm đầu đạn hạt nhân: Triều Tiên có thể đạt được gì nếu tiếp tục phát triển vũ khí mới?

VietTimes -- Nếu Triều Tiên nối lại các vụ phóng thử nghiệm tên lửa tầm xa cùng các loại vũ khí khác trong năm 2020, quân đội của họ có thể đạt được những bước tiến xa trong kỹ thuật quân sự và có thêm nhiều kinh nghiệm chiến đấu chứ không chỉ đơn thuần là một thông điệp chính trị mà họ gửi tới Mỹ.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một cơ sở chế tạo tên lửa Hwasong-15 (Ảnh: KCNA)
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một cơ sở chế tạo tên lửa Hwasong-15 (Ảnh: KCNA)

Trong tuần này, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố rằng thế giới sẽ sớm chứng kiến "vũ khí chiến lược mới" của đất nước ông, và rằng giờ đây Bình Nhưỡng không còn lý do gì để tiếp tục tuân thủ một bản ghi nhớ về việc ngừng các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Phát ngôn mới đây được xem là thông điệp mạnh mẽ nhất mà ông Kim từng đưa ra cho thấy Triều Tiên có thể sẽ nối lại các vụ thử lớn mà họ đã ngừng suốt 2 năm qua nhằm dọn đường cho hoạt động ngoại giao với Mỹ.

Sau nhiều năm phát triển, các chương trình vũ khí của Triều Tiên giờ đã đủ hiện đại để khiến các nhà quan sát khó dự đoán được họ sắp thử nghiệm thứ gì trong thời gian tới - theo Jeffrey Lewis, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Chống phổ biến hạt nhân James Martin (CNS), nhận định.

Giới chức quân đội Mỹ từng nói rằng họ xem một vụ phóng tên lửa tầm là điều có thể xảy ra nhất.

Các chuyên gia khác thì cho rằng Triều Tiên có thể phóng một vệ tinh, triển khai một tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới mà họ từng nói là đang phát triển, hoặc cho ra mắt các Xe mang phóng tự hành (TEL) để chở các tên lửa lớn nhất của họ.

"Bất cứ vụ thử nghiệm hay tập trận nào mà họ thực hiện đều không chỉ cho phép họ phát triển các loại vũ khí nhanh hơn, có tầm bắn xa hơn hay đáng tin cậy hơn; mà còn giúp các binh sĩ điều khiển các hệ thống này có thêm kinh nghiệm thực tế" - Grace Liu, chuyên gia nghiên cứu của CNS, nhận định.

Phát triển động cơ tên lửa

Ông Kim Jong-un trong lúc đưa ra chỉ đạo về chương trình phát triển hạt nhân trong chuyến thị sát ngày 3/9/2017 (Ảnh: KCNA)
Ông Kim Jong-un trong lúc đưa ra chỉ đạo về chương trình phát triển hạt nhân trong chuyến thị sát ngày 3/9/2017 (Ảnh: KCNA)

Trong tháng 12/2019, Triều Tiên tuyên bố đã thực hiện 2 vụ thử nghiệm quan trọng tại bãi phóng vệ tinh Sohae nhằm phát triển "vũ khí chiến lược khác" để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ.

Mặc dù hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên không nói chính xác về thứ được thử nghiệm hay vũ khí mới ở đây là gì, nhưng giới chức Washington và Seoul cho rằng rất có khả năng Triều Tiên đã thử nghiệm động cơ tên lửa, để trang bị cho ICBM.

"Họ có thể đang hướng tới phát triển các động cơ nhiên liệu lỏng tốt hơn hoặc cải tiến các động cơ đã cũ kỹ đã từng gặp vấn đề trong quá khứ" - Ankit Panda, chuyên gia nghiên cứu thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS), nhận định.

Giới phân tích cũng ngờ rằng Triều Tiên có thể đang phát triển các động cơ tên lửa nhiên liệu rắn (SRM) tốt hơn bởi loại động cơ này có nhiều ưu thế như dễ lưu trữ và vận chuyển. SRM cũng đóng vài trò quan trọng trong nỗ lực chế tạo tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Triều Tiên.

"Mọi tên lửa mà họ đã phóng thử nghiệm trong năm 2019 đã sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, và họ rõ ràng đang thuần thục hơn trong việc phát triển động cơ này" - ông Panda nói - "Có nhiều thách thức trong việc di chuyển SRM sử dụng cho ICBM, nhưng có lẽ Triều Tiên sẽ công bố một bước đột phá trên mặt trận này".

Đầu đạn hạt nhân và phương tiện tái nhập

Tên lửa Hwasong-15 trong một vụ thử nghiệm (Ảnh: KCNA)
Tên lửa Hwasong-15 trong một vụ thử nghiệm (Ảnh: KCNA)

Mỗi đầu đạn được phóng bởi một ICBM đều cần có một phương tiện tái nhập (Reentry Vehicle) bảo vệ nó khi di chuyển trên bầu khí quyển để đánh trúng mục tiêu. Sau vụ thử ICBM lớn nhất từ trước đến nay (Hwasong-15) trong tháng 11/2017, hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên nói rằng vụ thử đã cho thấy "độ an toàn của một đầu đạn trong môi trường tái nhập bầu khí quyển".

Giới chức quân đội Mỹ sau đó nói rằng Triều Tiên vẫn chưa đảm bảo được quá trình tái nhập khí quyển an toàn cho đầu đạn của họ, dù không đưa ra bằng chứng.

Trong khoảng thời gian Triều Tiên thực hiện các vụ thử ICBM trong năm 2017, các nhà khoa học của họ có thể đã thu được nhiều dữ liệu hữu ích về cách vận hành của các phương tiện tái nhập; theo ông Panda.

Chiêu bài cuối cùng mà Triều Tiên có thể tung ra có thể là một vụ thử đầu đạn hạt nhân trên bầu khí quyển, mặc dù nhiều nhà phân tích cho rằng điều này khó xảy ra bởi nó có thể khiến những nước đang ủng hộ Triều Tiên - như Nga và Trung Quốc - phẫn nộ.

Tuy nhiên, Triều Tiên được cho rằng đang tiếp tục phát triển nguyên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân, và giới chuyên gia nói rằng có khả năng Triều Tiên đang tích trữ thêm các đầu đạn cùng lúc chế tạo các đầu đạn có kích thước nhỏ hơn.

Ông Jeong Han-beom, chuyên gia phân tích thuộc ĐH Quốc phòng Quốc gia Hàn Quốc, tin rằng Triều Tiên có thể sử dụng các chương trình giả lập máy tính để phát triển các đầu đạn nhỏ hơn, nhẹ hơn mà không cần thực hiện các vụ thử hạt nhân mới.

Khả năng xuyên thùng các hàng phòng thủ

Một vụ thử tên lửa KN-15 mà Triều Tiên thực hiện (Ảnh: Getty)
Một vụ thử tên lửa KN-15 mà Triều Tiên thực hiện (Ảnh: Getty)

Trong năm 2019, Triều Tiên đã thực hiện một số vụ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn như KN-23 mà giới chuyên gia tin rằng được thiết kế nhằm xuyên thủng cá hệ thống phòng thủ một cách hữu hiệu hơn. Trong năm 2020, Triều Tiên có thể tìm cách phát triển các phương tiện tái nhập sử dụng cho các tên lửa cỡ lớn như Hwasong-15 - theo ông Panda.

"Lắp đặt thêm nhiều đầu đạn hạt nhân cho một tên lửa có thể giúp họ đảm bảo khả năng xuyên thủng hàng phòng không của Mỹ, và nếu họ lo ngại về độ tin cậy của các đầu đạn này, thì việc tăng số lượng đầu đạn ít nhất sẽ giúp tăng tỷ lệ đáp trúng mục tiêu của nó" - ông Panda nói thêm.

Triều Tiên thường tập trung vào việc tạo sự chú ý bằng cách công bố các loại vũ khí mới, thay vì chế tạo thêm các loại vũ khí mà họ sẵn có - theo Markus Schiller, chuyên gia tên lửa làm việc tại châu Âu, cho hay.

Ông Schiller tin rằng, công nghệ có thể giúp Triều Tiên đạt được mục đích như trên chính là công bố một thiết bị lướt siêu thanh (HGV), thứ mà giới chuyên gia định nghĩa là vũ khí có tốc độ di chuyển đạt trên Mach 5 (6.174 km/giờ) và có khả năng chuyển hướng trong toàn bộ quá trình bay.

"Có khả năng Triều Tiên sẽ cho ra mắt một mô hình thiết kế của HGV, hoặc phóng một tên lửa KN-23 lắp đặt trên một tên lửa lớn hơn, để chứng minh rằng họ đã phóng một HGV" - ông Schiller nói - "Theo cách đó, họ có thể tiết kiệm được nguồn lực hạn chế, và áp dụng chiến thuật như trong các năm trước".