Tên lửa “Pioneer” câu trả lời tương xứng cho Mỹ và NATO luôn sẵn sàng

VietTimes -- Thông báo ý định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF, Mỹ đã hoàn toàn quên điều gì buộc Washington cách đây 30 năm cố gắng thúc đẩy Moscow ký thỏa thuận này. Đề cập đến vũ khí hạt nhân tầm trung, các quan chức chiến lược NATO đã nghỉ hưu vẫn còn khiếp sợ.
Tên lửa đạn đạo tầm trung RSD-10 Pioneer. Ảnh: RG.
Tên lửa đạn đạo tầm trung RSD-10 Pioneer. Ảnh: RG.

Nỗi kinh hoàng của NATO, đó chính là tên lửa tầm trung RSD-10 "Pioneer". Tên lửa đặc biệt này có những tính năng kỹ chiến thuật mà cả phương Đông và phương Tây đều không có. Khi các tổ hợp tên lửa Pioneer nhận nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu năm 1976 tại Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) và một số quốc gia thuộc Khối hiệp ước Warsaw, các sĩ quan quân sự NATO lập tức gọi tên lửa này " bão táp châu Âu". Các hệ thống phòng thủ của Mỹ và phương Tây không có cách nào ngăn chặn được loại tên lửa này từ quan điểm kỹ chiến thuật. Chính vì vậy, sau 12 năm, bằng các thủ đoạn chính trị, Mỹ và các quốc gia phương Tây đã giành được chiến thắng, đơn giản là đạt được việc tiêu hủy loại tên lửa này. Nếu so sánh "Pershing" với Pioneer, tên lửa MGM-31 của Mỹ chỉ là một cậu bé.

Tên lửa đạn đạo tầm trung RSD-10 "Pioneer", định danh NATO là SS-20 Saber, tiếng Anh là thanh kiếm cong, còn theo tiếng Nga thì thật sự rất khiêm tốn: “thiếu niên tiền phong”. Nhưng định danh NATO chính xác hơn về tính năng kỹ chiến thuật của nó. Theo tiếng Nga, tên lửa luôn đứng đầu các tên lửa cùng chủng loại, luôn luôn sẵn sàng. Theo NATO, tên lửa có khả năng lập tức tiêu diệt kẻ thù, như một thanh kiếm cong Damascus. Alexander Davidovich Nadiradze, nhà thiết kế tên lửa xuất sắc, phát triển loại vũ khí nguy hiểm này.

Phạm vi hiệu quả của tên lửa đạn đạo 15Zh45 tổ hợp "Pioneer" là 5.500 km. Có nghĩa là, đạn sẽ bao phủ toàn bộ châu Âu và Trung Đông. Tên lửa có thể mang một đầu đạn hạt nhân megaton hoặc một cụm ba đầu đạn độc lập, đương lượng nổ chiến thuật khoảng 150 kilôton cho mỗi quả đạn thứ cấp.

Một tính năng kỹ chiến thuật đặc biệt quan trọng là "Thiếu niên tiên phong - Pioneer" là tổ hợp tên lửa hạt nhân cơ động. Tên lửa và toàn bộ tổ hợp phóng được đặt trên khung gầm xe tự hành sáu cầu МАZ-7916. Trọng lượng toàn bộ tổ hợp khoảng 80 tấn, hệ thống tự hành có thể cơ động với tốc độ 40 km/h, vượt qua mương rộng dài 3m và hào nước sâu 1,1m. Đây là hệ thống tên lửa chiến thuật địa hình, có thể cơ động trên mọi tuyến đường của đất nước Nga, rất xa căn cứ đóng quân cố định.

Trong thời kỳ Liên Xô, bộ tổng tham mưu Hồng quân giao nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu không chỉ phần châu Âu, mà còn cả phần châu Á của Liên bang Xô viết. Nếu các tổ hợp tên lửa được đặt tại Chukotka, tên lửa có thể tấn công đến Alaska, Canada, Greenland và phần phía bắc của Mỹ.

Theo thiết kế, tên lửa bay theo quỹ đạo mà không một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ nào có thể với tới. Nhiều khả năng, chính tính năng kỹ chiến thuật này đã buộc Lầu Năm Góc mô tả cho Nhà Trắng một bức tranh khải huyền về tương lai. Tình huống đã khiến đồi Capitol và Nhà Trắng báo động đỏ và một kế hoạch tiêu diệt loại tên lửa này được đặt ra. Hiệp ước INF ký kết, các tên lửa “thần chết” bị phá hủy. Vì lý do gì Mỹ muốn đánh thức nỗi kinh hoàng, đã im lặng hơn ba mươi năm qua?

Việc Mỹ rút ra khỏi Hiệp ước lực lượng tên lửa tầm trung và tầm ngắn sẽ khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn nhưng không ảnh hưởng đến vị thế của Nga trong các vấn đề quan trọng của lĩnh vực quốc phòng. Tổng thống Vladimir Putin, phát biểu tại Diễn đàn Valdai khẳng định rằng, phản ứng với các đe dọa từ phía Donald Trump sẽ "ngay lập tức và tương xứng".

Các nhà ngoại giao, sĩ quan quân đội và các chuyên gia lập tức đưa ra những bình luận liên quan đến những từ ngữ khắc nghiệt này. Trong tình huống như ông Trump tuyên bố, Nga sẽ làm gì? Cựu giám đốc Văn phòng hợp tác quân sự quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Nga Leonid Ivashov tin rằng, đáp lại việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, Nga có thể triển khai các bệ phóng mặt đất với tên lửa hành trình Kalibre. Tiếp tục sản xuất đồng thời hệ thống tên lửa RSD-10 "Pioneer" .

Một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất tên lửa Nga, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với báo RG cho biết, sản xuất lại tổ hợp RSD-10 "Pioneer" của Liên Xô hoàn toàn thực hiện được ngay. Thực tế các hệ thống tên lửa liên lục địa Topol là sự phát triển của RSD-10 "Pioneer" ở cấp độ cao hơn. Tên lửa Topol lại là nền tảng để phát triển thành tên lửa Yars mạnh hơn.

Trên cơ sở các tên lửa liên lục địa, sản xuất lại tên lửa tầm trung đơn giản và rẻ hơn nhưng khả năng răn đe lại lớn hơn. Vấn đề chính là kỹ thuật. Điều mà Mỹ và châu Âu có thể không nghĩ tới, đó là tên lửa sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều, do được chế tạo lại trên cơ sở ứng dụng các vật chất và công nghệ tiên tiến nhất giai đoạn hiện nay.

Tên lửa đạn đạo tầm trung RSD-10 "Pioneer". Video: kho lưu trữ Bộ Quốc Phòng Nga.