Tên lửa hành trình - con bài của siêu cường

Tên lửa hành trình là những trái bom có điều khiển, bay nhanh ở quỹ đạo rất thấp song song với mặt đất. Chúng rất khác với các tên lửa bình thường (không phải hành trình) chủ yếu là vì chúng bay rất xa.
Tên lửa hành trình Tomahawk của Hải quân Mỹ
Tên lửa hành trình Tomahawk của Hải quân Mỹ

Đức và tên lửa hành trình đầu tiên

Tên lửa hành trình là những trái bom có điều khiển, bay nhanh ở quỹ đạo rất thấp song song với mặt đất. Chúng rất khác với các tên lửa bình thường (không phải hành trình) chủ yếu là vì chúng bay rất xa. Chúng cũng khác với máy bay không người lái (UAV) bởi vì chúng không có các phi công điều khiển trên mặt đất - thay vào đó, chúng bay theo một đường bay định trước - và bạn chỉ có thể sử dụng chúng một lần.

Nước Đức phát xít đã sử dụng các tên lửa hành trình đầu tiên trong Thế chiến II. Với tên gọi là V-1 (đặt theo từ tiếng Đức “Vergeltung”, nghĩa là “trả thù”), chúng được bắn đi từ các trận địa ở miền Bắc nước Pháp và nhằm vào London.

Ý tưởng đằng sau V-1 cũng chính là ý tưởng cốt lõi đằng sau tất cả các tên lửa hành trình là để tấn công từ xa mà không cần phi công điều khiển nó.

Tên lửa V-1: Một tên lửa hành trình V-1 tại Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia London. Đây là những tên lửa hành trình đầu tiên được chế tạo (Florestan / Wikimedia Commons)
Tên lửa V-1: Một tên lửa hành trình V-1 tại Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia London. Đây là những tên lửa hành trình đầu tiên được chế tạo (Florestan / Wikimedia Commons)

 70 nước sở hữu tên lửa hành trình

Tất cả các tên lửa hành trình đều có một hệ dẫn quán tính ở bên trong, mặc dù chủng loại thì khác nhau. Tên lửa hành trình Tomahawk mà Hải quân Mỹ triển khai sử dụng từ năm 1984 sử dụng hệ thống gọi là “bám địa hình” với một thiết bị đo cao và một detector quán tính so sánh đường bay với một bản đồ bề mặt địa hình cài sẵn trong tên lửa. Các biến thể Tomahawk mới hơn còn sử dụng hệ dẫn GPS, ngoài ra còn có các hệ dẫn khác được sử dụng ở một số loại tên lửa hành trình.

Các tên lửa hành trình đều có các bộ phận cơ bản giống nhau: một động cơ, thường là một động cơ phản lực với cửa lấy khí dùng để đẩy tên lửa bay trong không khí. Có một khoang chứa nhiên liệu, và một khoang chứa phần chiến đấu hoặc thuốc nổ bên trong.

Cả hai loại tên lửa hành trình trên ảnh dưới đây đều được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân, nhưng hầu hết các tên lửa hành trình, và tất cả những tên lửa đã được sử dụng thực sự trong chiến tranh đều mang thuốc nổ thông thường, không phải hạt nhân. Phần đầu tên lửa hành trình thường lắp một hệ dẫn. Các tên lửa hành trình, với đôi cánh và động cơ, thường giống các máy bay không có phi công điều khiển.

Tên lửa hành trình có thể được phóng từ máy bay, tàu ngầm, tàu nổi, hoặc từ xe bệ phóng mặt đất. Ngoài Mỹ, còn có hơn 70 quốc gia khác cũng sở hữu tên lửa hành trình (tuy nhiên chỉ có vài nước có khả năng sở hữu tên lửa hành trình tầm xa, còn lại chủ yếu là các loại tên lửa hành trình tầm ngắn).

Tên lửa Snark: Một loại tên lửa hành trình thời thời chiến tranh lạnh (Không quân Mỹ)
Tên lửa Snark: Một loại tên lửa hành trình thời thời chiến tranh lạnh (Không quân Mỹ)

Cái chết bất ngờ

Đúng vậy. Nếu UAV là vũ khí nổi bật của những năm 2000 và 2010, tên lửa hành trình là vũ khí hàng đầu trong những năm 1990. Uy lực mạnh mẽ, phóng từ xa và không có một phi công trên khoang, chúng tiêu diệt hiệu quả đối phương mà không khiến lính Mỹ phải mạo hiểm tính mạng. Dưới đây là ba cuộc tiến công của tên lửa hành trình Mỹ từ những năm 1990.

Năm 1993, chính quyền Kuwait đã phá tan âm mưu ám sát cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush của các cơ quan tình báo Iraq. Để trả đũa, Tổng thống Bill Clinton đã ra lệnh bắn 23 tên lửa hành trình vào trụ sở tình báo Iraq.

Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton đã ra lệnh thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào nhà máy của hãng dược phẩm El Shifa Pharmaceutical Industries ở Sudan vì cho rằng, đây là một nhà máy sản xuất vũ khí hóa học.

Cũng trong năm 1998, Clinton đã ra lệnh cho quân đội Mỹ bắn tên lửa hành trình tỉnh Khost, Afghanistan nhằm tiêu diệt Osama bin Laden. Cả cuộc tiến công bằng tên lửa hành trình trong năm 1998 là nhằm trả đũa cho vụ đánh bom các đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi.

Hậu quả

Sau cuộc tiến công năm 1993, Iraq và Mỹ duy trì tình trạng thù địch sôi sục trong thập kỷ sau đó. Mỹ (cùng với Anh và đôi khi là với Pháp) đã áp đặt một “vùng cấm bay” đối với Iraq để ngăn chặn chính phủ Iraq tấn công người Kurd ở phía bắc và người Shiite ở phía nam.

Việc duy trì vùng cấm bay rất khó khăn: Iraq thỉnh thoảng lại bắn tên lửa phòng không vào máy bay Mỹ, còn người Mỹ thì ném bom đáp trả vào các trận địa tên lửa phòng không Iraq. Tình trạng này chỉ kết thúc bằng việc lật đổ Saddam Hussein sau cuộc chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003. Căng thẳng và bạo lực tại Iraq vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

El Shifa Pharmaceutical Industries mà Mỹ phá hủy năm 1998 thực tế đúng là một nhà máy dược phẩm. Các chứng tích vẫn được giữ nguyên và được dùng như bằng chứng cho sự bất lực của Mỹ.

Cuộc tiến công bằng tên lửa hành trình vào Khost đã không giết được Osama bin Laden, một sứ mệnh sẽ kéo dài hơn 13 năm, một chiến dịch mặt đất ở Afghanistan, một cuộc săn lùng người kéo dài một thập kỷ, và một đội ám sát đặc biệt của biệt đội SEALS của Hải quân Mỹ để hoàn thành.

Tại Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia, có bằng chứng cho thấy, “các cuộc tiến công đã không chỉ thất bại trong việc sát hại Osama bin Laden mà cuối cùng có thể đã đưa al-Qaeda và Taliban xích lại gần nhau về chính trị và tư tưởng”.

Tên lửa hành trình tiên tiến ACM: Tên lửa hành trình tàng hình, mang một đầu đạn hạt nhân đã bị loại khỏi trang bị (Không quân Mỹ)
Tên lửa hành trình tiên tiến ACM: Tên lửa hành trình tàng hình, mang một đầu đạn hạt nhân đã bị loại khỏi trang bị (Không quân Mỹ)

Những hạn chế của tên lửa hành trình

Một báo cáo năm 2000 của Không quân Mỹ về tên lửa hành trình Tomahawk có nêu ra một số hạn chế:

Mặc dù mọi người đều nhất trí thừa nhận Tomahawk là một vũ khí rất thành công, nhưng loại tên lửa này cũng có một số hạn chế. Một là, đường bay của chúng tương đối dễ dự đoán, vì thực tế ở một số địa hình, đặc biệt là sa mạc, có tương đối ít những đặc điểm khác biệt để tên lửa bay bám địa hình.

Hai là, việc lập kế hoạch nhiệm vụ cho các hệ dẫn bay bám địa hình tốn rất nhiều thời gian và phức tạp về yêu cầu thông tin tình báo. Ví dụ, để sử dụng Tomahawk, một đơn vị sẽ phải yêu cầu một loạt thông tin chỉ thị mục tiêu từ các cơ quan như Cục Bản đồ, Bộ Quốc phòng Mỹ để thu thập các dữ liệu cần thiết cho nhiệm vụ.

Hạn chế thứ ba là không thể dùng Tomahawk chống lại các mục tiêu kiên cố vì phần chiến đấu nặng 1.000 bảng, độ chính xác và động năng giai đoạn cuối của nó khi chạm mục tiêu không tạo ra xác suất sát thương cao.

Hạn chế cuối cùng là tên lửa hành trình Tomahawk không thể tấn công các mục tiêu động bởi vì chúng được dẫn đến một vị trí, chứ không phải là một mục tiêu cụ thể. Tương tự như vậy, một quả Tomahawk không thể tấn công các mục tiêu có thể di chuyển, tức là cơ động bởi vì chúng có thể di chuyển trong khi kế hoạch bay đang được lập hoặc trong khi tên lửa hành trình đang bay.

Vì thế, các hệ dẫn của tên lửa hành trình đã được cải tiến, nhưng những hạn chế chung của loại vũ khí vẫn tồn tại. Tên lửa hành trình đòi hỏi phải có tin tình báo tốt và những bản đồ tốt để đánh trúng mục tiêu. Nó cũng cần đối phương phải ở nơi tương đối dễ bị tổn thương.

Theo VND