Techfest Vietnam 2019: Chính thức bàn đến những thất bại trong khởi nghiệp

VietTimes – Trong khuôn khổ Hội thảo và Triển lãm Khởi nghiệp Quốc gia 2019 (Techfest Vietnam 2019) diễn ra tại Quảng Ninh, Diễn đàn Đối thoại Chính sách Cấp cao và Hội nghị Quốc tế Kết nối Nguồn lực Phát triển Khởi nghiệp Sáng tạo đã được tổ chức sáng 5/12/2019. Khác với các diễn đàn khởi nghiệp từng được tổ chức, diễn đàn lần này đã chính thức bàn đến yếu tố thất bại trong khởi nghiệp.
Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn (bên trái) điều khiển phần giao lưu với Thứ trưởng Trần Văn Tùng và các khách mời nước ngoài
Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn (bên trái) điều khiển phần giao lưu với Thứ trưởng Trần Văn Tùng và các khách mời nước ngoài

Trong khuôn khổ Techfest Việt Nam đã có một phiên đối thoại rất bổ ích với chủ đề: “Giải mã thất bại và mô hình khởi nghiệp số thành công” với sự tham dự của các nhà đầu tư "cá mập".

Theo shark Trương Lý Hoàng Phi, các đối tượng khởi nghiệp không thể chủ quan và quá lạc quan với sản phẩm của mình vì sự lạc quan và quá lạc quan chính nguy hiểm lớn nhất với sự nghiệp của họ.

Shark Nguyễn Thanh Việt nói rằng nếu chỉ có những giấc mơ đẹp thì chưa đủ với khởi nghiệp. Sai lầm lớn nhất chính là sự tự tin thái quá vì các nhà đầu tư thường nhìn vào những gì rất thực tế. Các đối tượng khởi nghiệp cũng cần xây dựng văn hóa kinh doanh cho mình với chữ “tín” được lấy làm đầu. Sự bắt tay, kết hợp được với nhà đầu tư chính là được đứng trên vai của người khổng lồ. Ăn được một phần của chiếc bánh lớn có khi còn là nhiều hơn so với nguyên một chiếc bánh nhỏ.

Các nhà đầu tư (shark) đã bàn đến yếu tố thất bại trong khởi nghiệp tại diễn đàn
Các nhà đầu tư (shark) đã bàn đến yếu tố thất bại trong khởi nghiệp tại diễn đàn

Shark Dzung Nguyễn thì nhìn thẳng vào thực tế của không ít đối tượng khởi nghiệp là bị chết vì hết tiền. Và một khi không quản trị được tài chính của chính mình thì không nhà đầu tư nào muốn rót vốn. Giá trị của doanh nghiệp khởi nghiệp trong con mắt của nhà đầu tư chính là người sáng lập ra dự án khởi nghiệp và phải làm sao để họ đặt niềm tin cho mình.

Theo shark Nguyễn Hòa Bình, khởi nghiệp là chào bán giá trị tương lai của chính mình nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Nguyên nhân là trước khi bắt tay đầu tư thì các nhà đầu tư muốn được nghiên cứu kỹ với cả hiện tại và quá khứ của các đối tượng khởi nghiệp. Anh cũng chỉ ra một thực tế của không ít đối tượng khởi nghiệp là sự thiếu minh bạch về tài chính và với các nhà đầu tư thì trước khi ra quyết định thì yêu cầu của họ là muốn được nghiên cứu sổ sách kế toán. Cũng thêm một thực tế nữa với các đối tượng khởi nghiệp là rất nên tranh thủ năng lực quản trị của nhà đầu tư để sau khi bắt tay với nhau có thể tập trung làm tốt các công việc chuyên môn.

Ngoài các yếu tố nói trên, các nhà đầu tư đều nhất trí bàn đến yếu tố nguồn nhân lực cho hoạt động khởi nghiệp bởi những nhà sáng lập luôn đứng trước thách thức về giữ người và tuyển người cho công việc của mình. Trong một thị trường lao động cạnh tranh, các doanh nghiệp lớn luôn có những mức lương hấp dẫn cùng những cơ hội học tập, thăng tiến dễ hút mất nhân lực của các doanh nghiệp nhỏ mà trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp. Muốn vậy, chính các nhà sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp phải chủ động tìm được nhà đầu tư cho mình để có mức lương thỏa đáng cùng cơ hội thăng tiến cho đội ngũ nhân lực của mình. 

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã có bài phát biểu khai mạc diễn đàn Techfest. Thứ trưởng khẳng định sự quan tâm và kỳ vọng của Đảng và Chính phủ đến phong trào khởi nghiệp sáng tạo với kỳ vọng rất lớn. Ông cũng cho biết, tài nguyên con người là yếu tố quan trọng nhất trong tam giác khởi nghiệp với 3 đỉnh là công nghệ, nhân lực và tài chính. Theo ông, để khởi nghiệp thì các bạn trẻ không thể thiếu ước mơ, song vấn đề là phải hiện thực hóa các ước mơ đó bằng năng lực của chính mình.

Theo Đại sứ Israel Nadav Eshcar, đất nước của ông đã chính thức trở thành quốc gia khởi nghiệp cách đây 10 năm. Thành quả này là ý chí thoát nghèo để trở thành một đất nước phát triển của cả đất nước, cả dân tộc. Trong khởi nghiệp, thất bại là bình thường và cứ qua mỗi lần thất bại thì bản thân những người trong cuộc lại rút ra được những bài học quý giá để từ đó phấn đấu đến thành công. Ở Israel, tất cả các đại học đều có mối quan hệ rất chặt chẽ với các doanh nghiệp và mọi nghiên cứu về cơ bản đều xuất phát từ yêu cầu của các doanh nghiệp.

Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe thì cho biết, đất nước của bà đã có lịch sử phát triển công nghiệp hơn 100 năm trước. Và Thụy Điển cùng với Na Uy có niềm tự hào lớn với toàn thế giới cho Giải thưởng Nobel danh giá trong nhiều lĩnh vực khoa học. Chính phủ Thụy Điển cũng luôn có những hỗ trợ rất lớn cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học để sinh viên có năng lực sáng tạo ở mức cao nhất. Các doanh nghiệp lớn của Thụy Điển cũng coi việc hỗ trợ các đại học là trách nhiệm tất yếu của mình để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp cho lớp trẻ.

Bà Caitlin Wiesen – Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam lại đặt vấn đề hàng đầu với khởi nghiệp chính là phát triển bền vững. Thách thức ở đây chính là với khu vực tư nhân. Và muốn đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thì phải tích lũy được nhiều kiến thức. Và mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau tuy không dễ nhưng phải cố gắng thực hiện. Điều quan trọng nhất là khởi nghiệp phải thu hút được đầu tư. Theo bà, hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam phải quan tâm đến cả các đối tượng yếu thế trong xã hội như đồng bào vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật…

Bà Nathalie Black – Cao ủy Thương mại của Chính phủ Anh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết nước Anh nhiều năm nay đang có chính sách thu hút nhân tài khắp thế giới về làm việc cho mình. Theo đó, các sinh viên nước ngoài có quyền ở lại để lập nghiệp và khởi nghiệp với những ưu đãi rất lớn. Mọi sản phẩm nghiên cứu sáng tạo đều được tạo điều kiện thương mại hóa ở mức cao nhất có thể.

Cũng trong các trao đổi tại diễn đàn, tất cả các khách mời nói trên đều nhất trí rằng, môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng chính là điều kiện quan trọng nhất mà Nhà nước phải tạo lập được để hỗ trợ các đối tượng khởi nghiệp và họ rất mong muốn Việt Nam làm được điều đó.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết Việt Nam đã có Luật Chuyển giao Công nghệ và mới đây là Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và vừa. Đó là những hành lang pháp lý quan trọng nhưng có lẽ chưa thực sự đủ mạnh để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và vẫn cần nhiều thay đổi nữa.

Ông cũng đề cập đến Thương chiến Mỹ - Trung đã và sẽ dẫn đến làn sóng đầu tư mới của nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không thẩm định tốt thì các công nghệ lạc hậu sẽ tràn vào và Việt Nam phải có đủ năng lực thẩm định để chỉ tiếp nhận các công nghệ tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống Tội phạm Công nghệ cao (Bộ Công an) đặt vấn đề công nghệ càng phát triển thì các loại tội phạm cũng càng chủ động sử dụng công nghệ, gây ra những bất ổn về kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, cũng chính thực tế đó đã đặt ra các bài toán mà lớp trẻ cần chủ động tham gia để cùng với ngành công an chống lại các loại tội phạm này.

Trả lời câu hỏi của một đại biểu về tiềm năng công nghệ của cộng đồng 4 triệu Việt kiều ở nước ngoài, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết Nhà nước có một cơ quan chuyên trách là Ủy ban về người Việt Nam ở Nước ngoài và cơ quan này vẫn hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ để giới thiệu các Việt kiều tâm huyết với đất nước đến với các đối tác trong nước mà trong đó có cộng đồng khởi nghiệp. Không chỉ có vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã tổ chức những chuyến tham quan đến những nơi như Silicon Valley ở Mỹ cho đại diện cộng đồng khởi nghiệp trong nước để học hỏi kinh nghiệm.