Tay chơi mới ở "game" PG Bank?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – PG Bank là một ngân hàng nhỏ của hệ thống, vài năm nay luôn ở trong trạng thái chờ sáp nhập. Vietinbank là đích đến đầu tiên nhưng không thành, rồi đến HDBank - ai cũng nghĩ "game" sáp nhập hoàn tất đến nơi. Nhưng rồi...

Ông Nguyễn Phi Hùng làm Quyền Tổng Giám đốc PG Bank
Ông Nguyễn Phi Hùng làm Quyền Tổng Giám đốc PG Bank

Người MSB sang PG Bank

Lần thứ hai làm sếp tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) của ông Nguyễn Phi Hùng mang đến nhiều chi tiết đáng chú ý.

Ngay khi quyết định bổ nhiệm ông làm Quyền Tổng Giám đốc tại PG Bank bắt đầu đi vào hiệu lực thì cùng ngày - hôm 02/11, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động cũng như miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc của ông tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng có hiệu lực.

Cả hai quyết định - từ hai tổ chức tín dụng - về vai trò của ông Nguyễn Phi Hùng được ban hành từ trước đó nhiều tuần, cho thấy sự chuẩn bị của các bên.

Hôm 20/10, HĐQT PG Bank đã miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Tiến Dũng, đồng thời bầu vị này làm Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025. Kế nhiệm ông Dũng ở vị trí đứng đầu ban điều hành, theo quyết định cùng ngày của HĐQT, là ông Nguyễn Phi Hùng - trước mắt trên vai trò Quyền Tổng Giám đốc.

Theo giới thiệu, ông Nguyễn Phi Hùng có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, từng đảm nhiệm cương vị Giám đốc Khối Vận hành của PG Bank; Trưởng phòng Thanh toán quốc tế và Tài trợ thương mại, Trưởng phòng phụ trách giao dịch ngân quỹ tại Ngân hàng Citibank NA Hà Nội; Giám đốc Khối Vận hành Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Năm 2013, ông Hùng gia nhập MSB, đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Công nghệ và vận hành, rồi sau này được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối vận hành.

Trước ông Nguyễn Phi Hùng, hôm 22/05/2020, một nhân sự “cứng” khác của MSB cũng bất ngờ gia nhập và giữ trọng trách ở PG Bank. Đó là ông Hoàng Xuân Hiệp.

Theo giới thiệu của PG Bank, ông Hiệp từng đảm nhiệm nhiều cương vị cấp cao tại MSB trước đó, như: Phó Tổng Giám đốc; Tổng Giám đốc công ty quản lý và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Hàng Hải. Sang PG Bank là Phó Tổng Giám đốc, ông Hiệp đảm nhiệm vai trò điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.

PG Bank về đâu?

Động thái dịch chuyển nhân sự giữa MSB và PG Bank có thể không chỉ cá biệt với hai ông Hùng và Hiệp - những cán bộ quản lý cấp cao của MSB, sang những vị trí mang tính rường cột ở PG Bank. Nó có thể chỉ là hoạt động thay đổi nhân sự đơn thuần nhưng cũng có thể hơn thế.

MSB và PG Bank thực ra vốn đã có mối quan hệ gắn bó từ trước. Báo cáo thường niên năm 2018 của MSB ghi nhận, tại ngày 31/12/2018, MSB là cổ đông lớn của PG Bank với tỷ lệ sở hữu 9,98%.

Tới đầu năm 2019, lãnh đạo ngân hàng MSB tuyên bố đã bán số cổ phiếu này với giá 13.000 đồng/cp, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa rõ giao dịch đã thực sự diễn ra hay chưa và bên nào là người mua. Bởi lẽ, là một công ty đại chúng, việc giao dịch của cổ đông lớn như MSB hẳn sẽ phải được phía PG Bank (và cả MSB) thực hiện công bố thông tin. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có thông tin nào về giao dịch thoái vốn của MSB tại PG Bank được ghi nhận trên cổng công bố thông tin của SSC.

Về phần PG Bank, số phận của nó tưởng chừng như đã được định đoạt sau khi NHNN chấp thuận chủ trương cho sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. HCM (HDBank). Việc HDBank cử ông Lý Vinh Quang “biệt phái” sang làm Thành viên HĐQT PG Bank sau đó được kỳ vọng sẽ giúp thương vụ sớm hoàn tất.

Nhưng đến hiện tại, đã quá hạn 31/8/2020, "game" M&A nhà băng này vẫn chưa có tiến triển. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 diễn ra cuối tháng 6, cổ đông PG Bank đã đặt vấn đề hủy sáp nhập nếu không hoàn thành trước hạn trên.

Mới nhất, trong một báo cáo, nhóm phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đánh giá khả năng HDBank mua lại PGBank là “khá thấp”. Đồng thời cho biết, ban lãnh đạo HDBank “lo ngại rằng thương vụ này khó có khả năng xảy ra trong tương lai”.

Nếu "game" sáp nhập PG Bank - HD Bank lại lỡ dở thì đâu sẽ là điểm đến tiềm năng cho PG Bank, hoặc nếu PG Bank xác định không sáp nhập nữa thì khi ấy, nhóm cổ đông nào sẽ cầm cơ. Đó chắc sẽ không còn là Petrolimex, bởi trao đổi với VietTimes tối 6/11, lãnh đạo tổng công ty này vẫn khẳng định sẽ sớm bán vốn tại PG Bank.

Nên biết, cơ cấu cổ đông PG Bank đến lúc này đã rất cô đặc.

ĐHĐCĐ thường niên vừa rồi, PG Bank ghi nhận sự tham dự của chỉ 29 cổ đông, nhưng đã đại diện tới 283,6 triệu cổ phần, chiếm 94,53% vốn điều lệ ngân hàng. Trừ đi 40% sở hữu của Petrolimex, thì 28 cổ đông còn lại đã nắm giữ tới ngót 55% vốn điều lệ PG Bank. Chứng tỏ, thời gian qua, cổ phần PG Bank đã được mua gom tích cực, để tạo nên những "cổ đông gần lớn".

Vấn đề, họ là ai?...