Tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc có thể chạm trán nhau trên Biển Đông

Hải quân Mỹ không cho biết cụm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson có vào Biển Đông hay không, nhưng báo chí Đài Loan cho rằng mẫu hạm Mỹ và tàu sân bay Trung Quốc của Mỹ hoàn toàn có thể cùng tuần tra ở Biển Đông trong những ngày tới đây.
Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ
Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ

Trong lúc lúc chiếc tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc lần đầu tiên vượt chuỗi đảo thứ nhất, tiến ra Tây Thái Bình Dương rồi đổi hướng đi vào tập trận trong Biển Đông, không có một tàu sân bay Mỹ nào hoạt động trên biển.

Tuy nhiên tình trạng này không kéo dài vì vào ngày 6/1, hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson đang trên đường đến công tác tại vùng Tây Thái Bình Dương. Giới phân tích đã nghĩ đến một kịch bản nhìn chung khó có thể xảy ra, nhưng không thể lọa trừ. Đó là tàu sân bay Trung Quốc sẽ chạm trán hàng không mẫu hạm Mỹ đang có mặt trong khu vực.

Trong một thông cáo công bố hôm 3/1/2017, hải quân Mỹ cho biết cụm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson bao gồm một tuần dương hạm và hai khu trục hạm đều được trang bị tên lửa dẫn đường, đã hộ tống chiếc mẫu hạm rời căn cứ ở San Diego, bang California, trực chỉ Tây Thái Bình Dương.

Theo hải quân Mỹ, hải đội tác chiến của tàu sân bay Carl Vinson, với tổng cộng khoảng 7.500 binh sĩ, sẽ tập trung vào các chiến dịch bảo đảm an ninh hàng hải cũng như hợp tác an ninh trên hiện trường khu vực. Thông cáo nói rõ là cụm tàu này sẽ tiến hành nhưng cuộc tập trận song phương trong khu vực rộng lớn Ấn Độ-Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có những bài tập chống tàu ngầm, triển khai đội hình, sử dụng vũ khí, cũng như chặn xét các tàu khác…

Hải quân Mỹ không cho biết là hải đội tàu sân bay Carl Vinson có vào tuần tra Biển Đông hay không, nhưng báo chí Đài Loan cho rằng mẫu hạm Mỹ và tàu sân bay Trung Quốc của Mỹ hoàn toàn có thể cùng tuần tra ở Biển Đông trong những ngày tới đây.

Chiến đấu cơ J-15 cất cánh từ  tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Chiến đấu cơ J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Nhưng theo giới quan sát, ngay cả trong trường hợp tàu Carl Vinson không vào Biển Đông, mà chỉ quanh quẩn ngoài Tây Thái Bình Dương, tàu Liêu Ninh của Trung Quốc cũng có thể chạm trán tàu Mỹ trên đường về căn cứ ở Thanh Đảo. Tình huống này sẽ xảy ra nếu Liêu Ninh chọn tuyến đường giống như khi đi, tức là băng ngang eo biển Bashi, ra Tây Thái Bình Dương rồi lại rẽ ngang eo biển Miyako để trở lại biển Nhật Bản và lên Thanh Đảo.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng, đặc biệt là sau vụ hải quân Trung Quốc bị Mỹ tố cáo là cố tình thu giữ trái phép một chiếc tàu lặn Mỹ, giữ lấy trong một vài ngày rồi sau đó trả lại, một cuộc chạm mặt giữa hai chiếc tàu sân bay được cho là sẽ kịch tính khi mà cả hai bên bình thường ra đều tìm cách né tránh.

Giới diều hâu Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa trước rằng Bắc Kinh sẽ có biện pháp trả đòn nếu Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông.

Phản ứng trước thông tin Mỹ phái hàng không mẫu hạm nguyên tử Carl Vinson trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một lãnh đạo thuộc Học viện Khoa học Quân sự của quân đội Trung Quốc đã tố cáo việc Mỹ triển khai tàu sân bay Carl Vinson là nhằm mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông.

Trên tờ China Daily, nhân vật này lớn tiếng: «Nên chờ xem là chiếc USS Carl Vinson sẽ ở Biển Đông trong bao lâu. Họ chỉ quá cảnh hay sẽ ở lâu, hay tiến hành tập trận. Và cũng chờ xem là chiếc tàu đó ở cách các đảo của Trung Quốc bao xa?»

Con một chuyên gia nghiên cứu cao cấp của hải quân Trung Quốc thì gắn liền việc tàu sân bay Carl Vinson đến Tây Thái Bình Dương với thông tin báo chí theo đó Mỹ có ý định đặt các giàn đại pháo chống hạm trong vùng Biển Đông. Ông này đe dọa Bắc Kinh «chắc chắn sẽ có biện pháp đối phó» nếu lực lượng Mỹ đe dọa các lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông.