Tàu sân bay Mỹ, Nhật Bản liên thủ tập trận trên Biển Đông “nắn gân” Trung Quốc

VietTimes -- Lần này, tàu sân bay trực thăng Kaga không chỉ huấn luyện liên hợp với cụm chiến đấu tàu sân bay USS Ronald Reagan Mỹ trên Biển Đông, mà còn đến thăm Philippines. Động thái nhằm thúc đẩy an toàn hàng hải ở Biển Đông, kiềm chế Trung Quốc.
Ngày 1/9/2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các quan chức quân đội, quốc phòng Philippines lên thăm tàu sân bay trực thăng Kaga của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Sina.
Ngày 1/9/2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và các quan chức quân đội, quốc phòng Philippines lên thăm tàu sân bay trực thăng Kaga của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Sina.

Hãng Kyodo, Nhật Bản ngày 2/9 cho hay 3 tàu chiến trong đó có tàu sân bay trực thăng Kaga của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản ngày 1/9 đã neo đậu tại cảng Subic trên đảo Luzon, miền bắc Philippines.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã được nghênh đón bởi Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Keitaro Ohno và các thủy thủ Nhật Bản, đồng thời đã tham quan bên trong con tàu này.
Cùng đi có các quan chức quân đội, quốc phòng Philippines gồm Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines Carlito Galvez và các quan chức quân sự khác. Về phía Nhật Bản còn có Đại sứ Koji Haneda, Chuẩn Đô đốc Tatsuya Fukuda - chỉ huy đội tàu chiến Nhật Bản.
Tháng 6/2017, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đã lên thăm tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản ở cảng này, cho thấy mối quan hệ thân mật giữa Philippines - Nhật Bản.
Về vấn đề Biển Đông, thái độ gần đây của ông Rodrigo Duterte có sự thay đổi tinh tế. Nhật Bản thể hiện rõ mong muốn hợp tác quốc phòng với Philippines để kiềm chế Trung Quốc, quốc gia đang tăng cường hoạt động ở Biển Đông.

Tàu sân bay trực thăng Kaga của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Ảnh: Sina.
Tàu sân bay trực thăng Kaga của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Ảnh: Sina.

Các tàu chiến của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản có kế hoạch tham gia hoạt động huấn luyện chung với hải quân các nước từ ngày 26/8 - 30/10/2018. Phạm vi hoạt động kéo dài từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương, trong quá trình này đã tiến hành  thăm hữu nghị Philippines.
Biên đội tàu chiến Nhật Bản đến thăm Philippines lần này còn có tàu khu trục Suzutsuki lớp Akizuki và tàu khu trục Inazuma lớp Murasame. Quan chức Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản bày tỏ mong muốn hợp tác với các nước xung quanh, khẳng định sự hiện diện của Nhật Bản tại khu vực.
Chuẩn Đô đốc Tatsuya Fukuda cho biết, việc triển khai các tàu chiến của Nhật Bản lần này là biểu hiện cụ thể của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở do Nhật Bản thúc đẩy. “Mục tiêu là nâng cao năng lực hoạt động của chúng tôi và tăng cường hợp tác với hải quân các nước đối tác…, hỗ trợ an toàn hàng hải và thúc đẩy trật tự hàng hải khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Tàu sân bay trực thăng Kaga Nhật Bản dài 248 m, độ rộng lớn nhất 38 m; có thể mang nhiều nhất 14 máy bay trực thăng, có chức năng như một căn cứ trên biển.

Biên đội tàu chiến Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản thăm Philippines. Ảnh: ABS-CBN News.
 Biên đội tàu chiến Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản thăm Philippines. Ảnh: ABS-CBN News.

Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản điều tàu sân bay trực thăng Kaga đến Biển Đông và Ấn Độ Dương trong thời gian hai tháng, bao gồm đến thăm các nước như Philippines, Indonesia, Sri Lanka và Ấn Độ thực chất là để thúc đẩy "chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết, trong chuyến đi lần này, tàu sân bay Kaga Nhật Bản sẽ không đi vào phạm vi 12 hải lý của các đảo, đá ngầm trên Biển Đông giống như quân đội Mỹ. Nhưng hải quân Nhật cũng sẽ thông qua thăm viếng các cảng biển để thể hiện sự hiện diện của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á.
Đáng chú ý, trước khi đến thăm Philippines, ngày 31/8, biên đội tàu chiến Nhật Bản đã tiến hành tiến hành huấn luyện liên hợp trên Biển Đông với cụm chiến đấu tàu sân bay USS Ronald Reagan Mỹ. Hai bên cùng tiến hành diễn tập cơ động đội hình trên biển, phối hợp hành động như tiếp nhiên liệu trên biển, trao đổi sĩ quan liên lạc.
Chỉ huy biên đội tàu sân bay Mỹ Karl O. Thomas đã lên thăm tàu sân bay trực thăng Kaga, tiến hành hội đàm với phía Nhật Bản, đồng thời khẳng định năng lực phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng hải quân hai nước, cho rằng hoạt động huấn luyện lần này là cơ hội tuyệt vời để biên đội tàu chiến hai bên phối hợp, tăng cường củng cố lòng tin Mỹ - Nhật.

Ngày 1/9/2018, Tổng thống Philippines thăm tàu sân bay trực thăng Kaga, Nhật Bản. Ảnh: Sina.
Ngày 1/9/2018, Tổng thống Philippines thăm tàu sân bay trực thăng Kaga, Nhật Bản. Ảnh: Sina.

Trong những năm tới, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản mong muốn từng bước hình thành cơ chế điều động tàu chiến định kỳ, thường niên và lâu dài tới khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Khi Nhật Bản đưa vào biên chế tàu sân bay Kaga (3/2017), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tỏ thái độ đặc biệt lo ngại, cho rằng hiện nay dưới sự nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, tình hình Biển Đông có xu hướng ổn định và tốt lên. Một số người Nhật Bản nếu muốn “gây sóng gió”, Trung Quốc và các nước xung quanh sẽ "không đáp ứng".
Theo bà Hoa, những năm gần đây, Nhật Bản không ngừng tuyên truyền "mối đe dọa Trung Quốc" nhằm tạo cớ để tăng cường sức mạnh quân sự. Do nguyên nhân lịch sử, cộng đồng quốc tế đặc biệt là các nước láng giềng châu Á luôn theo dõi chặt chẽ các động thái quân sự của Nhật Bản. Trung Quốc có lý do để giữ cảnh giác cao với các động thái và ý đồ thực sự của Nhật Bản.
Hoa Xuân Oánh cho rằng tàu sân bay Kaga từng bị quân đội Mỹ bắn chìm trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nhật Bản cần rút ra bài học lịch sử. Trung Quốc hy vọng sự tái hiện của tàu sân bay Kaga không phải là sự khởi đầu cho sự sống lại của ý đồ chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.

Vũ khí trên tàu sân bay trực thăng Kaga Nhật Bản. Ảnh: Sina.
 Vũ khí trên tàu sân bay trực thăng Kaga Nhật Bản. Ảnh: Sina.

Trên thực tế, theo trang Baike Trung Quốc, trong lịch sử, tàu chiến Kaga là tàu chủ lực thứ ba trong kế hoạch hạm đội 8 - 8, sau đó được cải tạo thành tàu sân bay. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, tàu Kaga thuộc hạm đội phương diện Trung Quốc của Đô đốc Hasegawa Kiyoshi, là tàu sân bay chủ lực tham gia tấn công Trung Quốc. Trong thời gian chiến tranh Thái Bình Dương, tàu Kaga đã tham gia sự kiện Trân Châu Cảng, đã bị máy bay ném bom trên tàu sân bay USS Enterprise Mỹ đánh chìm.
Hiện nay, Nhật Bản đã chế tạo và biên chế 2 tàu sân bay trực thăng lớp Izumo, gây lo ngại đặc biệt cho Trung Quốc. Trong đó, tàu sân bay trực thắng lớp Izumo thứ hai có tên là Kaga và đang có chuyến thăm Philippines. Mỗi khi tàu sân bay trực thăng Nhật Bản hiện diện trên Biển Đông, dư luận Trung Quốc đều tỏ ra hết sức giận dữ. Với cơ chế hiện diện định kỳ hàng năm của tàu sân bay trực thăng Nhật Bản, tình hình Biển Đông và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong những năm tới rất đáng để tiếp tục quan sát.