Tàu chiến Mỹ - Iran vờn nhau trên vịnh Ba Tư

Miêu tả về thế giằng co giữa Washington và Tehran ngoài khơi bờ biển Iran, một quan chức hải quân Mỹ nhận định mọi chuyện giống như trò chơi cân não mà chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể khiến mối quan hệ hai nước trở nên xấu đi.
Phi công Mỹ trên đường băng tàu sân bay Theodore Roosevelt. Ảnh: NYTimes
Phi công Mỹ trên đường băng tàu sân bay Theodore Roosevelt. Ảnh: NYTimes

Chỉ huy Hạm đội 5 của hải quân Mỹ hôm 27/7 đang ngồi tại văn phòng khi nhận cuộc điện thoại thông báo một tàu khu trục nhỏ thuộc hải quân Iran ở vịnh Aden đã áp sát con tàu mà trực thăng quân sự Mỹ vừa đáp xuống.

Thủy thủ đoàn tàu Iran lập tức chĩa súng máy về phía trực thăng Mỹ. Trực thăng Mỹ liền cất cánh khỏi tàu, tuân thủ mệnh lệnh kiềm chế để không làm gia tăng căng thẳng được đưa ra trước đó. Tàu Iran cũng quay đầu khi thấy trực thăng Mỹ rời đi.

Phó đô đốc John W. Miller, chỉ huy Hạm đội 5, sau đó nhận được tin một đoàn quay phim trên tàu khu trục nhỏ của Iran đã ghi lại toàn bộ sự việc. Theo ông Miller, hành động này khá kỳ lạ. "Tất cả chỉ xảy ra trong vài phút. Tôi không rõ lý do gì khiến họ muốn quay phim chúng", Miller nói.

Khi được hỏi vì sao hải quân Mỹ lại biết phía Iran đang ghi hình, ông Miller cười lớn và cho hay chính bản thân họ cũng cử một đội quay lại "nhất cử nhất động" của thủy thủ đoàn Iran tại thời điểm đó. "Chúng tôi có video ghi lại cảnh họ quay video", ông nói.

Trên vùng trời và vùng biển thuộc vịnh Ba Tư, eo biển Hormuz, biển Arab hay vịnh Aden, một cuộc cạnh tranh ngầm giữa Mỹ và Iran vẫn âm thầm diễn ra. Tàu hải quân Mỹ thường xuyên tuần tra dọc đường bờ biển phía nam, dài hơn 1.700 km, của Iran. Radar chiến hạm Mỹ luôn theo sát mọi diễn biến trên bờ biển cũng như hoạt động của tàu Iran tại bến cảng. Trong khi đó, chiến đấu cơ Iran cũng liên tục lượn trên bầu trời, quan sát các máy bay Mỹ cất cánh từ tàu sân bay tại vịnh Ba Tư.

"Chúng tôi cứ như đang tham gia một cuộc chơi đuổi bắt vậy", New York Times dẫn lời Benjamin Hewlett, chỉ huy một phi đội thuộc tàu sân bay Theodore Roosevelt trên vịnh Ba Tư, nói. "Khi họ khởi động, chúng tôi cũng khởi động. Chúng tôi coi con tàu này như một phần lãnh thổ nước Mỹ, vì thế chúng tôi phải đảm bảo họ không thể dò xét bên trong hay xung quanh nó".

Đôi khi mọi chuyện lại giống như một trò chơi cân não mà chỉ cần một bước sai sót cũng có thể khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Iran thay đổi trong phút chốc, ông Hewlett nhận xét.

Nhưng với chính quyền Tổng thống Barack Obama, sự hiện diện của hải quân Mỹ ngoài khơi Iran vào lúc này là rất quan trọng bởi đây là cách để Washington trấn an các đồng minh Trung Đông, đồng thời gạt bỏ những mối nghi ngờ của Quốc hội Mỹ, theo NY Times.

Trên tàu sân bay Theodore Roosevelt, các quan chức quân sự Mỹ thường xuyên tập trung lại để thảo luận về tình hình khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Arab Saudi Muhammad bin Salman vài tuần trước có chuyến thăm tàu, chiêm ngưỡng máy bay tiêm kích Mỹ gầm rú trên bầu trời và tham quan trung tâm điều hành chiến đấu. Đây là một căn phòng bí mật, nằm sâu trong chiến hạm Roosevelt, nơi các chuyên gia sử dụng hàng loạt trang thiết bị tối tân để theo dõi mọi động thái của Iran.

Một số sĩ quan chỉ huy trên tàu Roosevelt cho biết vài tuần trước khi Washington và Tehran thống nhất bản thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 7, các hoạt động trên biển của Iran giảm hẳn về tần suất. Song, theo các nhà phân tích, nguyên nhân xuất phát từ thực tế thời điểm đó đang là tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Sau khi hiệp ước hạt nhân được ký kết và tháng Ramadan kết thúc, hoạt động của Iran tại vịnh lại gia tăng. Tehran liên tục triển khai chiến hạm và chiến đấu cơ tới bờ biển.

"Tôi không nghĩ có gì thay đổi trước và sau khi hai nước ký thỏa thuận hạt nhân", phó đô đốc Roy Kelley, chỉ huy đội không kích trên tàu Theodore Roosevelt, nhận định. "Ngày nào chúng tôi cũng chạm mặt với Iran", ông nói. "Bất kể khi nào thấy chúng tôi, họ đều tới kiểm tra".

Vài phút sau, một thông báo phát trên hệ thống báo hiệu một vật thể lạ đang tiếp cận tàu Roosevelt. Đó là tàu của Iran nhưng nó chỉ đứng quan sát từ xa rồi rời đi. "Họ thường hành động khá chuyên nghiệp", ông Kelley nhận xét.

Tuy nhiên, thái độ đề cao cảnh giác mà đôi bên dành cho nhau cũng có lúc khiến tình hình trở nên căng thẳng. Hồi tháng 4, chỉ hai ngày sau khi tới vịnh Ba Tư để thế chỗ tàu sân bay Carl Vinson, tàu Roosevelt đã lập tức phải quay đầu hướng về phía vùng biển ngoài khơi Yemen để ngăn chặn một tàu của Iran bị nghi là đang vận chuyển vũ khí cho phiến quân Houthi. Được hộ tống bởi tuần dương hạm tên lửa dẫn đường Normandy, tàu Roosevelt nhanh chóng băng qua eo biển Hormuz tiến tới bán đảo Arab.

Sự việc nhanh chóng thu hút chú ý của dư luận. Ở trung tâm chỉ huy chiến đấu tàu Roosevelt, nơi phần lớn thời gian đều dành vào việc giám sát hoạt động của Iran, các chuyên gia tại đây lần đầu tiên thấy chính mình trên một chương trình tin tức đề cập đến sự kiện tàu Roosevelt di chuyển để chặn một tàu hàng Iran. Các thủy thủ đều cảm nhận được dường như cả thế giới đang dõi theo từng cử chỉ dù là nhỏ nhất của họ.

"Cảm giác thật kỳ lạ khi thấy chính con tàu của mình xuất hiện trên CNN", trung úy William Thomas, làm việc tại trung tâm chỉ huy chiến đấu tàu Roosevelt, nói.

Đối với chính quyền Tổng thống Obama, việc truyền đi thông điệp rằng ngay cả khi Mỹ hoàn thành thỏa thuận hạt nhân với Iran thì Washington vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ các đồng minh trong khu vực, là vô cùng quan trọng, theo NY Times. Một quan chức Lầu Năm Góc khi đó so sánh quyết định triển khai tàu sân bay ngăn chặn tàu chở vũ khí của Iran giống như dùng vũ khí nguyên tử để giết kiến. Nhưng, điều đó là hoàn toàn cần thiết. Hai ngày sau, tàu Iran trở về nước.

"Những gì xảy ra trên tàu tương đối nhạy cảm", ông Hewlett bình luận. "Nó đại diện cho thông điệp chính trị mà nước chúng tôi gửi đến nước họ".

Vị trí vịnh Ba Tư. Ảnh: Susris

Vị trí vịnh Ba Tư. Ảnh: Susris

Vũ Hoàng theo VnExpress