Tập đoàn Sun Group đề xuất tự đầu tư tiền xây sân bay Quảng Ninh

Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh (sân bay Quảng Ninh) vừa được tỉnh này phê duyệt đầu tư theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng. Vị trí xây dựng sân bay Quảng Ninh tại xã Đoàn Kết, thuộc Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Nhà đầu tư được nhượng quyền khai thác 45 năm khi xây dựng sân bay Vân Đồn.
Nhà đầu tư được nhượng quyền khai thác 45 năm khi xây dựng sân bay Vân Đồn.

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi hoàn thành công tác thiết kế, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tỉnh sẽ giao cho Sở GTVT làm đầu mối tiến hành lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án sân bay Quảng Ninh.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với đơn vị tư vấn lập dự án để tiến hành các bước lựa chọn nhà đầu tư. Có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới dự án, trong đó Tập đoàn Sun Group đã có văn bản chính thức gửi UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất được tham gia đầu tư xây dựng sân bay Quảng Ninh theo hình thức đầu tư BOT.

Thời gian thực hiện dự án dự kiến là 24 tháng, nhà đầu tư tham gia dự án sẽ phải bỏ toàn bộ phần vốn đầu tư, xây dựng sân bay Quảng Ninh. Đổi lại, nhà đầu tư thực hiện dự án sẽ được UBND tỉnh Quảng Ninh nhượng quyền khai thác sân bay Quảng Ninh trong 45 năm để hoàn vốn đầu tư.

Sân bay Quảng Ninh được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự phát triển khu kinh tế Vân Đồn và đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ninh. Việc xây dựng sân bay tại Vân Đồn cũng hướng tới mục tiêu phát triển khu kinh tế này trở thành một trung tâm thương mại, du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao. Đồng thời hình thành một trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp, là đầu mối giao thông quốc tế, phát huy hiệu quả chuỗi giá trị di sản Vịnh Hạ Long.

Sân bay Quảng Ninh sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn sân bay cấp 4E, đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), với một đường cất hạ cánh, kích thước 3.000m x 45m, đảm bảo khai thác máy bay Boing 777 hoặc tương đương. Bên cạnh đó, sân bay Quảng Ninh sẽ sử dụng phương thức dẫn đường theo tính năng (PBN), các hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu (GNSS) và hệ thống tăng cường chất lượng vệ tinh (GPBAS).

Sau khi hoàn thành, sân bay Quảng Ninh sẽ đáp ứng chỗ đỗ tối thiểu cho 4 vị trí máy bay, dự kiến 02 vị trí máy bay A321, 02 vị trí máy bay B777. Công suất thiết kế nhà ga hành khách khoảng 2 triệu hành khách/năm và ga hàng hóa khoảng 10 triệu tấn hàng hóa/năm.

Sân bay Quảng Ninh có diện tích đất sử dụng 288,38 ha, là công trình giao thông cấp đặc biệt theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Theo tính toán của Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC - đơn vị tư vấn lập dự án, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án khoảng 734,2 tỷ đồng. Nguồn vốn GPMB dự án sẽ lấy từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Trong tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng xây dựng sân bay Quảng Ninh, chi phí xây dựng sân bay và mua sắm, lắp đặt thiết bị phục vụ bay trên 5.200 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án khoảng 25 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư 184,6 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 1.200 tỷ đồng, còn lại là chi phí GPMB và các chi phí phát sinh khác.

Theo Xây dựng