Tập đoàn Hoa Sen từ bỏ “siêu dự án” 10 tỷ USD thép Cà Ná

VietTimes – Tập đoàn Hoa Sen thoái toàn bộ vốn góp và giải thể 6 công ty thành viên được thành lập để phát triển dự án Khu liên hợp thép Cà Ná 10 tỷ USD.
Ảnh minh họa (Nguồn: HSG)
Ảnh minh họa (Nguồn: HSG)

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group – Mã CK: HSG) vừa thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp/cổ phần tại Công ty TNHH MTV Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và Công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.

Được biết, 2 doanh nghiệp trên đều có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, là thành viên của HSG được tập đoàn này nắm giữ 100% vốn điều lệ, hiện đang là chủ đầu tư của dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná và dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Cà Ná.

Về giá trị chuyển nhượng, HĐQT HSG thống nhất giá trị chuyển nhượng không được thấp hơn chi phí thực tế mà tập đoàn đã góp vốn vào các dự án tính đến thời điểm chuyển nhượng.

Đồng thời, HĐQT giao trách nhiệm cho Chủ tịch Lê Phước Vũ và Phó Chủ tịch Trần Ngọc Chu làm việc với đối tác có năng lực tài chính, quan tâm đến dự án để xúc tiến việc chuyển nhượng, đặc biệt là các đối tác lớn, có năng lực tài chính đang triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Ngoài ra, HĐQT HSG cũng thông qua giải thể 4 công ty con đã được thành lập để triển khai 2 dự án trên, gồm: Công ty TNHH MTV Đầu tư KLH Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Công ty TNHH MTV Xi măng Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; CTCP Hoa Sen Quy Nhơn.

Giải thích về việc rút khỏi 2 dự án trên, HĐQT HSG cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, sự chuyển biến của tình hình khách quan đã không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi xúc tiến đầu tư.

Bên cạnh đó, HSG sẽ tập trung nguồn lực vào việc củng cố, phát huy hiệu quả của mảng sản xuất kinh doanh chính là tôn, thép và nhựa; đảm bảo doanh thu, lợi nhuận ổn định, kéo giảm dư nợ vay về mức 3.000 – 4.000 tỷ đồng trong vài năm sau.

Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, được HSG kỳ vọng sẽ cho ra lò 16 triệu tấn thép mỗi năm. Dự án được Bộ Công thương đưa vào dự thảo quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Đến tháng 4/2017, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng dự án thép Cà Ná để làm rõ một số vấn đề liên quan đến môi trường, tổng mức đầu tư dự án và nhu cầu thép trong nước.

Hiện nay, HSG đang sở hữu 11 nhà máy với hệ thống gần 300 chi nhánh phân phối – bán lẻ trải dài trên khắp cả nước. Ngoài ra, HSG còn đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tính đến 30/6/2020, tổng tài sản của HSG đạt 16.436 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 6.150 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu niên độ 2019 – 2020, doanh thu thuần của HSG đạt 19.188 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 701 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.

Niên độ 2019 – 2020, HSG đặt kế hoạch doanh thu đạt 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 400 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, HSG đã hoàn thành 69% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 172%./.