Đại án “quan thương câu kết" ở Trung Quốc:

Tập Cận Bình quyết định xử lý 7 quan chức cấp bộ, 35 quan chức khác liên quan đến vụ vaccine giả

VietTimes -- Ngày 16/8, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã chủ trì Hội nghị Ban thường vụ Bộ Chính trị,  quyết định xử lý 42 quan chức có liên quan đến vụ việc, trong đó có 7 quan chức cấp bộ.  Đây là một vụ đại án điển hình của việc “quan thương câu kết” gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em và sự ổn định xã hội.
Công ty sinh học Trường Sinh, Cát Lâm - nơi xảy ra “Sự kiện Vaccine” và bà chủ Cao Tuấn Phương
Công ty sinh học Trường Sinh, Cát Lâm - nơi xảy ra “Sự kiện Vaccine” và bà chủ Cao Tuấn Phương

Vụ án “sự kiện vaccin” xảy ra ở Công ty Trường Sinh, Cát Lâm gây nguy hại đến tính mạng trẻ em tiếp tục có diễn biến mới. Ngày 16/8, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã chủ trì Hội nghị Ban thường vụ Bộ Chính trị, nghe báo cáo về kết quả điều tra và trách nhiệm của những người liên quan và đã quyết định xử lý 42 quan chức có liên quan đến vụ việc, trong đó có 7 quan chức cấp bộ. Diễn biến vụ việc và việc xử lý của lãnh đạo Trung Quốc cho thấy đây là một vụ đại án điển hình của việc “quan thương câu kết”.

KIm Dục Huy, Phó tỉnh trưởng Cát Lâm vừa bị cách chức
KIm Dục Huy, Phó tỉnh trưởng Cát Lâm vừa bị cách chức

Theo thông báo được đăng tải trên các cơ quan truyền thông, “Sự kiện Vaccine” này được định tính là “Vụ án lớn tính chất xấu xa”; 7 quan chức cao cấp bị xử lý với các mức độ khác nhau. Cụ thể: cách chức đối với Kim Dục Huy, Phó tỉnh trưởng Cát Lâm (từ tháng 4/2019 được phân công phụ trách công tác giám sát quản lý an toàn thực phẩm – dược phẩm của tỉnh); buộc từ chức Lý Tấn Tu, Phó Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh (từ tháng 12/2015 đến 4/2017 là Phó tỉnh trưởng phụ trách công tác giám sát quản lý an toàn thực phẩm – dược phẩm); yêu cầu tự xin từ chức đối với các ông Lưu Trường Long, Thị trưởng Trường Xuân, Tất Tỉnh Tuyền Bí thư đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng quản lý giám sát thị trường (từ 2/2015 đến 3/2018 là Tổng cục trưởng giám sát quản lý an toàn thực phẩm – dược phẩm); yêu cầu kiểm điểm sâu sắc các ông Khương Trị Oanh, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Cát Lâm, Bí thư châu ủy Diên Biên (từ 3/2012 đến 5/2016 là Phó bí thư, Thị trưởng Trường Xuân) và Tiêu Hồng, Cục trưởng quản lý giám sát dược phẩm quốc gia.

35 cán bộ không thuộc diện trung ương quản lý khác cũng bị yêu cầu xử lý theo phân cấp. Hội nghị cũng quyết định giao Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương - Ủy ban Giám sát quốc gia tiến hành lập hồ sơ điều tra đối với Ngô Trinh, nguyên Phó tổng cục trưởng giám sát quản lý an toàn thực phẩm – dược phẩm, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Sinh đẻ kế hoạch và Y tế (Thứ trưởng Bộ Y tế). Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc cũng ra lệnh tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Cát Lâm, Cục Quản lý giám sát dược phẩm quốc gia phải kiểm điểm sâu sắc trước trung ương Đảng và Quốc Vụ viện.

Ngô Trinh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Giám sát quản lý an toàn thực phẩm - dược phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế bị Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương quyết định điều tra
Ngô Trinh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Giám sát quản lý an toàn thực phẩm - dược phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế bị Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương quyết định điều tra 

Cùng ngày 16/8, Ban thường vụ tỉnh ủy Cát Lâm đã họp, quyết định xử lý những cán bộ liên đới trách nhiệm trong vụ việc Công ty Trường Sinh sản xuất tiêu thụ vaccine phòng bệnh chó dại cho người, cách chức Quách Hồng Sinh, Bí thư đảng ủy, Cục trưởng Cục giám sát quản lý an toàn thực phẩm – dược phẩm tỉnh và Bạch Tự Quý, Bí thư, Giám đốc Sở Công nghiệp và Tin học hóa tỉnh. Thành ủy Trường Xuân cũng họp Ban thường vụ, cách chức cả 2 ông Cục trưởng và Cục phó Cục giám sát quản lý an toàn thực phẩm – dược phẩm thành phố.

Ông Thạch Thực, một nhà bình luận về thời sự chính trị cho rằng, hội nghị Ban thường vụ Bộ Chính trị lần này đã cho thấy một “bí mật công khai”; đó là nhiều quan chức câu kết với gian thương để gây nên “Sự kiện Vaccine”, coi mạng người như cỏ rác. Nếu không có sự buông lỏng của các cơ quan giám sát quản lý thì những vaccine có vấn đề không thể được đưa ra thị trường, có quan chức dính líu đến vaccine độc hại nên đã tự sát vì sợ tội. Cụ thể, ngày 31/7, Tống Lập Trí, người phụ trách Phòng miễn dịch, Trung tâm khống chế dịch bệnh tỉnh Sơn Đông đã tiêm liều lượng lớn Insulin để tự sát (cứu chữa không được, đã chết hôm 8/8). Tống Lập Trí là 1 trong số 5 thành viên hội đồng đánh giá kiểm định đã thông qua loại vaccine DPT “3 trong 1” của Công ty Trường Sinh, người cho điểm số cao nhất.

Ngoài việc vung tiền hối lộ để “mua” các quan chức, chuyên gia; trong quá trình tiêu thụ vaccine có vấn đề, Công ty Trường Sinh đã câu kết, hối lộ các quan chức của ngành y tế, các trung tâm phòng dịch. Theo báo điện tử “Đệ nhất Tài kinh”, Trường Sinh có 25 nhân viên bán hàng, năm 2017 đã sử dụng tới 583 triệu NDT kinh phí dùng cho tiêu thụ sản phẩm, trong đó chi cho dịch vụ tiếp thị 442 triệu, chiếm tới 75,95% tổng kinh phí. Một người trong giới cho biết, những chi phí tiêu thụ này đã trở thành quy tắc ngầm trong nghề!

Trước đó, trang web Văn bản phán quyết của tòa án cho thấy, Trường Sinh liên đới đến gần 20 vụ án đưa hối lộ trong vòng gần 10 năm qua nhưng vẫn bình an vô sự cho thấy họ đã có những ô dù rất có thế lực cấp quốc gia bao che cho.

Mấy trăm ngàn trẻ em đã bị tiêm vào cơ thể những liều vaccine không đạt chất lượng
Mấy trăm ngàn trẻ em đã bị tiêm vào cơ thể những liều vaccine không đạt chất lượng 

“Sự kiện Vaccine” bắt đầu với việc hôm 15/7/2018, Công ty Trường Sinh, thành phố Trường Xuân, Cát Lâm bị nhà chức trách ra lệnh đình chỉ sản xuất vì hành vi làm hồ sơ giả khi sản xuất vaccine phòng bệnh chó dại dùng cho người; 6 ngày sau, họ lại bị phát hiện đã sử dụng trứng gà thải loại để bào chế vaccine.

Sau đó các vụ việc bê bối về vaccine độc hại liên tiếp bị đưa tin, trong đó có việc 499.800 liều vaccine DPT “3 trong 1” do Trường Sinh sản xuất không đạt quy cách. Theo báo chí, 499.800 liều vaccine này là 2 lô số 201605014-01 và 201605014-02 sản xuất cùng đợt. Lô có số đuôi “02” được tiêu thụ tới các tỉnh Sơn Đông và An Huy tổng cộng 247.200 liều, chỉ còn lại gần 10 ngàn liều, toàn bộ 95% liều vaccine có vấn đề đều đã được tiêm vào cơ thể các trẻ nhỏ.

Lô có số đuôi “01” gồm 252.600 liều tất cả được tiêu thụ tới tỉnh Sơn Đông, trong đó 247.359 liều đã được tiêm cho trẻ em hoặc hao tổn, chỉ còn lại trong kho 5.241 liều.

Điều kỳ lạ là, mặc dù Cục quản lý giám sát dược phẩm tỉnh Cát Lâm đã lập hồ sơ điều tra  lô “01” từ tháng 10/2017, nhưng việc xử lý luôn “không được phép công khai”, mãi đến tháng 7/2018 Công ty Trường Sinh mới bị xử phạt. Sau khi vụ bê bối 250 ngàn liều vaccine DPT không hợp quy cách của Trường Sinh bị phanh phui, đến lượt hơn 400 ngàn liều vaccine DPT của Công ty sinh học Vũ Hán không đạt quy cách được tiêu thụ ở Trùng Khánh, Vũ Hán cũng bị đưa ra ánh sáng.

Sau đó, 18 quan chức quản lý cao cấp và đại cổ đông của Công ty Trường Sinh bị bắt; nhưng các quan chức quản lý và cổ đông của Công ty sinh học Vũ Hán thậm chí còn sai phạm nghiêm trọng hơn thì đến nay vẫn bình an vô sự. Có thông tin cho biết nguyên nhân có thể do các đại cổ đông của công ty là những cơ quan thuộc Quốc Vụ viện và công ty quốc doanh nên việc xử lý gặp nhiều trở lực lớn.

Sau khi các vụ bê bối vaccine được đưa tin, nhiều người mẹ đã phẫn nộ lên tiếng chất vấn: “Con tôi bị tiêm vaccine có vấn đề giờ làm thế nào?”, “Cơ quan giám sát quản lý đi đâu cả?”…Nhiều nơi đã xuất hiện các cuộc tụ tập đông người yêu cầu chính quyền có câu trả lời thích đáng đối với những trẻ em xuất hiện những vấn đề về sức khỏe sau khi bị tiêm những liều vaccine không đạt chất lượng này.