Tạo sức bật thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Người bệnh, người dân luôn mong mỏi các bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, giảm các thủ tục hành chính rườm rà.
Chuyển đổi số được xem là công cụ để ngành y tế “thay máu”.
Chuyển đổi số được xem là công cụ để ngành y tế “thay máu”.

Bớt một thao tác, nhẹ thêm sức người

Các thủ tục hành chính, quy trình rườm rà tại bệnh viện công là gánh nặng với người dân mỗi khi ốm đau phải đi khám chữa bệnh. Điều đó khiến ngày càng nhiều người tìm tới các cơ sở y tế tư nhân, người có điều kiện kinh tế thì lựa chọn ra nước ngoài chữa bệnh. Thực tế này nếu không sớm được khắc phục sẽ là “đòn chí mạng” với các bệnh viện công.

Chuyển đổi số được xem là công cụ để ngành y tế “thay máu”. Tại Bệnh viện E (Hà Nội), người dân có thể đặt lịch khám chữa bệnh qua điện thoại, qua mạng mà không cần phải đến tận nơi xếp hàng, đăng ký khám. Trong khi dịch bệnh hoành hành, người dân còn được bác sĩ tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

Siêu âm tim là một kỹ thuật khó trong y khoa, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ, triển khai khám chữa bệnh từ xa, các bác sĩ tại Hà Nội có thể thực hiện siêu âm tim cho cả những người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Hay các bác sĩ tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương có thể phối hợp với các bác sĩ ở nhiều tỉnh, thành phố khác để hội chẩn, điều trị các ca bệnh nặng ở tuyến dưới mà người bệnh không cần chuyển tuyến.

Sức mạnh của khám chữa bệnh từ xa là rất lớn. Nói như ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đây thực sự là “cuộc thay máu” lớn trong ngành y, khiến các cơ sở y tế trong nước tiệm cận dần trình độ quốc tế, giảm thời gian, chi phí và bức xúc của người bệnh.

Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, ngoài khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin tại mỗi cơ sở y tế, đồng bộ mã số định danh y tế (ID), xây dựng bệnh viện thông minh, ngành y tế còn đang triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng”. Theo đó, mỗi người có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc như là bác sĩ riêng.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng phát triển cổng sức khỏe, cho phép người dân có thể quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe của mình; phát triển các ứng dụng nhắn tin thông báo về thông tin sức khỏe cho người dân trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; xây dựng, triển khai hệ thống quản lý và cổng thông tin về ngộ độc thực phẩm, phản ánh các thông tin mất an toàn vệ sinh thực phẩm, cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm cho người dân qua các ứng dụng nhắn tin di động, kết nối với thông tin kiểm nghiệm thực phẩm.

Tầm nhìn của tương lai

Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế đã đạt được những hiệu quả nhất định trong thời gian qua. Tuy vậy, để đây là bệ phóng giúp ngành này hội nhập quốc tế, vẫn cần một chiến lược dài hơi. Tầm nhìn của chuyển đổi số trong ngành y tế tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành, hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Để làm được điều đó, theo ông Trần Quý Tường, cần chuyển đổi nhận thức, tăng truyền thông, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phát triển hạ tầng số y tế; phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu y tế.

Một số chuyên gia khác cho rằng, ngành y tế cần ứng dụng các công nghệ phân tích (Analytics) để phân tích kịp thời, chính xác số liệu về hoạt động y tế, giúp dự báo về diễn biến sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng, từ đó có các chính sách quản lý y tế phù hợp. Đồng thời, phát triển nền tảng số trong y tế, phát triển nền tảng tích hợp dữ liệu y tế quốc gia, kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu y tế quốc gia, các hệ thống y tế chuyên ngành, thống kê y tế...

Những chính sách vĩ mô dù quan trọng, song sẽ không thể thực thi có hiệu quả nếu các cơ sở không chuyển động. Các bệnh viện phải tiến hành chuyển đổi số đồng bộ và kết nối phần mềm với nhau và với Bộ Y tế, cơ quan bảo hiểm y tế.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, đề án khám chữa bệnh từ xa và hồ sơ sức khỏe điện tử là chiến lược quan trọng của ngành y tế, đặc biệt trong giai đoạn tất cả các bộ, ngành đều tham gia chương trình chuyển đổi số quốc gia. Hai mục tiêu xuyên suốt của đề án là tất cả các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện được hỗ trợ chuyên môn liên tục và mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên.

Theo Báo Đầu tư