Tăng vốn nghìn tỷ, chứng khoán Everest lộ tham vọng mới

VietTimes -- Vừa thực hiện niêm yết trên sàn Upcom vào đầu tháng 8/2018, cũng giống như nhiều công ty chứng khoán khác, Công ty Cổ phần chứng khoán Everest (Mã CK: EVS) đặt kế hoạch tăng vốn cán mốc 1.000 tỷ đồng, bổ sung nguồn lực tài chính cho những bước tiến xa hơn.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trên thực tế, nhằm đáp ứng quá trình phát triển của công ty và nhu cầu của thị trường, EVS đã nhiều lần thực hiện huy động thêm nguồn lực tài chính mới, một yêu cầu cơ bản trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính.

Cụ thể, lần tăng vốn điều lệ gần đây nhất diễn ra vào năm 2014, EVS đã thực hiện tăng vốn từ mức 300 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng. Tới tháng 7/2018, EVS tiếp tục bổ sung thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp mệnh giá 300 tỷ đồng.

Ngày 20/8/2018, Hội đồng quản trị (HĐQT) EVS đã thông qua quyết định triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến ngay trong quý 4/2018.

Một phần nguyên nhân xuất phát từ những dấu hiệu chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, báo cáo tài chính (đã soát xét) 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy, EVS đạt lợi nhuận sau thuế 18,5 tỷ đồng, gấp 8 lần con số 2,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, việc thực hiện tăng vốn sẽ giúp bổ sung nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh lĩnh vực tài chính – chứng khoán cơ bản như: giao dịch cho vay ký quỹ chứng khoán, hoạt động tự doanh.

Hơn nữa, quy mô vốn 1.000 tỷ đồng sẽ giúp EVS đạt được quy định về mặt tài chính, hướng tới mục tiêu gia nhập thị trường chứng khoán phái sinh.

Hiện tại, trên thị trường mới chỉ có 9 công ty chứng khoán (CTCK) đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh, bao gồm: SSI, VND, HSC, BSC, MBS, VPBS, VCSC, KIS và VCBS. Trong đó, MBS là thành viên giao dịch; các CTCK còn lại vừa là thành viên giao dịch, vừa là thành viên bù trừ.

Với đặc thù của ngành chứng khoán là tất cả các lĩnh vực đều có sự tiến hóa nhanh chóng, nếu doanh nghiệp không có sự bắt nhịp kịp thời thì sẽ dần thụt lùi, lạc hậu và để mất thị phần. Dù có nhiều năm hoạt động, song EVS vẫn chưa thực sự ghi được dấu ấn nổi bật trong về nhân sự, mạng lưới và thị phần trên thị trường.

Vì thế, cuộc đua trở thành đơn vị thứ 10 trên thị trường chứng khoán phái sinh (cũng là đích đến của nhiều CTCK khác) sẽ là thách thức không nhỏ cho EVS.

Xác định rõ “phải làm cho được kinh doanh chứng khoán phái sinh”, ông Vũ Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc EVS đã vạch ra các mục tiêu cụ thể về nhân sự, công nghệ, mạng lưới dịch vụ và dịch vụ tài chính cho giai đoạn tới.

Đối với vấn đề nhân sự, EVS đã bắt đầu từ các vị trí cấp cao. Cụ thể, Ban Điều hành EVS đã bổ sung thêm bà Ngô Thị Thu Hương làm Phó Tổng Giám đốc. Đồng thời chốt danh sách tham dự Đại hội cổ đông bất thường, dự kiến tổ chức ngay trong tháng 10/2018 để bổ sung thêm 1 thành viên HĐQT.

Trong tháng 9 tới, ngoài Hội sở chính, EVS sẽ nâng số lượng mạng lưới hoạt động lên 2 chi nhánh tại TP HCM và 2 phòng giao dịch tại Hà Nội với việc khai trương thêm chi nhánh Hàm Nghi.

Trong kế hoạch đến cuối năm, công ty cũng sẽ thực hiện việc phát triển thêm 1 phòng giao dịch; đầu tư kết hợp đồng bộ vào trụ sở chính mới (dự kiến tại Hai Bà Trưng) và hệ thống máy chủ, tiện ích giao dịch mới.

Với kế hoạch đầy tham vọng, EVS sẽ trở thành một ẩn số khá thú vị trong cuộc đua tìm đến “mảnh đất” còn khá mới mẻ nhưng giàu tiềm năng là thị trường chứng khoán phái sinh./.