Tăng trưởng tín dụng 14% vẫn là cao, các năm tới chỉ nên 11 - 12%/năm

VietTimes -- TS. Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công của Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), đã đánh giá và đưa ra khuyến nghị như vậy. Theo ông Thành, mức tăng trưởng tín dụng 14% năm 2018 - dù đã khiêm tốn hơn nhiều so với các năm trước - nhưng vẫn là cao so với GDP. Về mặt trung hạn, để ổn định vĩ mô thì tăng trưởng tín dụng trong các năm tới cần phải thấp hơn nữa. "Chỉ từ 11 - 12%/năm", vị chuyên gia của FUV khuyến nghị.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công của Trường Đại học Fulbright Việt Nam trình bày tại Hội thảo chuyên đề (seminar) với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019” (Ảnh: P.D)
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công của Trường Đại học Fulbright Việt Nam trình bày tại Hội thảo chuyên đề (seminar) với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019” (Ảnh: P.D)

Nhiều lĩnh vực đã quay trở lại mức tăng trưởng tốt

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, nếu như động lực tăng trưởng năm 2016 của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, thì sang năm 2017, tăng trưởng được thúc đẩy nhờ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI.

Mặt khác, về chính sách vĩ mô, hầu như chính sách tài khóa không mở rộng được (kiểm soát chi tiêu, trần nợ công) nên tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào chính sách tiền tệ trong giai đoạn 2016 - 2017. Số liệu cho thấy, chính sách tiền tệ nới lỏng với mức độ tăng trưởng tín dụng trên 18% trong giai đoạn này đã góp phần kích thích sản xuất, tiêu dùng và bất động sản phát triển tốt.

“Riêng năm 2018, chính sách tiền tệ không còn nới lỏng như trước nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Điều này cho thấy có những tín hiệu tích cực hơn.” - chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhận định.

Về dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, trung bình các năm gần đây, lượng vốn FDI đăng ký và giải ngân vào khoảng 15 - 19 tỷ USD. Nếu như tình trạng vốn FDI “đăng ký nhiều nhưng giải ngân ít” là câu chuyện của các năm trước, thì trong những năm gần đây, mức giải ngân đã được cải thiện rõ rệt. Điểm đến của đa số dòng vốn này tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo đã góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu.

Vì vậy, trong năm 2018, khối FDI đã có đóng góp rất lớn trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Xét về tăng trưởng GDP sau khi loại bỏ các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng, tăng trưởng nền kinh tế cả nước đạt tới 9%. Mức tăng trưởng này được đánh giá cao hơn tốc độ tăng trưởng GDRP của TP. HCM (8,3%) - một địa phương có tỷ trọng nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng ở mức thấp, càng cho thấy những chuyển biến tích cực trong động lực phát triển kinh tế.

Ngành dịch vụ đã tăng trưởng 7%, ngành công nghiệp tăng trưởng 13% trong năm 2018. Đây là xu hướng tăng trưởng được vị chuyên gia này đánh giá cao nhưng cũng không dễ để có thể nhận biết được.

“Nhìn lại giai đoạn hơn 20 năm qua, tăng trưởng của nền kinh tế (sau khi loại bỏ nông nghiệp, công nghiệp khai thác) đạt đỉnh vào năm 2005, giảm dần và tạo đáy vào năm 2008. Nhờ các động thái kích cầu, chỉ số này hồi phục trong giai đoạn 2009 - 2010 trước chững lại từ năm 2011 - 2014 bởi những vấn đề trong hệ thống ngân hàng.

Tới giai đoạn từ 2015 - 2017, chỉ số này tăng nhanh trở lại và quay lại mức tăng trưởng tích cực đã đạt được những năm trước đây” - chuyên gia Nguyễn Xuân Thành phân tích.

Ngoài ra, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng cho thấy có sự tăng trưởng vượt bậc của ngành chế biến - chế tạo, khi chỉ số của Việt Nam hiện đang cao hơn một số nước trong khu vực như: Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia.

Tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại trong các năm tới

Nhận định về chính sách tiền tệ, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng điểm tích cực nhất là việc giảm được tăng trưởng tín dụng.

Hoạt động này góp phần hạn chế tình trạng bong bóng trong lĩnh vực bất động sản và rủi ro tín dụng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt được ở mức cao cũng cho thấy hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay đã hiệu quả hơn.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý về việc sử dụng “đòn bẩy” trong nền kinh tế, khi tỷ lệ nợ công ở mức 61,1% GDP và tỷ lệ tín dụng cho khu vực tư nhân ở quanh mức 130% GDP.

Mà nên nhớ, đấy là các số liệu thống kê chưa bao gồm tín dụng “đen” và tín dụng phi chính thức.

Mức tăng trưởng tín dụng 14% năm 2018 vẫn được vị chuyên gia này đánh giá là cao so với GDP - dù rằng nó đã thấp hơn đáng kể so với các năm trước (năm 2017: 18,17%; năm 2016: 18,71%). Về mặt trung hạn, để ổn định vĩ mô, TS. Nguyễn Xuân Thành khuyến nghị tăng trưởng tín dụng trong các năm tới cần phải thấp hơn. "Chỉ từ 11 - 12%/năm", vị chuyên gia của FUV khuyến nghị.

“Trước đây, khi nền tài chính chưa phát triển người ta không đi vay mà dùng vốn tự có. Nhưng đến một giai đoạn, khi nền tài chính phát triển theo chiều rộng và chiều sâu thì tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán có thể cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của GDP” - ông Thành chia sẻ thêm.

Chính sách tiền tệ thắt chặt cùng giá dầu suy giảm trong nửa cuối năm 2018 cũng góp phần kiểm soát lạm phát một cách có hiệu quả.

Cụ thể, sau quá trình nới lỏng tiền tệ giai đoạn 2016 - 2017, xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại về áp lực lạm phát (chưa kể tác động từ giá dầu hồi phục trở lại) trong năm 2018. Trên thực tế, lạm phát đã có dấu hiệu gia tăng trong 6 tháng đầu năm nhưng áp lực đã giảm bớt đáng kể ở nửa cuối năm 2018.

Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cũng có những dự báo lạc quan về biến động tỷ giá trong năm 2019 với lộ trình nâng lãi suất “nhẹ nhàng hơn nhiều" của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Theo tính toán của vị chuyên gia này, để đạt được lạm phát mục tiêu là 2%, mức lãi suất liên ngân hàng sẽ phải ở trong khoảng từ 2,75 - 3% (đã bao gồm cả biên độ dao động là 50 điểm phần trăm). Do đó, Fed chỉ cần tăng lãi suất thêm 2 lần nữa sẽ đạt tới mặt bằng lãi suất cần thiết.

Với kịch bản này, áp lực lên thị trường tài chính thế giới sẽ được giảm bớt, thậm chí, đồng USD có thể sẽ mất giá trong năm tới./.