Tăng ngân sách cho TP.HCM: Cải cách thể chế mới là chìa khóa!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các chuyên gia cho rằng, cải cách thể chế mới là chìa khóa để TP.HCM bứt phá, vươn tầm cạnh tranh với các đô thị trong khu vực.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: FUV
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: FUV

Các chuyên gia kinh tế tin rằng việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 23% sẽ đem lại nhiều tác động tích cực cho TP.HCM trong bối cảnh “đầu tàu” kinh tế của cả nước đang đối mặt với bài toán nan giải về nguồn lực.

Kích hoạt nguồn lực xã hội

Nhìn trực quan, TP.HCM đang đối diện một loạt khó khăn: Cơ sở hạ tầng yếu kém, xuống cấp, tắc đường, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, cung ứng dịch vụ công hạn chế… không đáp ứng được nhu cầu của một siêu đô thị với dân số ngày càng tăng, mật độ dân số cao nhất cả nước.

Đây là biểu hiện rõ rệt của tình trạng thiếu và khan hiếm nguồn lực.

Việc tăng tỷ lệ điều tiết từ 18% lên 23% chỉ là một trong những biện pháp để có thể tăng nguồn lực cho TP.HCM. Như phân tích ở bài trước, con số 5% tăng thêm này tương đương với khoảng 11 ngàn tỉ đồng.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) mức này chỉ đủ để Thành phố đầu tư vào một dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, vốn từ lâu được coi là “nút thắt” tăng trưởng của đô thị lớn nhất cả nước này.

Nhưng ý nghĩa của phần ngân sách được giữ lại, không chỉ nằm ở con số tuyệt đối này. Theo TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đây là nguồn vốn mồi góp phần tạo ra tác động lan toả để từ đó thu hút nguồn vốn tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài cùng tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng dưới hình thức đối tác công - tư (PPP).

Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy cứ chi 1 đồng ngân sách thì thu hút được 10 đồng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài.

“Điều đó cho thấy nguồn vốn mồi của ngân sách thực sự tạo động lực và kích hoạt nguồn vốn xã hội tham gia đầu tư phát triển”, ông Lực nhận xét.

Toàn cảnh công trường thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. TP.HCM nhiều năm nay đối diện với tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng để phát triển hạ tầng giao thông. Ảnh: Zing

Toàn cảnh công trường thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. TP.HCM nhiều năm nay đối diện với tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng để phát triển hạ tầng giao thông. Ảnh: Zing

Nhưng dành thêm nguồn lực ngân sách cho TP.HCM chỉ giải quyết được một phần nan đề về vốn phát triển. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý - Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ), có một yếu tố quan trọng nếu thực hiện được sẽ mở ra các cánh cửa khác, thậm chí là “vận hội” khác cho TP.HCM phát triển.

Đó là cho phép TP.HCM thử nghiệm các cơ chế sáng tạo nhằm huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Một trong những cơ chế thí điểm, theo đề xuất của chuyên gia này, đó là cho thành phố cơ chế phát hành "trái phiếu công trình" để thực hiện các giao dịch tài chính để vay vốn.

“Ví dụ khi xây một cây cầu, chúng ta xác định một quỹ đất công gắn liền và được hưởng lợi trực tiếp từ công trình đó. Dùng đất công đi huy động trái phiếu công trình. Lúc đó ngân sách Nhà nước sẽ được tiết kiệm bởi vì chúng ta huy động thông qua thị trường tài chính.

Khi công trình đó gần hoàn thành thì giá trị đất theo giá thị trường sẽ đi lên. Chúng ta bán đấu giá đất công lấy tiền tài trợ cho chính cơ sở hạ tầng đó,” TS. Tự Anh giải thích.

Chìa khoá ở cải cách thể chế

Khan hiếm nguồn lực, tuy vậy, mới chỉ là “phần nổi” dễ thấy nhất của “tảng băng trôi”. Câu chuyện quan trọng hơn, theo các chuyên gia, là Thành phố phải tháo gỡ những rào cản về cơ chế chính sách.

Đây cũng được xem là một “điểm nghẽn” tăng trưởng của TP.HCM trong nhiều năm nay.

Nếu như trong thời kì đầu Đổi Mới, TP.HCM là xuất phát điểm của những thí điểm cải cách để từ đó nhân rộng ra cả nước thì trong 10 năm qua, “Thành phố đã đánh mất vai trò là niềm cảm hứng cho cả nước về cải cách và đột phá thể chế”, TS. Vũ Thành Tự Anh thẳng thắn nhận xét.

“Nếu muốn phát triển để trở thành đô thị sánh ngang với các đô thị lớn như Seoul hay Singapore mà không làm được điều này thì chúng ta tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Cải cách thể chế do vậy là một trong những yêu cầu hàng đầu”, TS. Tự Anh cảnh báo.

Trên thực tế, TP.HCM đang dần tụt hậu so với các đô thị khác trong khu vực. Điều này thể hiện rõ rệt qua các chỉ số đánh giá của các tổ chức quốc tế liên quan đến tiềm năng tăng trưởng, sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, tính đổi mới sáng tạo của địa phương.

Bảng xếp hạng và triển vọng của 120 thành phố toàn cầu. TP.HCM đang xếp thứ 97/120 và triển vọng tương lai có thể vươn lên thứ hạng 90/120. Nguồn: TS Tự Anh cung cấp

Bảng xếp hạng và triển vọng của 120 thành phố toàn cầu. TP.HCM đang xếp thứ 97/120 và triển vọng tương lai có thể vươn lên thứ hạng 90/120. Nguồn: TS Tự Anh cung cấp

TS. Tự Anh dẫn chứng Bảng xếp hạng và triển vọng 120 thành phố toàn cầu năm 2020, theo đó thứ hạng thành phố toàn cầu của TP.HCM đứng thứ 97, cách khá xa so với một số thành phố khác trong khu vực như Jakarta (hạng 70), Kuala Lumpur (hạng 58), Bangkok (hạng 36), Singapore (hạng 9).

Chuyên gia đến từ Đại học Fulbright cho rằng, đối với TP.HCM, cải cách thể chế bao gồm cải cách về quản lý và phát triển cho một siêu đô thị hiện đại, và cải cách thể chế về môi trường kinh doanh và đầu tư.

Nếu như trước đây, Thành phố chỉ tập trung vào việc thu hút lao động chi phí rẻ và kỹ năng trung bình, thì bây giờ phải thu hút những tập đoàn lớn nhất toàn cầu đến đầu tư.

Điều đó có nghĩa Thành phố phải tạo ra “đất lành chim đậu” cho người dân và tạo ra được những cái ổ để đón “chim đại bàng cho doanh nghiệp”.

Theo TS Tự Anh, cải cách thể chế đòi hỏi những lời giải rõ ràng, cụ thể và quyết tâm thực thi các giải pháp đến cùng, chứ không phải là những khẩu hiệu mang tính hô hào.

Ví dụ như chính quyền Thành phố phải tạo ra những điều kiện cần thiết như làm thế nào để tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng hiệu quả? Làm thế nào để xây dựng một chính quyền đô thị gần dân và có trách nhiệm giải trình?

Làm thế nào để giảm đi những tắc nghẽn, giảm ngập nước và cải thiện môi trường, biến thành phố thành nơi đáng sống...?

Điểm thử nghiệm các cải cách mới

Những đề xuất của các chuyên gia về “thí điểm cải cách thể chế” tại TP.HCM thực chất không phải là ý tưởng mới. Tháng 11 năm 2017, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 54 cho phép triển khai những thí điểm về cải cách cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Nghị quyết 54 mặc dù có vai trò vô cùng quan trọng, nhưng theo TS Vũ Thành Tự Anh, việc gói tất cả các thứ lại thành một nghị quyết vừa không bao trùm được hết các lĩnh vực lại vừa không đủ cụ thể để đáp ứng được nhu cầu của các công việc.

Cụ thể như: phát triển thị trường tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng hay tạo ra một thành phố thông minh.

“Do vậy, các chính sách thí điểm nên gắn vào một hoạt động cụ thể nào đó.” TS Tự Anh nêu quan điểm.

Ví dụ: TP.HCM muốn phát triển trung tâm tài chính ở Quận 1 và Thủ Thiêm thì cần xây dựng một cơ chế thí điểm về chính sách áp dụng riêng cho lĩnh vực này. Nếu như TP.HCM muốn phát triển TP. Thủ Đức thì cần một cơ chế thí điểm chính sách cho Thủ Đức…

TP.HCM cần được định vị như một điểm đột phá trong chiến lược phát triển quốc gia.

TP.HCM cần được định vị như một điểm đột phá trong chiến lược phát triển quốc gia.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực đang triển khai mạnh mẽ mô hình “policy sandbox” – “khung thử nghiệm thể chế”, nhằm nắm bắt các vận hội mới của thời đại 4.0 để bứt tốc phát triển, nhu cầu đột phá thể chế càng trở nên cấp bách hơn đối với TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Bởi lẽ, cạnh tranh giữa các quốc gia ngày nay, thực chất là cạnh tranh của các đô thị trung tâm.

Nếu nhìn ở khía cạnh này, với vai trò của đầu tàu kinh tế và siêu đô thị lớn nhất cả nước, TP.HCM cần được định vị như một điểm đột phá trong chiến lược phát triển của quốc gia, nơi thử nghiệm các cải cách mới để đưa Việt Nam đi đến vị trí tiên phong và cạnh tranh một cách ngang hàng bình đẳng với các đô thị khác trên thế giới.

“Lúc đó, Thành phố mới có thêm không gian để mở ra các phương thức mới về quản trị địa phương và huy động nguồn lực.” TS Vũ Thành Tự Anh nói.

Nhưng mặt khác, TP.HCM không thể đi một mình nếu muốn xứng đáng với vai trò đầu tàu của cả nước và vươn tầm cạnh tranh quốc tế.

Điều đó có nghĩa là vai trò của TP.HCM như một trụ cột, người kết nối, người điều phối cả vùng trọng điểm kinh tế phía Nam phải được khẳng định thông qua các chính sách liên kết vùng, từ cơ sở hạ tầng giao thông cho tới giao lưu hàng hoá, tài chính…/.