Tăng cường phối hợp giữa nhà quản lý, báo chí và doanh nghiệp trong xuất khẩu lao động

VietTimes -- Trong hai ngày 3 và 4/10, tại Quảng Ninh, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị truyền thông về xuất khẩu lao động.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Khánh Duy)
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Khánh Duy)

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nêu bật những kết quả trong công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ). Năm 2017, XKLĐ đạt được trên 134 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 28,3% kế hoạch. Năm 2018 đạt hơn 142 nghìn lao động, vượt 30% kế hoạch, là năm thứ năm liên tiếp vượt mức 100.000 lao động. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã có gần 67 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 55,82% kế hoạch. Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng được nâng cao; ngành nghề mở rộng. Các thị trường chính của Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng cường, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Malaysia và gần đây là một số thị trường châu Âu cũng có những tín hiệu tích cực.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, những kết quả trên có một phần đóng góp của công tác truyền thông, trong đó có vai trò nổi bật của báo chí.

Tuy nhiên, công tác truyền thông về XKLĐ thời gian qua cũng có có những hạn chế. Việc tuyên truyền vẫn còn một chiều, chỉ tập trung vào các điểm “nóng”, những vụ việc phát sinh mà chưa chú ý đúng mức đến các vấn đề bức xúc  như nâng cao chất lượng nguồn lao động đưa đi, vấn đề tạo việc làm hậu xuất khẩu lao động, các tấm gương sáng hoàn thành hợp đồng về nước lập nghiệp thành công…

Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động còn thiếu thông tin, khả năng tự liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp XKLĐ là khó khăn; xảy ra các trường người lao động bị kẻ xấu lừa đảo do thiếu thông tin, gây tâm lý hoang mang cho người lao động và xã hội.

Để khắc phục những hạn chế này, công tác truyền thông về xuất khẩu lao động, nhất là trên các phương tiện truyền thông đại chúng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục với tần suất và chất lượng cao hơn.

TS. Trần Ngọc Diễn (phải), Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội, đồng chủ trì hội nghị (Ảnh: Khánh Duy)
TS. Trần Ngọc Diễn (phải), Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội, đồng chủ trì hội nghị (Ảnh: Khánh Duy)

Theo TS. Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội - hiện nay chúng ta chưa có tờ báo điện tử nào chuyên về vấn đề việc làm nói chung, XKLĐ nói riêng, mà chỉ có các website của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước, các Sở LĐTBXH, các trung tâm DVVL, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về xuất khẩu lao động…Do đó, dẫn đến việc thông tin không có tính liên tục, người có nhu cầu tìm thông tin phải tìm giữa “biển thông tin” về XKLĐ trên mạng nhưng lại khó nhận biết biết đâu là tin chính thống.

Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do sự phối hợp, cung cấp thông tin, trao đổi hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp XKLĐ với các cơ quan báo chí ở một số thời điểm vẫn còn chưa kịp thời và nhịp nhàng; truyền thông về XKLĐ vẫn tập trung nhiều ở cấp Trung ương mà được chú trọng nhiều ở cấp địa phương. Trong khi đó, một số cơ quan báo chí cũng thường trông chờ vào nội dung, đề tài tuyên truyền từ các cơ quan có trách nhiệm nên chưa thực sự chủ động trong phát hiện vấn đề và tổ chức các tuyến bài chuyên sâu về lĩnh vực này.

Bởi vậy, trong thời gian tới, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về xuất khẩu lao động, ông TS. Trần Ngọc Diễn đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Cục Quản lý lao động ngoài nước, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền về XKLĐ; có hình thức trao đổi nội dung tuyên truyền định kỳ tháng hoặc quý với các cơ quan truyền thông để chia sẻ, định hướng thông tin.

Các cơ quan báo chí, trong tuyên truyền về XKLĐ cần đóng vai trò như là một “nhà tư vấn” về luật pháp, chính sách, định hướng cho người lao động khi tham gia XKLĐ, đặc biệt là cần đẩy mạnh tuyên truyền chuyên sâu về mục đích ý nghĩa cụ thể và sâu xa của các chương trình XKLĐ để người dân hiểu và thực hiện theo đúng định hướng của chương trình.

Cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp XKLĐ và báo chí, trong đó các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc nước ngoài nên có đại diện truyền thông nhằm kết nối và phối hợp trong công tác cung cấp những tư liệu, thông tin đầy đủ, chính xác cho báo chí, xác nhận và xử lý kịp thời những thông tin sai lệch hoặc chưa được kiểm chứng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các bên liên quan.