Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, ký ức một thời: Kỳ 2 - Tầm nhìn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Phạm Minh Chính vẫn sắc phục và phong thái giản dị quen thuộc ngày nào cười cười với đám khách - cánh nhà báo chúng tôi: "Cơm cày cơm cấy - ai thấy thì ăn"- Xuân Ba.
Ông Phạm Minh Chính và tác giả Xuân Ba trong một chuyến công tác.
Ông Phạm Minh Chính và tác giả Xuân Ba trong một chuyến công tác.

Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, ký ức một thời: Kỳ 1- Thời khó

"Gửi nhà báo Xuân Ba!

Thanh Hóa quê choa có tiếng là nhiều năm liên tiếp được mùa vượt mức kế hoạch với sản lượng lương thực lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 6 cả nước. Mỗi năm có hơn 300.000 tấn lương thực dư thừa trôi nổi...

Thế mà lạ, nhà báo có đọc báo không, có biết không? Đang rộ lên chuyện kỳ giáp hạt năm 2011 này Thanh Hóa đói gay gắt, đói trên diện rộng với 93.810 hộ đói quy ra nhân khẩu là 243.000 người!

Những con số ấy trên một số tờ báo so với thực trạng như thế nào? Tôi hy vọng anh em nên có những chuyến thực tế vô Thanh…"

Có chút chi đó như giật mình trước lời nhắc như sẻ chia, như thúc giục của dạng ý kiến bạn đọc của cộng tác viên như Phạm Minh Chính.

Lần đó tôi và nhóm phóng viên đã vô Thanh hơn tuần...

Hết lang thang mấy vùng trọng điểm lúa Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, Quảng Xương,... Lại ngược lên vùng Quan Sơn, Bá Thước. Trên mạn ngược, hết ngồi với Bí thư, Chủ tịch huyện, lại về xuôi ngồi với với ông Nguyễn Đình Xứng (khi đó là Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa, sau này là Chủ tịch tỉnh).

Giật mình khi nghe ông Xứng dẫn ra "Thanh Hóa sản lượng lương thực lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 6 cả nước: năm 2006: 1.632.000 tấn; 2007: 1.630.000 tấn; 2008: 1637.000 tấn; 2009: 1.661.000 tấn; năm 2010: 1.661.000 tấn".

Năm 2010, bình quân lương thực có hạt là 475 kg/người; trong đó, thóc là 400kg. Ở miền núi, bình quân lương thực là 393 kg/người, trong đó, lúa là 284 kg/ người. Ở ven biển, lượng lương thực bình quân là 406 kg/người, trong đó, lúa là 366 kg/người. Nghe đâu vượt cả tiêu chuẩn của FAO? Quái lạ, đói gay gắt, đói trên diện rộng là thế nào?

Tôi đến cái nơi phát ra thông tin "93.810 hộ đói - quy ra nhân khẩu là 243 ngàn người". Đó là Sở Thương binh - Xã hội Thanh Hóa. Bà Giám đốc Sở cật vấn bằng câu hỏi: "Nhà báo tính xem với số dân Thanh Hóa là 3.461.000 người? Cứ cho con số 93.810 hộ với 243 ngàn người bị đói là chính xác thì tỷ lệ đói mới 7,02 % so với dân số toàn tỉnh. Vậy đã chuẩn và thỏa đáng chưa khi nói Thanh Hóa đói trên diện rộng? Với lại qua thống kê điều tra, chưa thấy có hộ nào đứt bữa?"

Hóa ra con số 93.810 hộ đói không phải "cái anh làm truyền thông" nào đó tùy tiện sáng tác ra mà là con số qua thống kê vội vã lẫn hào phóng của các địa phương gửi về Sở! Vội vã là bởi chưa tìm hiểu, điều tra chính xác cụ thể những hộ đói của từng thôn, bản, làng, xã theo tiêu chí của đợt cứu đói cữ giáp hạt này nên đã xảy ra tình trạng vênh và khống!

Chúng tôi đã thực hiện loạt bài 4 kỳ báo về thực trạng vênh và khống này. Chuyện khá thú vị là sau loạt bài điều tra ấy, một số địa phương ngoài Thanh Hóa "có tật nên giật mình" tự nguyện rút bớt số hộ đói cũng như lượng gạo cứu đói!

Chưa kịp hồi âm với Tướng Chính thì nghe ông đã được điều về Quảng Ninh…

Chiều 5/4, Quốc hội đã bỏ phiếu bầu ông Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương vào chức vụ Thủ tướng Chính phủ.

Chiều 5/4, Quốc hội đã bỏ phiếu bầu ông Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương vào chức vụ Thủ tướng Chính phủ.

Chợt nhớ câu hơi bị lạ ở Quảng Ninh là "dân mượn, quan thuê" để chỉ hiện tượng dân bản địa Quảng Ninh chiếm tỷ lệ rất ít mà dân số hầu hết do người Thái Bình, Hà Nam , Hải Phòng... ra đây làm ăn. Và quan đầu tỉnh lâu nay vẫn được Trung ương điều nơi khác về? Tiền nhiệm Bí thư Tỉnh ủy của ông Chính là ông Vũ Đức Đam. Không dám và chả nên làm cái sự sánh so này khác nhưng trộm nghĩ dứt khoát trên phải điều những người tài về trị nhậm vùng phên dậu quốc gia này. Phải là thế nào ông Đam, tuổi Mão (sinh năm 1963), vừa mãn nhiệm ở Quảng Ninh thì được sung ngay vào ngôi "Đổng lý Văn phòng" Thủ tướng như vậy? Phải thế nào thì ông Trung tướng, PGS TS Phạm Minh Chính, tuổi Tuất (sinh năm 1958), đương coi sóc một mảng trọng yếu của ngành an ninh được tin cẩn điều việc trị nhậm Quảng Ninh?

Thoáng nhanh những câu chuyện luân chuyển cán bộ. Đã thử thách cùng phát lộ, phát hiện ra những người tài, những cán bộ có năng lực được dân tin, mến. Nhưng thực tế không ít và chẳng hiếm những vị này khác, thời gian về các địa phương, phương châm hành xử là… nằm im thở khẽ. Đại để suốt cả nhiệm kỳ luân chuyển, chuyên tâm làm việc mọn lặt vặt sao cho an toàn để còn cất cánh tiếp!

Thời Trần, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng đã từng làm… công tác "luân chuyển cán bộ". Đã từng điều chuyển hai vị tướng tài tâm phúc là Trần Quốc Tảng và Trần Khánh Dư về trị nhậm xứ Quảng Ninh. Trần Quốc Tảng cùng Trần Khánh Dư - 2 dũng tướng ấy, như mọi người từng biết qua chính sử, tính khí khá là độc đáo, đều ngay thẳng, cương trực đến ngang ngạnh. Nhưng đều ngời ngời tài năng thì mới gánh vác nổi sứ mệnh đánh giặc, coi sóc việc chăn dân ở vùng biên viễn được coi là phên dậu quốc gia Đại Việt.

Các ngài đều lập được công tích, đều xứng đáng với niềm tin của vua Trần. Nhưng có chút chi đó gờn gợn khi "gẫm" thêm ngữ nghĩa của đôi câu đối ở Đền thiêng Cửa Ông về Trần Quốc Tảng.

Bạch đằng hộ chiến công, lương tướng uy danh kinh Bắc địa

Hải Đông lưu linh tích, anh hùng tâm sự đối Nam thiên

(Giúp chiến thắng Bạch Đằng, tướng giỏi uy danh lừng đất Bắc. Lưu dấu thiêng Đông Hải, anh hùng tâm sự gửi Trời Nam).

Ông Phạm Minh Chính tại một phiên họp của Quốc hội.
Ông Phạm Minh Chính tại một phiên họp của Quốc hội.

Vế trên thì khoát hoạt hoành tráng công tích rồi nhưng vế đối sau dường như có chút chi đó u ẩn bi thương lẫn bi hùng? Đành mang tâm sự gửi cùng mây trời Đại Việt. Vâng, như ẩn một thông điệp cho hậu thế rằng vùng biên viễn phên dậu Quảng Ninh là xứ đất nghịch. Phải qua bao phen trí mưu cùng lao tâm khổ tứ thì mới trị nhậm nổi! Thì mới không hổ danh tướng ngoài biên ải lãnh sứ mệnh công tác luân chuyển cán bộ mà trung ương, triều đình đã giao phó?

Lần ấy tôi bám theo tốp phóng viên kinh tế báo nói lẫn báo hình về Quảng Ninh. Để có tài liệu làm việc, anh bạn truyền hình mượn cái băng của Đài truyền hình Quảng Ninh ghi buổi buổi làm việc giữa tân Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh với Trưởng đại diện Tập đoàn McKinsey ở Việt Nam.

Anh bạn bên truyền hình vốn thạo tin oang oang ngay với chất giọng trầm trồ, rằng McKinsey & Company là một Công ty tư vấn quản lý toàn cầu, được thành lập vào năm 1926 bởi James O. McKinsey tại Chicago, có trụ sở chính tại New York, Hoa Kỳ với số lượng nhân viên lên đến 27.000. Đây là tập đoàn quốc tế đầu tiên và duy nhất lúc ấy có văn phòng đại diện tại Việt Nam. McKinsey tập hợp những chuyên gia rất thạo về các vấn đề quản lý và đầu tư trong các ngành kinh tế thế giới và ngay tại Việt Nam . Kèm lời xuýt xoa rằng chả hiểu nguồn mối nào mách cho ông Chính mà nhanh thế?

Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính và tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính và tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Nội dung truyền hình chỉ điểm đầu việc. Chi tiết chúng tôi được rành rẽ thêm là trong bữa cơm với ông Chính. Vài thức sản vật biển và chút rượu ba kích đặc sản vùng Ba Chẽ, Quảng Ninh chỉ là cái cớ để cuộc ngồi của bữa cơm thường thêm rôm rả thông tin.

Bí thư Phạm Minh Chính vẫn sắc phục và phong thái giản dị quen thuộc ngày nào cười cười với đám khách "cơm cày cơm cấy - ai thấy thì ăn". Mãi sau này đi công việc với ông chỗ này nơi khác, tôi mới thấm phần nào cái câu mà ông vẫn thường buông một cách thoải mái ấy. Ý như những người cùng chung tay lo việc, làm việc đến bữa gặp bữa tiện thì ăn chứ đâu phải chiêu đãi gì linh đình thịnh soạn...

Kỳ III: Từ Nâu sang Xanh