Tân Hoa xã : Vụ Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị ám sát phản ánh một âm mưu đáng sợ nhằm vào Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

VietTimes -- Mục đích ám sát sẽ không đạt được, quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục tăng cường trên phương diện chống khủng bố, hợp tác chống khủng bố Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran sẽ tiếp tục được thúc đẩy.
Hung thủ đứng sau lưng Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey G. Karlov. Ảnh: CCTV
Hung thủ đứng sau lưng Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey G. Karlov. Ảnh: CCTV

Tân Hoa xã Trung Quốc ngày 20/12 có bài bình luận cho rằng Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/12 đã bị ám sát ở Thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, kẻ ám sát đã kêu to "Không được quên Syria" khi hành hung.

Chuyên gia cho rằng sự kiện tấn công này có thể sẽ không làm "trọng thương" quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trái lại có lợi cho thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong vấn đề chống khủng bố và Syria.

Hiện nay, ưu thế trên chiến trường của Quân đội Syria được mở rộng, cán cân sức mạnh giữa các bên liên quan đến vấn đề Syria cũng đang thay đổi, cuộc chơi giữa nhiều bên xung quanh vấn đề Syria sẽ trở nên gay gắt hơn.

Động cơ của hung thủ

Tối ngày 19/12 (giờ địa phương), Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey G. Karlov đã bị bắn chết trong một buổi lễ khai mạc triển lãm tranh ở Ankara.

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cho biết hung thủ có tên là Mevlut Mert Altintas, là một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ 22 tuổi, đã phục vụ 2 năm rưỡi trong lực lượng cảnh sát chống bạo động ở Ankara.

Sau sự việc này, Tổng thống hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tiến hành điện đàm, bày tỏ ý nguyện cùng điều tra sự kiện tấn công và tăng cường hợp tác chống khủng bố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: CCTV
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: CCTV

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết mục đích tấn công là có ý đồ phá hoại tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, "Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều không hy vọng bị đánh lừa bởi hành vi khiêu khích này".

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sự kiện này là hành vi khiêu khích, mục đích không chỉ là phá hoại bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn phá hoại tiến trình hòa bình Syria được Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các nước khác thúc đẩy.

Theo hãng thông tấn Russia Today, sự kiện này trước tiên đánh thẳng vào chính sách thân Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, tiếp theo là báo thù đối với việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chưa thực hiện được việc chỉnh đốn quân đội, cảnh sát sau cuộc đảo chính quân sự.

Bộ Ngoại giao Nga đã đem móc nối sự kiện này với Hội nghị Ngoại trưởng ba nước Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran tổ chức ở Moscow vào ngày 20/12. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, ba nước Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran sẽ áp dụng biện pháp, đập tan ý đồ của kẻ gây tội ác đứng đằng sau sự kiện ám sát Đại sứ Nga.

Báo chí Nga cho hay chủ đề trọng điểm của Hội nghị Ngoại trưởng ba nước lần này là bàn bạc về tình hình Syria sau khi lực lượng vũ trang chống chính phủ ở Syria rút khỏi Aleppo.

Thành viên Đảng Dân tộc xã hội Syria (SSNP) Mohamed Hassan trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik Nga cho biết mục đích sát hại Đại sứ Nga không chỉ ở chỗ phá hoại quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn ngăn chặn Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria hình thành liên minh.

Hiện trường Đại sứ Nga bị ám sát ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Hiện trường Đại sứ Nga bị ám sát ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ và Nga xích lại gần nhau

Tảm Đào, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ, Cơ quan nghiên cứu Bàn Cổ, Trung Quốc cho rằng sự kiện này có hai bối cảnh lớn: Một là quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga tiếp tục chặt chẽ. Hai là Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đang chuẩn bị phương án mới cho giải quyết vấn đề Syria. Nhìn vào một loạt dấu hiệu, hung thủ nhằm vào quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga, đặc biệt là hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong vấn đề Syria.

Trong vấn đề Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gần đây không ngừng mở rộng hợp tác. Sự cân nhắc ưu tiên trong vấn đề Syria của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là bảo vệ ổn định đất nước, ngăn ngừa người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng thời cơ lớn mạnh và hợp tác với người Kurd ở Iraq để "thành lập nước".

Cùng với tiếng nói của Nga trong vấn đề Syria ngày càng lớn, Thổ Nhĩ Kỳ muốn dựa vào Nga để bảo vệ lợi ích cốt lõi của họ trong vấn đề Kurd. Ngoài ra, tấn công tổ chức cực đoan "Nhà nước Hồi giáo" (IS) cũng là mục tiêu chung của hai nước.

Năm 2016, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga từng bước ấm lại, hai nước đã xây dựng cơ chế phối hợp quân đội tránh xung đột. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục tập kích đường không các mục tiêu ở miền bắc Syria.

Cựu phóng viên hàng đầu của hãng thông tấn Anadolu Thổ Nhĩ Kỳ là Remzi cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể vượt biên giới tiến vào Syria tấn công lực lượng vũ trang người Kurd cũng được lợi từ sự "ngầm đồng ý" của Nga.

Nhà nghiên cứu Tảm Đào cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga xích lại gần nhau không chỉ đã đụng chạm đến dây thần kinh của các nước phương Tây, mà cũng không phải là tin tốt đối với IS và phe đối lập ở Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu điều tra vụ ám sát (ảnh tư liệu)
Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu điều tra vụ ám sát (ảnh tư liệu)

Nền tảng hợp tác không bị phá vỡ

Theo nhà nghiên cứu Tảm Đào, sự kiện Đại sứ Nga bị ám sát ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn đến quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và tình hình Syria, cũng sẽ không gây ảnh hưởng mang tính phá hoại đối với hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhìn vào thái độ của nhà lãnh đạo hai nước, hai bên hoàn toàn không chỉ trích trực diện đối phương.

Sau khi thành phố quan trọng Aleppo ở Syria bị Quân đội Syria chiếm lại, khả năng Chính phủ Syria bị lật đổ giảm đi. Chính sách Trung Đông của Mỹ đứng trước sự điều chỉnh sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống, Mỹ và Nga có thể phối hợp lại lập trường trong vấn đề Syria.

Trong bối cảnh này, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể tạm thời gác lại bất đồng về vấn đề đi hay ở lại của Tổng thống Syria Bashar, tiếp tục tìm kiếm không gian hợp tác trong vấn đề Syria.

Nhà nghiên cứu Trương Hoằng, Trung tâm nghiên cứu Nga - Đông Âu - Trung Á, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng về tổng thể, sự bất đồng hiện nay giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể kiểm soát, tồn tại lợi ích thống nhất trong các vấn đề như chống khủng bố.

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bị đảo chính quân sự không thành công, quan hệ giữa chính quyền Erdogan với phương Tây nhất là Mỹ xấu đi, quan hệ với Nga ấm lại.

Đại sứ Nga tị Thổ Nhĩ Kỳ bị ám sát sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn đến quan hệ hai nước, thậm chí có thể sẽ thúc đẩy hai bên hợp tác chặt chẽ hơn.

Trương Hoằng cho rằng sự kiện Đại sứ Nga bị ám sát có thể sẽ không gây ảnh hưởng đến hợp tác giữa ba nước Nga - Thổ Nhĩ Kỹ - Iran. Sự kiện này cũng cho thấy tính chất phức tạp của vấn đề Syria. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể vì điều này mà gia tăng mức độ hợp tác chống khủng bố, tiến hành tấn công mạnh mẽ hơn đối với các thế lực khủng bố.