Tận gốc vấn đề: Vì sao có nhiều người ghét Apple đến thế?

Chuyện một hãng sản xuất điện thoại có "người yêu kẻ ghét" cũng là thường tình, chưa nói đến việc Apple là một trong những công ty công nghệ giá trị nhất trên thế giới, thường xuyên định vị ở phân khúc cao cấp. Nhưng liệu đâu mới là nguyên nhân thực sự đằng sau "trào lưu" ghét Apple?

Trước khi click vào tiêu đề và đọc bài viết này, chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe đến việc người dùng và giới công nghệ "chia phe" khá rõ ràng khi nói đến Apple. Có hàng triệu người là "fan" của Táo Khuyết trên khắp thế giới, nhưng cũng có hàng triệu người khác "ghét cay ghét đắng" công ty có trụ sở tại Cupertino này. Nếu đọc qua các bài viết trên những trang tin tức hay mạng xã hội về Apple và cuộn xuống phần bình luận, chắc hẳn bạn thường xuyên đọc được những bình luận rất trái chiều từ hai "phe". Thậm chí, những người bạn thân ở ngoài đời cũng có thể "lao" vào những cuộc cãi vã chỉ vì… Apple.

Vậy tại sao có nhiều người có xúc cảm "tiêu cực" về Apple đến thế? Bài viết này, chuyển ngữ từ trang Phonearena, sẽ cùng bạn thử đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao.

Có thực sự là Apple bị rất nhiều người ghét

Một nghiên cứu mới được công bố có tiêu đề "Consumer Brand Hate: Steam rolling whatever I see" của nhà nghiên cứu S. Umit Kucuk đã khảo sát khoảng 500 người về cảm xúc của họ với các thương hiệu và những điều khiến họ "ghét bỏ" các thương hiệu nhất. Dưới đây là kết quả của nghiên cứu:

"Có đến hơn 150 thương hiệu khác nhau đã bị những người trả lời khảo sát cho biết rằng họ rất "ghét". Khoảng 50% số người trả lời cho biết họ "ghét" những thương hiệu nằm trong top 30 thương hiệu giá trị nhất thế giới vào năm mà nghiên cứu này được thực hiện (trong đó thương hiệu bị ghét nhất là Apple, với tỷ lệ người trả lời "ghét" là 12%, sau đó đến Walmart với 9%). Đây là minh chứng cho hiện tượng "Nguy cơ tiêu cực nhân đôi": những thương hiệu giá trị nhất thường bị ghét nhiều hơn so với những thương hiệu có giá trị thấp hơn".

Vì sao Apple lại bị "ghét" nhiều đến thế

Vì người ta thường ghét những thứ nằm ở "đỉnh cao" trên các bảng xếp hạng

Hãy cùng nói thêm về hiện tượng "Nguy cơ tiêu cực nhân đôi". Thuật ngữ này dùng để chỉ trường hợp các thương hiệu giá trị nhất lại thường là những thương hiệu bị ghét bỏ nhiều nhất. Từ các tài khoản Twitter và trang fanpage Facebook chuyên dùng để lan tỏa các thông điệp "thù địch" tới các thương hiệu, cho đến những trang web được xây dựng riêng để đăng tải những thông tin "bêu xấu", các công ty phổ biến thường là "thỏi nam châm" thu hút rất nhiều… chỉ trích. Lý giải cho điều này có thể là bởi những người này cho rằng các công ty giá trị thường có "lòng tham", những chiến lược đáng ngờ hoặc những thứ tương tự để có thể leo lên "đỉnh" danh vọng. Miễn là một công ty còn đứng trên "đỉnh" các bảng xếp hạng, sẽ có rất nhiều người ghét doanh nghiệp đó chỉ vì điều này. Tuy nhiên, không chỉ các công ty, nhãn hiệu mới rơi vào tình cảnh này. Trong thể thao cũng có hiện tượng tương tự. Những đội tuyển có vị thế "áp đảo" trong một môn thể thao nào đó, hoặc các vận động viên liên tục giành huy chương vàng trong nhiều năm liên tiếp cũng phải hứng chịu sự "ghét bỏ" như vậy.

Apple đã có một thời gian dài đứng đầu nhiều bảng xếp hạng – và điều này cũng giúp công ty thu hút được một số lượng "kha khá" cả fan và anti-fan. Họ có thể nghĩ ra rất nhiều lý do để "bào chữa" cho cảm xúc ghét bỏ của mình đối với Táo Khuyết, bạn có thể tìm hiểu ở các phần sau của bài viết này.

Vì Apple khác biệt với phần còn lại của thế giới

Mọi người thường có xu hướng trở nên gắn bó đặc biệt với những sản phẩm mà họ đang sử dụng, bất chấp việc các tập đoàn, các nhà sản xuất đứng sau hiếm khi có sự "đáp lại" tình cảm ấy của người tiêu dùng. Điều này đặc biệt đúng khi nói về ngành công nghệ, và thậm chí còn đúng hơn nữa trong "thế giới" smartphone. Điện thoại thông minh ngày nay đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta, đến mức mà nếu có ai đó chê bai hay buông lời "xúc phạm" chiếc smartphone thân yêu của chúng ta, thì cũng đồng nghĩa với việc họ đang xúc phạm chính chúng ta vậy.

Thế giới smartphone đang chứng kiến hai nhóm riêng biệt và thường xuyên "đối đầu" nhau: đó là team Apple (hay iOS) và team Android. Mặc dù hệ điều hành Android hiện đang bị "phân mảnh" với sự tham gia của rất nhiều nhà sản xuất khác nhau như Samsung, OnePlus, Xiaomi và nhiều hơn nữa, nhưng đứng trước iOS, những nhóm này vẫn đồng lòng hợp sức "chống lại kẻ thù chung" là Apple.

Được "vũ trang" bởi các lập luận, sự thiên vị hay thậm chí chỉ là những câu nói xúc phạm đơn thuần, những người dùng Android và iOS lao vào cuộc khẩu chiến không hồi kết. Đôi khi, chỉ vì nhìn thấy logo của hãng sản xuất trên thiết bị cầm tay của người đối diện mà chúng ta sẵn sàng lao vào và mắc kẹt trong những lập luận bất tận về công nghệ của hãng nào mới là đỉnh cao.

Vì Apple chính là hiện thân mẫu mực của chủ nghĩa tiêu dùng

Xét theo giá cổ phiếu, Apple thường xuyên giữ vị trí thương hiệu có giá trị nhất trên thế giới. Và họ có vị trí đó không chỉ với việc bán được hàng triệu sản phẩm, nhưng cũng nhờ việc "nhồi nhét" vào tâm trí người dùng một triết lý, rằng các sản phẩm của công ty giúp cuộc sống của con người chúng ta trở nên tốt hơn. Bạn có thể đã một hoặc nhiều lần nghe thấy những thông điệp kiểu như "chúng tôi cung cấp cho mọi người những công cụ tuyệt vời để họ có thể làm được nhiều điều tuyệt vời". Và mặc dù những tuyên bố đó không hề sai, nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng đa số người dùng chỉ làm những điều bình thường (chứ không phải lúc nào cũng là những điều tuyệt vời) với chiếc iPhone hoặc MacBook của họ. Nhưng bằng cách sử dụng tất cả những công cụ tiếp thị có thể và những phép so sánh tuyệt đối một cách tràn lan trên các trang web và quảng cáo, Apple đã thành công với việc tạo ra "một vầng hào quang thần bí" xung quanh các sản phẩm của công ty, khiến chúng có vẻ hấp dẫn hơn nhiều trong mắt người dùng.

Tuy nhiên, đối với những người không bị thu hút bởi "vầng hào quang" đó, thì họ lại thấy nó kinh khủng chứ không phải là hấp dẫn. Đối với họ, những lời đó là hiện thân điển hình của thế giới hiện đại, nơi con người bị ám ảnh với hàng hóa vật chất. Chi tiêu hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn USD cho những món đồ công nghệ đắt tiền mà bạn hoàn toàn có thể tìm thấy một sản phẩm thay thế với giá rẻ hơn nhiều là điều không thể chấp nhận đối với họ và đơn giản là cứ "sai sai". Không nên đặt một thương hiệu nào đó "lên đầu chúng ta" chỉ vì nó là "đứa con" của một tập đoàn đang tìm kiếm lợi nhuận tối đa.

Vì chính các fan của Apple

Chắc hẳn bạn cũng hiểu cảm giác khi bạn rất thích một thứ gì đó, nhưng khi lực lượng fan "hùng hậu" của nó khiến bạn cảm thấy quá khó chịu, đến mức bạn thà không sử dụng còn hơn là để bản thân "dây dưa" vào đó. Và đối với một số người, điều này rất đúng với các fan của Apple. Sự hâm mộ và lòng trung thành tuyệt đối với một thương hiệu nhiều khi vượt quá ngưỡng giới hạn, và cách thức mọi người tung hô các sản phẩm của một công ty nào đó bất chấp chúng có chất lượng kém hay nhiều lỗi như thế nào đôi khi rất phản cảm.

Ngay cả khi bạn giữ quan điểm trung lập đối với Apple, việc gặp những fan của Táo Khuyết và thường xuyên phải nghe họ thuyết phục về sự tuyệt vời của những sản phẩm đến từ công ty này, cứ như thể họ đang được Apple trả tiền để PR vậy, có thể khiến bạn trở nên "ghét bỏ" công ty công nghệ xứ Cupertino đấy!

Vì họ không phải là nhóm người dùng mục tiêu của Apple

Apple thường bị chỉ trích vì giới hạn một cách quá mức những gì người dùng có thể làm với các thiết bị do công ty sản xuất. Từ việc không thể đặt shortcut cho các ứng dụng hay không có tính năng gửi file qua Bluetooth trực tiếp, còn nhiều tính năng mà Apple hoàn toàn có thể tích hợp vào sản phẩm của họ nhưng thực tế họ lại không làm vậy. Điều này khiến những người dùng có hiểu biết và kinh nghiệm về công nghệ cảm thấy bực mình, bởi họ có cảm giác rằng Apple đối xử với họ cứ như thể họ không biết gì vậy.

Và điều đó thực ra cũng… đúng thật. Những người dùng sản phẩm của Apple thuộc đủ mọi đối tượng, và nhiều người trong số đó không những không có kiến thức, chuyên môn về các sản phẩm công nghệ, mà thậm chí họ còn… không có ý định làm như vậy. Họ cần một thiết bị đơn giản, dễ sử dụng và làm được những tác vụ cơ bản hàng ngày là được rồi.

Vì cách làm gây tranh cãi của Apple

Một trong những nguyên nhân quan trọng khác khiến Apple bị "ghét" là bởi nhiều chiến lược kinh doanh của họ không hề trùng khớp với "triết lý" của công ty, rằng họ làm tất cả vì lợi ích của người dùng. Apple cung cấp kèm theo hộp iPhone những cục sạc tốc độ chậm để buộc người dùng phải bỏ thêm tiền mua riêng những cục sạc tốc độ cao hơn ở bên ngoài; dung lượng cơ bản của iPhone thường quá thấp để buộc người dùng phải tìm đến những phiên bản cao hơn và đương nhiên là cũng… đắt hơn.

Apple "bóp" hiệu năng CPU trên những chiếc iPhone có pin bị chai để buộc người dùng cân nhắc nâng cấp lên những model mới, và liên tục đấu tranh pháp lý với các cửa hàng sửa chưa độc lập nhằm không cho phép họ tự sửa các thiết bị Apple hỏng hóc… Đó chỉ là một vài trong số những quyết định không đứng về phía người dùng của Apple trong thời gian gần đây.

Và trên đây cũng là tất cả những lý do để "ghét" Apple và chính những điều này đã khiến một lượng lớn người dùng dần rời xa hệ sinh thái của Táo Khuyết trong những năm qua. Tuy nhiên, cần phải chấp nhận sự thật rằng dù Apple có "cao thượng" như thế nào, thì họ cũng chỉ là một công ty tư nhân, và mỗi quý trôi qua đều là áp lực khổng lồ với ban lãnh đạo của công ty phải đem đến những tin tức tích cực tới cho các nhà đầu tư, bằng không họ sẽ gặp rắc rối.

Vì sản phẩm của Apple không hề rẻ đối với nhiều người

Các sản phẩm của Apple đều rất đắt đỏ. Bạn hầu như không bao giờ nghe thấy từ "rẻ" trong các buổi giới thiệu sản phẩm của Apple, chỉ là "ít đắt hơn" mà thôi. Thương hiệu này mang đến những sản phẩm cao cấp; và công ty muốn mọi người hiểu rõ điều đó trước hết là thông qua giá thành của sản phẩm. Dĩ nhiên, không phải ai cũng có thể (hoặc muốn) bỏ ra ngần ấy tiền để mua chúng.

Theo lẽ tự nhiên, điều này khiến nhiều người có cảm giác "ghét bỏ" Apple, bởi lẽ công ty đã dựng lên một rào chắn, ngăn cản một số nhóm đối tượng nhất định bước chân vào "khu vườn kín" của công ty. "Quá đắt đỏ" là một cụm từ thường được sử dụng để mô tả sản phẩm của Apple. Chẳng lẽ chúng không thể rẻ hơn chút nào sao? Apple hiện đang là một trong những công ty có lợi nhuận biên cao nhất trên thế giới; đồng thời, họ là nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba toàn cầu. Điều duy nhất họ quan tâm là doanh số; miễn sao các số liệu kinh doanh cho thấy đa số mọi người hài lòng với chiến lược "làm giá" của Apple là được rồi!

Theo Tạp chí Diễn đàn đầu tư

https://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2974171/tan-goc-van-de-vi-sao-co-nhieu-nguoi-ghet-apple-den-the