Tâm nguyện gửi Đại hội Đảng: Đổi mới tư duy, dũng cảm so mình với thế giới

VietTimes -- Người dân cả nước cũng như các đại biểu từ các địa phương về tham dự Đại hội đã bày tỏ mong muốn đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XII để Đại hội thông qua những quyết sách phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
 Ông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam
Ông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam

     VietTimes ghi lại ba số trong nhiều ý kiến đóng góp đó.

    Ông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam: 10 mong muốn với Đại hội XII

     Là một cán bộ 46 năm tuổi Đảng, tôi xin gửi 10 mong muốn lên Đại hội XII của Đảng như sau:

     1. Đảng tự tin chuyển dần từ cơ chế Đảng cử sang cơ chế Đảng lãnh đạo để cán bộ tranh cử, thi cử, cung cấp thông tin cho nhân dân bầu cử.

     2. Đổi mới tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu QH và HĐND các cấp để đủ đức tài giám sát tối cao và giám sát thường xuyên các cơ quan hành pháp cùng cấp; với 3 trọng tâm là: Kinh tế, thể chế và chiến lược đầu tư phát triển đất nước.

3. Cải tổ doanh nghiệp nhà nước với 2 đột phá: Cổ phần hóa và chuyển đổi, thu hẹp dần chức năng chủ quản, trao trọn quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Với doanh nghiệp trong tương lai chỉ nên có 1 bộ quản lý tốt nhất là “Bộ luật doanh nghiệp”.

     4. Coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

     5. Đổi mới tư duy, dũng cảm so mình với thế giới để hành động nhằm phát triển đất nước nhanh hơn. Chống mọi biểu hiện của tư tưởng “tự sướng”, “ru ngủ” để tiếp tục tụt hậu.

     6. Trao quyền, phân cấp cho địa phương và cơ sở nhiều hơn để tự sáng tạo và chấn hưng đất nước. Chính quyền Trung ương chỉ tập trung lo 5 khâu quan trọng nhất là: Quy hoạch (để định hướng); Thể chế (để có kỷ cương); Chính sách (để có động lực); Thanh kiểm tra (để khen chê thưởng phạt chính xác, kịp thời); Đào tạo (để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao).

     7. Tập trung làm công nghiệp hóa với 2 lợi thế lớn nhất của đất nước là: Công nghiệp hóa Nông nghiệp và công nghiệp CNTT.

      8. Nâng cao đạo đức trong Đảng, làm mẫu, làm gương đủ sức đẩy lùi mọi tiêu cực trong xã hội. Để người tốt được trọng dụng, người xấu không dám lộng hành.

     9. Mở rộng dân chủ đại trà và dân chủ trực tiếp trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là kinh tế và chính trị. Coi trọng dân chủ đối với trí thức và báo chí.

     10. Tập trung trí tuệ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân góp ý, hiến kế đổi mới cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế nhanh; hội nhập quốc tế sâu rộng; giữ vững an ninh quốc phòng; đảm bảo môi trường sinh thái; bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Đưa Việt Nam sớm sánh vai với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới như mong muốn của Bác Hồ.

     Ông Trần Văn Ron, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long: Tạo động lực để bứt phá

     Trong thời gian tới, nước ta sẽ hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn, mạnh hơn, nên tính cạnh tranh sẽ càng quyết liệt hơn. Mặt khác, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ tác động nhanh hơn, gây nhiều bất lợi đến sản xuất và đời sống của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trần Văn Ron


Ông Trần Văn Ron

     Do đó, để tạo động lực cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bứt phá, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiều hơn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

     Đặc biệt là triển khai thực hiện tốt chủ trương liên kết phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long; trọng tâm là liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nhất là 3 sản phẩm chủ lực là lúa gạo, thủy sản (cá tra, tôm), trái cây. 

     Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng về xúc tiến đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; sử dụng chung kết cấu hạ tầng vùng về công nghiệp, xử lý chất thải rắn, cấp nước, chợ đầu mối...; phối hợp tuyên truyền và quảng bá du lịch, hình thành các tour du lịch; khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững tài nguyên nước, bảo vệ môi trường; phối hợp xây dựng và ban hành danh mục các chương trình, dự án mang tính chất vùng cần mời gọi đầu tư, trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu, xúc tiến mời gọi đầu tư...

     Bên cạnh đó, Vĩnh Long tiếp tục đề xuất, kiến nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương có cơ chế phối hợp quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông để tạo sự kết nối giữa các địa phương trong vùng và vùng lân cận; có cơ chế, chính sách đặc thù về giáo dục - đào tạo, dạy nghề, phát triển nhanh nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

     Bà Phạm Hải Hoa, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên (Hà Nội): Phải đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc

     Là đại biểu tham dự Đại hội Đảng XII tôi đặt niềm tin sâu sắc và mong đợi Đại hội XII lần này sẽ là đại hội đột phá, với những quyết sách mới, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn.

     Đặc biệt, kỳ vọng vào việc giải quyết tốt sự phân hóa giàu - nghèo trong đời sống xã hội, giảm thiểu sự chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng; khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp; giải quyết tốt việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tận dụng những cơ hội mới của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc hình thành cộng đồng ASEAN mang lại, để tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững hơn.

     Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng phải được đặc biệt chú trọng, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng; phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị thấy rõ việc cần thiết và trách nhiệm phải đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc, thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, kỷ cương, gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời kiến nghị của nhân dân; bám sát thực tiễn cơ sở, nói đi đôi với làm, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và cán bộ, Đảng viên.

     L.T.B (ghi)